06/01/2025

Không được nhận bảo hiểm tàu cá vì quy định lỗi thời

Hơn 40 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên bị nạn không được bảo hiểm chi trả vì vướng vào một quy định đã quá lỗi thời.

 

Không được nhận bảo hiểm tàu cá vì quy định lỗi thời

Hơn 40 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên bị nạn không được bảo hiểm chi trả vì vướng vào một quy định đã quá lỗi thời.




Ông Phan Thuẫn bức xúc vì tàu cá của ngư dân bị nạn chưa được chi trả bảo hiểm /// Ảnh: Đức Huy

 

Ông Phan Thuẫn bức xúc vì tàu cá của ngư dân bị nạn chưa được chi trả bảo hiểmẢNH: ĐỨC HUY

Vướng quy định “hạn chế 2”
 
 
Theo ông Đào Quang Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên phụ trách đăng kiểm: Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002 là bộ hồ sơ thiết kế tàu cá, bao gồm thân tàu, máy tàu, phương tiện liên lạc trên tàu…  Tiêu chuẩn này không phụ thuộc vào tàu có công suất bao nhiêu mà phụ thuộc toàn bộ vào hồ sơ thiết kế để cơ quan đăng kiểm xác định tàu cá đó thuộc hạn chế nào. Đúng ra, khi bán bảo hiểm, Bảo Minh phải giải thích rõ cho ngư dân từng quy định hạn chế trong giấy đăng kiểm để ngư dân lựa chọn. Trước đây, khi chưa khuyến khích ngư dân mua bảo hiểm, ngư dân vẫn đánh bắt ra ngoài phạm vi hạn chế tàu cá của họ. Thiết kế tàu cá của ngư dân theo truyền thống và lâu nay họ vẫn làm vậy nên việc giải thích hạn chế trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là trách nhiệm bên bán bảo hiểm.
 

Theo ông Bùi Văn Luận, Phó giám đốc Bảo Minh Phú Yên, hiện ở Phú Yên còn hơn 40 tàu cá của ngư dân bị nạn nhưng chưa giải quyết bảo hiểm vì vướng tính pháp lý trong đăng kiểm. Theo giải thích của ông Luận, Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Phú Yên đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho ngư dân Phú Yên theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002 về Quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển cỡ nhỏ ngày 31.12.2002 của Bộ KH-CN (tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 20 m) và Quyết định 96/2007/BNN ngày 28.11.2007 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc ban hành quy chế đăng kiểm tàu cá, trong đó quy định vùng hoạt động hạn chế 2 là tàu được phép hoạt động ở vùng biển hở hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn an toàn không quá 50 hải lý. Theo quy định, vùng biển hở là vùng biển từ bờ biển trở ra nhưng không nằm trong đầm, vịnh, phá. “Thực tế tàu cá ngư dân đủ công suất khai thác hải sản vùng xa bờ (hơn 200 hải lý – PV) nhưng bị hạn chế tính pháp lý trong quá trình đăng kiểm nên khi xảy ra ở vùng biển ngoài hạn chế thì không thể giải quyết được”, ông Luận nói.

Để dễ hình dung, ông Luận dẫn chứng trường hợp tàu cá của ngư dân Nguyễn Sẹo có công suất 400 CV, hoạt động cách bờ biển 90 hải lý thì gặp nạn bị chìm, trong khi giấy chứng nhận chỉ được phép hoạt động không quá 50 hải lý. “Căn cứ vào quy định của Bộ Tài chính thì những trường hợp này thuộc loại trừ bảo hiểm vì hoạt động ngoài phạm vi quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ngoài phạm vi giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá – PV). Tuy nhiên, vì quyền lợi của ngư dân, Bảo Minh Phú Yên đang chờ ý kiến chỉ đạo hướng xử lý của tỉnh Phú Yên”, ông Luận nói.
Kiểu này là làm khó ngư dân
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.6 (TP.Tuy Hòa), cho biết trong nghiệp đoàn cũng có 2 chủ tàu cá mua bảo hiểm của Bảo Minh Phú Yên, bị chìm tàu ngoài khơi xa nhưng đến nay vẫn chưa được chi trả. “Bảo Minh Phú Yên nói chưa chịu chi trả là do vướng hạn chế 2 trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Khi bán bảo hiểm, bên Bảo Minh Phú Yên đâu giải thích rõ, nếu mà giải thích rõ thì chẳng ai mua vì hầu hết tàu câu cá ngừ đều đánh bắt ở vùng biển xa hơn 190 hải lý. Kiểu này là làm khó ngư dân”, ông Thuẫn nói.
Theo ông Thuẫn, nhà nước khuyến khích ngư dân đánh bắt vùng biển xa, tàu cá của ngư dân đủ sức vươn khơi hàng trăm hải lý nhưng khi gặp nạn thì lòi ra cái hạn chế 2 rất kỳ quặc. Ông Thuẫn nói: “Hạn chế 2 là như thế nào, đâu có cơ quan nào giải thích. Đến khi tàu cá ngư dân bị nạn thì tá hỏa, phần thiệt lại thuộc ngư dân. Khuyến khích đánh bắt xa bờ mà lại hạn chế trong vòng 50 hải lý thì mâu thuẫn quá. Chúng tôi kiến nghị tỉnh can thiệp để giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho ngư dân”.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nhìn nhận có sự bất cập trong chính sách khuyến khích ngư dân khai thác hải sản vùng biển xa bờ. Cụ thể là Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002 ban hành từ năm 2002, áp dụng từ đó đến giờ nhưng chưa được thay đổi. “Đây là bất cập, sắp tới có họp với Bộ NN-PTNT, chúng tôi sẽ phản ánh vấn đề này để sửa đổi, bởi vì tàu cá bây giờ hoạt động ở vùng biển khác rồi chứ không phải như trước đây ở sát bờ”, ông Phương nói và cho biết để xử lý những bất cập này thì chỉ có Bộ NN-PTNT mới có thẩm quyền.
Theo ông Phương, nguyên nhân có vướng mắc này là khi Bộ NN-PTNT tham mưu cho Chính phủ ban hành theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đã không điều chỉnh về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tàu cá. Tuy nhiên, đối với tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 thì không hạn chế nên không vướng mắc gì khi xảy ra tai nạn trong vùng biển VN. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho những tàu cá đóng trước Nghị định 67, nên mới bị vướng hạn chế 1 (hoạt động trong vùng biển cách bờ, nơi neo đậu an toàn không quá 200 hải lý), hạn chế 2 (không quá 50 hải lý), hạn chế 3 (không quá 20 hải lý). Ông Phương cho rằng, Phòng Đăng kiểm (thuộc Chi cục Thuỷ sản) không thể sửa tiêu chuẩn quy định trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã cấp mà phải chờ Chính phủ ban hành quy định mới.

 

Đức Huy