09/01/2025

Làm giàu từ nghề đan giỏ trạc

Chuyển đổi từ đan sọt tre truyền thống sang đan giỏ trạc bằng nhựa đựng xoài và thủy hải sản, mỗi năm bà Phạm Thị Tuyết Oanh ở tỉnh An Giang thu lãi hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương.

 

Làm giàu từ nghề đan giỏ trạc

Chuyển đổi từ đan sọt tre truyền thống sang đan giỏ trạc bằng nhựa đựng xoài và thủy hải sản, mỗi năm bà Phạm Thị Tuyết Oanh ở tỉnh An Giang thu lãi hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương.



Bà Oanh với sản phẩm giỏ trạc làm bằng dây nhựa cứng /// Ảnh: Thanh Dũng

 

Bà Oanh với sản phẩm giỏ trạc làm bằng dây nhựa cứngẢNH: THANH DŨNG

Cù lao Giêng thuộc 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (H.Chợ Mới, An Giang), nơi bà Phạm Thị Tuyết Oanh mở cơ sở sản xuất giỏ nhựa, giỏ trạc là vùng đất nổi tiếng bao đời nay với nghề trồng xoài. Với tổng diện tích trên 40.000 ha, nghề trồng xoài phát triển kéo theo đông đảo người dân địa phương sống bằng nghề đan giỏ, sọt để đựng xoài. Trước kia, các nhà vườn ở vùng này khi hái xoài thường sử dụng sọt tre để đựng quả nhưng loại sọt này hay bị gãy, không bền, mẫu mã cũng đơn điệu và hơi nặng. Thấy được nhược điểm này nên một số cơ sở làm sọt tre truyền thống ở vùng đất cù lao đã nghiên cứu dùng sợi dây bằng nhựa để đan thành giỏ trạc.
Bà Oanh là một trong những người đã mạnh dạn bắt tay làm loại giỏ mới này. Bà kể, do làm nghề đan giỏ lâu năm đã có kinh nghiệm nên việc thiết kế mẫu cũng như đan dây nhựa thành giỏ trạc không mấy khó khăn.
Năm 2013, bà Oanh tung sản phẩm giỏ trạc ra thị trường. Giỏ trạc bằng nhựa có kiểu dáng như cái bội nhỏ, hai bên vành không có 2 quai cầm, vành miệng giỏ trạc lắp vành sắt tròn nên khi leo lên cây hái xoài nhà vườn buộc dây vào bên hai vành sắt kéo giỏ xoài lên xuống sẽ không bị gãy như sọt tre trước đây. Thân giỏ làm bằng dây nhựa nên khi rớt từ trên cao xuống đất vẫn chịu được các va chạm, cũng không bị nắng mưa làm hư mục. Bà nhớ lại, lúc đó do sản phẩm còn mới nên chỉ làm số lượng hạn chế bán thăm dò với giá 70.000 đồng/cái. Thời gian đầu mỗi tháng chỉ bán được vài chục cái giỏ. Nhờ ưu điểm xài bền, trên 2 năm mới hư, mẫu mã đẹp, kiểu dáng nhìn bắt mắt, dùng đựng xoài nhìn sạch hơn so với sọt tre nên nhà vườn ở H.Chợ Mới truyền miệng nhau. Thế là nhiều nhà vườn trong tỉnh An Giang tìm đến xem hàng, đặt mua nên chỉ trong một thời gian không lâu sau, mỗi tháng bà Oanh cung ứng hơn 100 giỏ ra thị trường.
Tiếng lành đồn xa, nhà vườn và thương lái ở các tỉnh lân cận hay tin cũng lặn lội sang cù lao tìm hiểu, kiểm tra giỏ thấy vẫn có thể dùng đựng các loại trái cây khác nên ưng ý đặt mua. Rồi nhiều nhà vườn ở TX.Hà Tiên (Kiên Giang) đặt mua giỏ trạc mang về xứ biển nên nhiều ngư dân và thương lái cá thấy kiểu giỏ giản tiện đã liên hệ với bà đặt hàng. Họ đề nghị bà làm giỏ trạc cũng kiểu dáng đó nhưng các mắt giỏ đan khít lại để cá tôm không bị lọt khỏi giỏ. Cũng từ ý tưởng đấy, bà Oanh mạnh dạn làm thêm các giỏ trạc bán cho ngư dân và các vựa cá. Nhờ thế, nhu cầu tăng dần, từ năm 2016, mỗi tháng cơ sở đan của bà Oanh bán ra thị trường cả ngàn cái giỏ.
Bà Oanh trải lòng tâm sự, mặt hàng giỏ trạc vẫn tiếp tục thu hút vì nhiều người trồng rau củ cũng đến tận nơi để xem và đặt hàng. Thậm chí nhiều người nuôi gà cũng đặt bà làm bội để nuôi nhốt gà. Từ thành công giỏ trạc, bà đã thiết kế thêm mẫu giỏ xách dùng làm giỏ đựng quà chúc tết. Bà sử dụng các dây nhựa cứng màu trắng đục đan thành cái giỏ xách nhìn rất sang trọng, bán với giá 70.000 đồng/cái. Với sản phẩm mới này, bà tin tưởng sẽ đắt hàng trong ngày cận tết năm nay… Bà Oanh nhẩm tính, nhờ các dòng sản phẩm mới này, mỗi tháng đã mang về lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Ở vùng quê, đó là con số lợi nhuận rất cao.

 

Thanh Dũng