09/01/2025

Malaysia: lao động nước ngoài không phải đóng phí việc làm

Kể từ ngày 1-1-2017, các lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia không phải nộp phí việc làm cho chính phủ. Thay vào đó, nghĩa vụ này sẽ do các chủ lao động đảm đương.

 

Malaysia: lao động nước ngoài không phải đóng phí việc làm

 Kể từ ngày 1-1-2017, các lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia không phải nộp phí việc làm cho chính phủ. Thay vào đó, nghĩa vụ này sẽ do các chủ lao động đảm đương.

 

 

 

Malaysia: lao động nước ngoài không phải đóng phí việc làm
Từ ngày 1-1-2017, lao động nước ngoài tại Malaysia không phải nộp phí cho chính phủ. Trong ảnh: chị Trần Thị Xuân Hương (quê Thái Bình) làm việc trong một nhà hàng Việt tại thủ đô Kuala Lumpur – Ảnh: HÀ BÌNH

Đây có thể coi như món quà mừng năm mới thật sự có ý nghĩa với các lao động nước ngoài đang làm ăn sinh sống tại Malaysia.

Theo Hãng tin Bernama của Malaysia, Chính phủ Malaysia tuyên bố các chủ doanh nghiệp thuê tuyển lao động nước ngoài từ ngày 1-1-2017 trở đi sẽ phải thanh toán các khoản phí việc làm thay cho người lao động.

Hãng tin Bernama dẫn lời Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết: “Các chủ lao động cũng không được phép khấu trừ khoản phí này vào lương của người lao động”.

Doanh nghiệp Malaysia phản ứng

Từ ngày 18-3-2016, Chính phủ Malaysia áp phí việc làm đối với các lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia. Mức phí này tùy theo từng ngành nghề như sản xuất, xây dựng (1.850 ringgit Malaysia, tương đương 411,8 USD), nông nghiệp, đồn điền (khoảng 142,46 USD), dịch vụ (khoảng 411,8 USD).

Trước năm 2013, người lao động nước ngoài không phải nộp bất cứ khoản thuế nào như vậy cho chủ lao động.

Không chỉ thay đổi về chính sách thuế với người lao động nước ngoài, Chính phủ Malaysia cũng công bố rõ ràng quy định các chủ lao động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về người lao động của họ từ thời điểm ký kết hợp đồng tới lúc các lao động này trở về quê nhà.

Ngay sau khi quy định mới chính thức có hiệu lực, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Malaysia đã lên tiếng phản đối chính sách mà họ cho rằng giống như một sự “trừng phạt” với các chủ doanh nghiệp và sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế trong nước.

Ông Datuk Michael Kang, chủ tịch Hiệp hội SME Malaysia (thành lập năm 1995 với mục tiêu khuyến khích, cung cấp các hình thức hỗ trợ, dịch vụ và giải pháp nhằm hướng tới những lợi ích tốt nhất cho các ngành công nghiệp nhỏ và vừa, các công ty và doanh nghiệp ở Malaysia), cho biết các đại diện của nhiều ngành công nghiệp khác nhau sẽ tổ chức một cuộc hội đàm với chính phủ để bàn thêm về chính sách mới này.

“Chúng tôi muốn chính phủ huỷ bỏ hoặc đảo ngược chính sách này” – ông Kang nói.

Chủ tịch Liên đoàn Các nhà sản xuất Malaysia (FMM) Lim Wee Chai cho biết tổ chức này cũng sẽ gửi đề nghị tới Bộ Nội vụ yêu cầu làm rõ về chính sách mới. Ông Lim Wee Chai nói: “Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu tổ chức đối thoại”.

Trong khi đó, giám đốc điều hành của Liên đoàn Chủ doanh nghiệp Malaysia (MEF) Datuk Shamsuddin Bardan cho rằng việc chính phủ buộc các chủ lao động phải trả phí thay người lao động sẽ khiến họ phải dốc hầu bao thêm 5 tỉ ringgit Malaysia (1,1 tỉ USD) mỗi năm.

Đó là chưa kể khoản chi thêm 3 tỉ ringgit Malaysia (667,7 triệu USD) mỗi năm mà các chủ doanh nghiệp phải bỏ ra kể từ khi tăng lương tối thiểu theo quy định vào tháng 7 năm ngoái.

