08/01/2025

Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hoà bình cho Việt Nam: Bài báo từ Sài Gòn

Lịch sử có thể đã thay đổi nếu bài báo của một nữ phóng viên Mỹ ở Sài Gòn được đăng tải trong ngày bầu cử Mỹ năm 1968.

 

Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hoà bình cho Việt Nam: Bài báo từ Sài Gòn

Lịch sử có thể đã thay đổi nếu bài báo của một nữ phóng viên Mỹ ở Sài Gòn được đăng tải trong ngày bầu cử Mỹ năm 1968.




Tổng thống Johnson (phải) trao đổi với cố vấn Rostow /// Thư viện Lyndon Baines Johnson

 

Tổng thống Johnson (phải) trao đổi với cố vấn RostowTHƯ VIỆN LYNDON BAINES JOHNSON

Cuối tháng 10.1968, Beverly Deepe, một nữ phóng viên 33 tuổi thường trú tại Sài Gòn của tờ Christian Science Monitor, nắm được manh mối về một câu chuyện lẽ ra đã có thể thay đổi lịch sử. Sự kiện này được Deepe kể lại trong cuốn hồi ký Death Zones and Darling Spies: Seven Years of Vietnam War Reporting (tạm dịch: Vùng chết và những điệp viên đáng mến: Bảy năm đưa tin về chiến tranh VN) xuất bản sau đó 45 năm.
Bà viết: “Ngày 28.10, tôi gửi một tin báo cho biên tập viên hải ngoại của tờ Monitor (Henry) “Hank” Hayward: “Ở đây có tin cho hay Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Washington Bùi Diễm báo cáo Bộ Ngoại giao rằng các phụ tá của Nixon đã tiếp cận ông ấy và nói với ông ấy rằng chính quyền Sài Gòn nên giữ lập trường kiên định liên quan đến chuyện đàm phán và một khi Nixon đắc cử, ông ấy sẽ ủng hộ chính quyền Thiệu với các yêu sách của họ. Nếu anh có thể lần theo ban vận động tranh cử của Nixon, thì hẳn nó sẽ là một câu chuyện rất hay”. Deepe cho hay bà không nhận được hồi âm từ cấp trên, thậm chí cả khi Sài Gòn bất ngờ rút lui khỏi các cuộc đàm phán ở Paris.
Thời khắc then chốt
Thời điểm này, những hệ lụy xung quanh các mối liên hệ bí mật của ứng cử viên Richard Nixon hết sức lớn lao. Một thỏa thuận hòa bình lẽ ra có thể cứu mạng vô số người, cả người Mỹ và người Việt. Nhưng bước tiến đến một thỏa thuận có thể đồng nghĩa với một thất bại cho Nixon trong ngày bầu cử 5.11.
Ngày 4.11 giờ Sài Gòn (ngày 3.11 giờ Washington), Deepe tập hợp các thông tin của mình thành một bài báo để nộp về toà soạn. Bản thảo của bà bắt đầu bằng câu: “Những khích lệ chính trị được cho là xuất phát từ ban vận động tranh cử của Richard Nixon là yếu tố quan trọng khiến Tổng thống Thiệu quyết định từ chối cử phái đoàn tham dự hoà đàm Paris vào phút chót, ít nhất cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc”.
Bài báo chấn động của Deepe rốt cuộc bị biến thành bản tin một cột ở trang 2 và tất cả những phần liên quan đến Nixon bị cắt bỏ. Hayward giải thích cho Deepe rằng phần bị cắt gần như tương đương với cáo buộc về tội phản quốc và toà soạn phải bỏ đi vì không thể phối kiểm một cáo buộc nghiêm trọng như thế ngay trước ngày bầu cử.
Phải hàng chục năm sau Deepe mới biết được rằng bài báo của bà từng được đẩy lên đến tận Nhà Trắng và chỉ chút nữa thôi nó đã thay đổi lịch sử. Điều mà Hayward không nói với Deepe khi đó là Christian Science Monitor đã cử trưởng văn phòng tại Washington Saville Davis gọi điện cũng như đi đến Đại sứ quán Việt Nam Cộng hoà ngày 4.11 để đề nghị bình luận và phối kiểm các thông tin do Deepe cung cấp.
Cuộc thương nghị của Johnson
Như những gì được giải mật sau này, ngay khi Deepe hay biết về canh bạc của Nixon từ các nguồn tin của mình ở Sài Gòn thì tại Washington, Tổng thống Lyndon Johnson cũng nhận được báo cáo từ thuộc cấp về vụ “đi đêm” này. Do Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tổ chức nghe lén Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa nên trong cùng ngày 4.11, Cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow nhận được một báo cáo về việc Davis muốn gặp mặt Đại sứ Bùi Diễm liên quan đến “một câu chuyện nhận được từ thông tín viên ở Sài Gòn”.
Báo cáo viết: “Davis nói thông tin từ Sài Gòn chứa các yếu tố của một vụ bê bối lớn có thể liên quan đến đại sứ Việt Nam Cộng hóa và sẽ tác động đến ứng cử viên tổng thống Richard Nixon nếu tờ Monitor xuất bản nó”. Tuy nhiên phía đại sứ quán đã từ chối bình luận.
Ngay sau đó, Davis đến Nhà Trắng để đề nghị chính phủ bình luận hoặc xác nhận. Cuộc điều tra của tờ Christian Science Monitor mang đến cho Johnson thêm một cơ hội để công khai hành vi của Nixon, ngay cả khi câu chuyện chỉ có thể đến với công chúng vào sáng ngày bầu cử 5.11. Vì thế, Johnson đã tổ chức cuộc họp qua điện thoại với 3 cố vấn chủ chốt là Rostow, Ngoại trưởng Dean Rusk và Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford, để bàn xem có nên xác nhận thông tin với tờ Christian Science Monitor hay không.
Nhưng vì nhiều lý do cả ba người này đều khuyên Johnson không công khai câu chuyện nên ông quyết định không xác nhận với Davis và kết quả là Christian Science Monitor đã phải gọt giũa lại bài báo của Deepe.
Deepe không hay biết về cuộc bàn bạc nói trên trong hàng chục năm vì toàn bộ các thông tin liên quan đến vụ “đi đêm” của Nixon đã được Johnson chỉ thị cho Rostow tập hợp lại và giấu kín, ngay trước khi họ rời Nhà Trắng.
Bản thân Nixon sau này đã ra lệnh cho các phụ tá truy tìm hồ sơ này nhưng không thành công. Sau khi Johnson qua đời vào tháng 1.1973, Rostow dồn tất cả tài liệu vào một hồ sơ gọi là Phong bì X, với chỉ dẫn: “Sẽ được mở ra bởi Giám đốc Thư viện Lyndon Baines Johnson, không sớm hơn 50 năm kể từ ngày hôm nay 26.6.1973”.
(Còn tiếp)

 

Công Chính