22/12/2024

Thuế ‘đá lộn sân’, doanh nghiệp khổ

Cơ quan thuế đang viện dẫn nhiều quy định tại các luật khác nhau để siết chặt việc hoàn thuế của doanh nghiệp.

 

Thuế ‘đá lộn sân’, doanh nghiệp khổ

Cơ quan thuế đang viện dẫn nhiều quy định tại các luật khác nhau để siết chặt việc hoàn thuế của doanh nghiệp.




Doanh nghiệp đang làm thủ tục tại cơ quan thuế /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Doanh nghiệp đang làm thủ tục tại cơ quan thuếẢNH: NGỌC THẮNG

Vi phạm giao thông cũng không hoàn thuế?
Đại diện Công ty TNHH đầu tư thương mại xây dựng Vinalink (TP.HCM) méo mặt cho biết đã hoàn thành đầy đủ thủ tục hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5,1 tỉ đồng nhưng cơ quan thuế không đồng ý hoàn thuế, với lý do dự án không có giấy phép đầu tư và giấy phép xây dựng. Theo đó, từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016, Vinalink đầu tư dự án cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hoá tại bãi container, dự kiến quý 1/2017 đi vào hoạt động. Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1.7.2015 quy định không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước. “Dự án đầu tư trong nước không cấp giấy phép đầu tư thì công ty chúng tôi kiếm đâu ra giấy phép để cung cấp cho cơ quan thuế? Yêu cầu của họ là không có căn cứ và hết sức vô lý sao chúng tôi đáp ứng được”, vị này bức xúc nói.
Nhiều doanh nghiệp (DN) làm thủ tục hoàn thuế cũng đang vướng mắc với Công văn số 5580 do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vừa ban hành, trong đó viện dẫn hàng loạt các quy định tại luật Đầu tư, luật Xây dựng, Thông tư 130… như dự án đầu tư không góp đủ số vốn điều lệ như đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện theo quy định… để không hoàn thuế cho DN.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, trước đây quy định chia làm hai loại. Nếu vốn DN dưới 15 tỉ đồng thì không cần có giấy phép đầu tư, còn trên 15 tỉ phải có giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, luật Đầu tư 2014 đã bãi bỏ quy định này. “Luật thay đổi thì các văn bản dưới luật ban hành trước hay sau đó cũng phải cập nhật theo. Thông tư đã quy định nhưng luật quy định khác thì phải theo luật”. Hơn nữa, trong luật Thuế GTGT và nghị định hướng dẫn thi hành không có quy định vi phạm luật khác thì không được hoàn thuế. “Như vậy, Công văn số 5580 của Tổng cục Thuế đứng trên cả luật Thuế GTGT và nghị định, đặt ra những quy định mang tính quy phạm nhằm hạn chế quyền hoàn thuế GTGT của DN, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của DN”, luật sư Xoa nói.
Luật sư Xoa cho rằng “chiếu” theo công văn này, chẳng lẽ người vi phạm giao thông, vi phạm kế toán sẽ không được hoàn thuế? Nguyên tắc một hành vi vi phạm không được xử lý hai lần. Vi phạm nào có luật chuyên ngành nấy, DN xả thải ra môi trường sẽ bị chế tài, thậm chí có thể bị khởi tố, nhưng không thể lấy vi phạm này để bác hoàn thuế của DN. Không vì vi phạm lĩnh vực khác mà không được hoàn thuế.
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty dịch vụ kế toán Đồng Hưng, cũng đồng quan điểm rằng Công văn 5580 là một văn bản vượt qua luật. “Việc cố gắng dẫn một loạt điều kiện của các luật khác là dấu hiệu cơ quan thuế đang “đá lộn sân” và hướng dẫn trên luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý thuế”, ông Tiến nói.
Ngày càng “siết”
Mới đây, Tổng cục Thuế đã làm “thót tim” DN cả nước khi ban hành Công văn số 1175 gửi cục thuế các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư hướng dẫn nếu bên bán và bên mua chưa đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế, thì hoá đơn GTGT mua vào không đủ điều kiện để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nhiều DN kêu nên sau đó cơ quan thuế đã gỡ vướng thay thế bằng Công văn số 4987, trong đó nêu rõ việc chưa đăng ký tài khoản không phải là căn cứ để cơ quan thuế không thực hiện hoàn thuế GTGT cho DN.
Theo ông Tiến, các quy định hiện nay dường như đang tiến đến việc hầu như không cho hoàn thuế trong mọi điều kiện. Trước đây, DN được hoàn thuế nếu trong 3 tháng liên tục trở lên có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, thì sau đó kéo dài thời gian này lên đến 12 tháng mới được làm thủ tục hoàn thuế. Còn kể từ 1.7.2016, việc hoàn thuế nội địa xem như không còn tồn tại. DN chỉ còn được phép khấu trừ và tiếp tục khấu trừ trong các kỳ tính thuế tiếp theo. Đến nay, chỉ còn 2 trường hợp được hoàn thuế là xuất khẩu và đầu tư nhưng quy định cũng rất hạn chế.
Đại diện một DN cho biết Thông tư 130 ban hành vào tháng 8 mới đây, trong đó có quy định không hoàn thuế đối với hàng nhập khẩu về xuất khẩu, đã làm khó nhiều DN. Theo bà này, nhiều công ty kinh doanh cao su, mía đường, cà phê, sắn lát có đầu tư, trồng trọt ở nước ngoài, khi nhập hàng về phải đóng thuế GTGT nhưng không được hoàn mà chỉ được khấu trừ, khiến tiền vốn DN nằm đọng một chỗ. Ví dụ, DN nhập lô hàng trị giá 2 tỉ đồng, nộp thuế GTGT là 200 triệu đồng. Nếu được hoàn thuế “tiền tươi thóc thật” 200 triệu đồng, thì DN bán hàng cho DN trong khu chế xuất (bán hàng vào khu chế xuất được coi như xuất khẩu) với thuế 0% với giá 2,1 tỉ đồng đã có lãi. Còn trong trường hợp chỉ được khấu trừ, DN bán hàng dù lãi 100 triệu đồng nhưng tiềm ẩn nguy cơ lỗ vì 200 triệu đồng tiền thuế cứ nằm đó, dần dần trở thành như chi phí và như một dạng nợ khó đòi. Theo một chuyên gia về thuế, DN chỉ được khấu trừ là một cách cơ quan thuế giữ tiền của DN, làm đọng vốn DN. Chẳng hạn, một DN nhập khẩu hàng về nộp thuế GTGT đầu vào 5 tỉ đồng. DN mang hàng đi bán nội địa nộp thuế GTGT đầu ra 500 triệu đồng. DN được khấu trừ 500 triệu đồng này, nhưng DN phải khấu trừ một thời gian dài mới hết được 5 tỉ đồng. “Nhiều quy định không thông thoáng đối với DN, khiến sân chơi không công bằng”, bà nói.
Điều khiến nhiều DN lo lắng là trong Công văn 5580, cơ quan thuế sẽ rà soát các điều kiện kinh doanh đối với các dự án đầu tư. Trong trường hợp phát hiện dự án đầu tư vẫn chưa đáp ứng đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật thì dự án đó không đáp ứng được điều kiện hoàn thuế. “Như vậy, liệu các dự án đầu tư đã hoàn thuế nhưng tương tự như Vinalink sẽ bị truy thu thuế không?”, đại diện một DN đặt câu hỏi.

 

Hồng Sương