Ổn định thị trường lao động

Trong khi đó, tổng thư ký Đại hội Công đoàn Malaysia N. Gopal Kishnam lại tỏ ra hài lòng với quy định mới của chính phủ liên quan tới người lao động nước ngoài. Ông cho biết: “Chúng tôi đã tham gia thúc đẩy quy định mới yêu cầu chủ lao động phải trả phí việc làm cho người lao động nước ngoài”. Cũng theo ông Kishnam, với chính sách này, việc tuyển dụng lao động nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Theo đó, họ sẽ chuyển sang hướng tuyển dụng lao động trong nước.

Ông Kishnam cũng bác bỏ những quan điểm cho rằng người dân địa phương không muốn làm những công việc thường được gọi tắt là “3D” (dirty, dangerous và demeaning: bẩn, nguy hiểm và thấp hèn). Ông nói thêm: “Người địa phương sẽ làm các công việc 3D nếu các anh trả thù lao đủ và nếu họ biết công việc của họ được đảm bảo”.

Phản biện quan điểm của MEF, ông Paul Low Seng Kuan, bộ trưởng phụ trách Cơ quan đảm bảo tính minh bạch của Chính phủ Malaysia, cho rằng: “Chủ doanh nghiệp phải chịu mức thuế thu nhập cho người lao động vì điều này phù hợp với các công ước lao động quốc tế. Nếu các anh đối xử với người lao động tử tế, không có lý do gì khiến họ phải bỏ trốn”.

Hầu hết lao động nước ngoài tại Malaysia đều được nhập cảnh thông qua các công ty môi giới lao động. Các công ty này sau khi tuyển được người sẽ tìm kiếm các công ty trong nước có nhu cầu phù hợp để cung ứng nhân sự.

Theo ông Kuan, vấn đề phức tạp ở đây là các công ty môi giới việc làm đang đưa vào Malaysia quá nhiều lao động, hứa hẹn với họ về công việc, mức lương, điều kiện sinh hoạt hấp dẫn. Nhưng rồi “khi họ nhận được công việc mới thấy thực tiễn khác xa so với những hứa hẹn, từ đó họ bất mãn và bỏ trốn.

Chưa kể ngoài việc phải trả phí việc làm, người lao động còn bị tính phí khoảng 10.000 ringgit (2.225 USD) cho các công ty môi giới để nhận được việc làm. Do vậy họ có thể phải làm việc ít nhất sáu tháng (để thanh toán những khoản phí đó) rồi mới bắt đầu có được khoản thu nhập cho bản thân”.

Vị quan chức chính phủ này cho rằng đó chính là lý do dẫn tới tình trạng nhiều lao động nước ngoài đã bỏ việc, thậm chí bỏ trốn, ở lại lâu hơn thời gian quy định trong hợp đồng lao động và trở thành người lao động nhập cư bất hợp pháp, gây phức tạp cho an ninh, trật tự xã hội.

Cơ hội cho 60.000 lao động Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-1, ông Tống Hải Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết cơ quan này đã nắm được thông tin về việc Chính phủ Malaysia thay đổi chính sách thuế đối với người lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia.

“Chúng tôi đã nắm được thông tin này và phải nói chính xác lại rằng Malaysia không phải là miễn thuế thu nhập như một số phương tiện thông tin đã nói, họ chỉ miễn phí việc làm. Còn thuế thu nhập thì họ cũng áp dụng như Việt Nam, người lao động thu nhập đạt đến ngưỡng nào đó vẫn phải đóng thuế” – ông Nam cho biết.

Theo ông Nam, với việc miễn phí việc làm cho người lao động nước ngoài của Malaysia, trong đó có lao động Việt Nam, là chính sách tốt, có lợi cho người lao động.

Với chính sách này, khoảng 60.000 lao động Việt Nam sẽ không phải đóng phí việc làm khoảng 450 USD/người/năm. Bên cạnh đó, chính sách này sẽ là cơ hội, khuyến khích nhiều lao động đến làm việc tại thị trường này.Đức Bình

Tránh vắt chanh bỏ vỏ

Ông Paul Low Seng Kuan, bộ trưởng phụ trách Cơ quan đảm bảo tính minh bạch của Chính phủ Malaysia, cho rằng quy định mới là động thái của chính phủ nhằm khuyến khích và ràng buộc hơn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc đảm bảo điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho người lao động nước ngoài.

Cũng theo ông Kuan, điều đó sẽ siết chặt hơn nữa hệ thống tuyển dụng lao động, để người lao động nước ngoài không bị đối xử theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ.

D.KIM THOA