08/01/2025

Khoảng trống trong giải quyết tranh chấp Biển Đông

Thách thức lớn nhất của các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông năm 2016 vừa qua là khoảng trống quyền lực thực thi.

 

Khoảng trống trong giải quyết tranh chấp Biển Đông

 Thách thức lớn nhất của các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông năm 2016 vừa qua là khoảng trống quyền lực thực thi.

 

 

 

Khoảng trống trong giải quyết tranh chấp Biển Đông
Một phiên làm việc của Toà trọng tài liên quan tới vụ Philippines kiện Trung Quốc – Ảnh: PCA

Những người đề cao luật quốc tế cổ xuý một môi trường được hướng dẫn và quy định trong các công ước và cơ chế giải quyết tranh chấp. Những điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) – theo góc nhìn của nhiều học giả – hàm chứa tất cả các công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Đã có nhiều niềm hi vọng được thắp lên về phán quyết của Toà trọng tài đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Không những ràng buộc pháp lý, phán quyết tạo ra giới hạn của hành vi và chuẩn mực đạo đức của sự đúng sai. Cái thiếu quan trọng nhất của phán quyết là cơ chế thi hành.

Khi Trung Quốc từ chối tham gia, đến phản bác T trọng tài bằng đủ cách, công luận và đạo đức như ngọn hải đăng dẫn đường, nhưng không thể là cái neo để kiềm chế các hành vi tiếp tục leo thang trên thực địa. Khi Philippines tính một bài tính khác với chiến thắng trên mặt trận pháp lý, thì câu hỏi cơ chế thực thi là nguyên nhân hay hệ quả của tình hình Biển Đông lại được đặt ra.

Có phải vì thiếu cơ chế thực thi nên cách của Tổng thống Philippines Duterte đang tiến hành có phải là biện pháp tối ưu nhất của Philippines giành lấy ưu thế thương lượng trong thế thắng?

Vì thiếu cơ chế thực thi nên Trung Quốc vẫn tự tin rằng mình sẽ tiếp tục con đường xác quyết từ trước đến nay biến Biển Đông thành ao nhà? Và vì thiếu cơ chế thực thi, các hành động sử dụng cơ chế pháp lý tiếp theo của các nước ASEAN khác sẽ không còn hiệu quả như trước?

Khác với quan điểm trọng luật pháp quốc tế, những người đề cao cán cân sức mạnh nhìn vấn đề theo hướng khác. Biển Đông cần có luật, nhưng cái cần hơn là một người bảo vệ và thúc đẩy việc thực thi luật pháp.

Người đó không cần phải được bầu ra, chỉ cần anh có mong muốn đảm nhận vai trò này và quan trọng hơn là có đủ sức mạnh, tiền bạc, nhân lực để thực hiện chúng.

Tính chính danh của một “vị cảnh sát khu vực” hay một người “thực thi luật pháp” sẽ được công nhận qua hành động và quá trình. Hành động là đảm bảo an ninh hàng hải của tuyến đường huyết mạch Biển Đông, quá trình là tái xây dựng một trật tự được dẫn dắt và quy phạm bằng luật 
quốc tế.

Đó là lý do từ năm 2009 đến nay, nhiều cái tên đã được nêu lên. Nhật Bản với vai trò người “cân bằng mềm” qua các cung cấp huấn luyện, phương tiện hải quân – cảnh sát biển ứng biến với các sức ép dồn dập trên biển; Ấn Độ qua chính sách “hướng Đông” với tầm nhìn nối kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; EU tuy nguồn lực quân sự hạn chế nhưng luôn là địa chỉ mà các nhà ngoại giao, đàm phán, học giả và công luận quốc tế tìm đến…

Nhưng cái tên đáng nói nhất là Mỹ với nhiều lý do đan xen cùng lúc: là nước có khả năng nhất cả về quân sự, kinh tế lẫn tiếng nói trên các diễn đàn chính trị; là nước hưởng lợi (có thể) nhiều nhất từ những sắp xếp mà trật tự khu vực hiện tại đang có; quan trọng nhất Mỹ cũng là quốc gia muốn giữ trật tự này kéo dài lâu nhất có thể, hoặc nếu thay đổi thì mình phải là người dẫn dắt với tiếng nói quyết định cuối cùng.

Lịch sử quan hệ quốc tế đã chỉ ra: trật tự thế giới hay khu vực có thể được hình thành từ sự “chấp nhận” một quyền lực vượt trội trong vai trò lãnh đạo, từ một sự hợp tác dựa trên đong đếm lợi ích của từng quốc gia thành viên, từ những cuộc chiến tranh tạo dựng thế 
bá quyền.

Không ai mong muốn có kịch bản thứ ba, nhưng có quá nhiều rào cản để nghi ngờ rằng hai kịch bản đầu tiên có thể thành hiện thực, ít nhất là trong tầm nhìn hết năm 2017.

Vấn đề đối với Biển Đông năm 2017 không chỉ là luật quốc tế hay là sự tính toán về chuyển dịch cán cân sức mạnh, mà còn là câu chuyện xử lý các hệ quả nối dài của khoảng trống quyền lực thực thi.

Ai sẽ đứng ra để thúc những bên có liên quan thực thi và chấp hành luật pháp? Ai đó là cá nhân của từng nước hay tập thể của nhiều cá nhân? Và câu hỏi thiết yếu với tình hình an ninh và ổn định khu vực là: việc thúc ép đó sẽ được thực hiện bằng phương thức nào?

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH KHXH&NV TP.HCM)