22/12/2024

Những dự án trường đua ngựa ngàn tỉ

Nhằm đón đầu việc thí điểm cho phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, nhiều địa phương cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chạy đua mở trường đua ngựa.

 ĐUA NHAU MỞ TRƯỜNG… ĐUA NGỰA – KỲ 1:

Những dự án trường đua ngựa ngàn tỉ

 Nhằm đón đầu việc thí điểm cho phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, nhiều địa phương cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chạy đua mở trường đua ngựa. 

 

 

 

Những dự án trường đua ngựa ngàn tỉ
Các nài ngựa thử ngựa đua tại trường đua Đại Nam (Bình Dương) – Ảnh: BÁ SƠN

Trong khi một số trường đua ngựa đã hoàn tất hoặc đang xây dựng dở dang, hàng loạt dự án xây dựng trường đua ngựa ngàn tỉ khác cũng đang xếp hàng chờ triển khai, chưa kể một số dự án đã bị rút giấy phép.

Dự án trường đua ngựa Thiên Mã (Công ty CP đua ngựa Thiên Mã – Madagui) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng trên diện tích hơn 336ha, hiện đã hoàn thành hầu hết các hạng mục, hơn 100 con ngựa nhập từ Úc cũng đang được tổ chức nuôi. Tuy nhiên, trường đua này hiện vẫn đang đóng cửa, chờ ngày… khởi động.

Gấp rút thi công

Có mặt tại khu liên hợp văn hóa, du lịch, thể thao Đại Nam (khu du lịch Đại Nam) tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào những ngày cuối năm, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn công nhân đang tấp nập xây dựng trường đua ngựa Đại Nam.

 

Khoảng 700 thùng container rỗng được chủ đầu tư nhập về để làm khán đài và các quầy dịch vụ phục vụ du khách với sức chứa 22.000 người.

Trường đua bao gồm 5 bộ môn: đua ngựa, đua chó, đua môtô, đua môtô nước và đua xe đạp, được xây dựng trên tổng diện tích 22ha đã dần rõ hình hài.

Khu vực tiếp giáp khán đài là đường đua ngựa với chiều dài gần 1.600m, bề rộng 20m gần hoàn tất. Kế đến là đường đua môtô, xe đạp và đường đua chó với bề rộng từ 6-14m. Trong cùng là hồ nước sâu từ 4-5m, có diện tích hơn 7.700m2 dùng để đua môtô nước.

Ông Huỳnh Uy Dũng – tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam – cho biết để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhiều hạng mục được chủ đầu tư nhập nguyên liệu sẵn, chỉ cần mang ra lắp ghép.

“Chúng tôi phải chia làm nhiều ca thi công liên tục, từ sáng tới nửa đêm để có thể hoàn thành trong dịp Tết Nguyên đán và sẽ chính thức khánh thành trong những tháng đầu năm 2017” – ông Dũng cho biết.

Tại khu vực chuẩn bị ngựa đua, hàng trăm con ngựa và các nài ngựa cũng đã được quy tụ, đang gấp rút tập luyện.

Ông Dương Thành Phi – giám đốc vườn thú Đại Nam – cho biết ngựa đua được lấy từ nguồn trong nước (các vùng Đức Hòa, Đức Huệ của Long An) và ngựa thuần chủng được nhập khẩu từ Úc.

Ngoài ra, hơn 100 chủ ngựa tự do, trong đó nhiều người “bơ vơ” kể từ khi trường đua Phú Thọ (TP.HCM) đóng cửa cũng đã quy tụ về đây.

Ngoài môn đua ngựa, trường đua này cũng đã nhập về nhiều chó đua và phối hợp với các câu lạc bộ đua môtô, môtô nước… để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai trương trường đua. Không tiết lộ số vốn đầu tư cụ thể nhưng ông Huỳnh Uy Dũng cho biết là “rất lớn”.

Vì ngoài các hạng mục xây dựng, trường đua cũng chiếm một diện tích lớn trong tổng diện tích khoảng 170ha của khu liên hợp văn hóa – du lịch – thể thao Đại Nam.

Theo ông Dũng, trước mắt trường đua chỉ bán vé vào cổng, còn trong tương lai nếu Chính phủ ban hành nghị định cho phép đặt cược, chủ đầu tư sẽ xem xét tiếp.

Những dự án trường đua ngựa ngàn tỉ
Công nhân thi công đường đua và khán đài với 20.000 chỗ ngồi tại dự án trường đua ngựa Đại Nam, Bình Dương – Ảnh: BÁ SƠN

Trường đua ngàn tỉ nằm chờ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án trường đua ngựa Thiên Mã được UBND tỉnh Lâm Đồng thông qua quy hoạch tổng thể mặt bằng vào năm 2013, ngoài trường đua còn có khu vực tổ chức đua ngựa biểu diễn, du khách cưỡi ngựa dã ngoại và hoạt động thể thao mã cầu (polo).

Trên thực tế dự án đã được khởi động vào năm 2003, bắt đầu là trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa đua Madagui, chuyên cung cấp ngựa đua cho trường đua Phú Thọ và ngựa đua thể thao.

Năm 2011, khi trường đua Phú Thọ ngưng hoạt động, chủ đầu tư chuyển trung tâm này thành trường đua với mức đầu tư lớn hơn.

Đến nay, các công trình của dự án như nhà nuôi ngựa, sân đua ngựa, sân tập ngựa, sân vườn, sân ngựa biểu diễn, sân tập, sân quần ngựa, nhà cân nài, chuồng ngựa bệnh… đều đã hoàn thành. Chuồng ngựa được đầu tư khoảng 40%, tương ứng với hơn 100 con ngựa nhập từ Úc.

Ông Hồ Sĩ Phú Lâm, quản lý dự án này, cho biết khi được phép tổ chức đua, số lượng ngựa nhập sẽ từ 600 – 1.000 con, chưa kể ngựa đua Đức Hoà, Đức Huệ cũng sẽ được nuôi và đua tại đây.

Khi công bố dự án, đại diện tỉnh Lâm Đồng đánh giá đây là dự án mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương ở hai mảng kinh doanh cá cược đua ngựa và du lịch.

Tuy nhiên theo ông Hồ Sĩ Phú Lâm, do chưa thể hoạt động được nên trường đua được đầu tư xong rồi để đó, hoạt động cầm chừng để công trình không xuống cấp.

“Dự án được chia làm hai phần đua ngựa và du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng chưa tổ chức đua ngựa, hoạt động du lịch cũng không triển khai được do vùng Madagui không phải là vị thế tốt để thu hút khách. Phải có đua ngựa thì mới có cớ để khách đến Madagui” – ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, dự án này lấy trường đua làm điểm nhấn, riêng khu vực tổ chức đua đã gần 70ha.

Tuy nhiên, do các hành lang pháp lý về đặt cược đua ngựa vẫn đang chờ được ban hành nên thời gian qua chủ đầu tư như ngồi trên lửa, bởi việc bảo dưỡng các công trình đã triển khai cũng như duy trì bộ máy hoạt động rất tốn kém.

“Một số hạng mục đầu tư vốn lớn như nhà nuôi ngựa, đường đua chuẩn quốc tế… chúng tôi chuẩn bị sẵn phương án xây dựng, chừng nào cho phép đua mới ào ạt xây dựng để trường đua hoạt động sớm chừng nào hay chừng ấy” – ông Lâm nói.

Những dự án trường đua ngựa ngàn tỉ
Các nài ngựa tại trường đua chăm sóc ngựa chuẩn bị cho khai trương trường đua Đại Nam – Ảnh: BÁ SƠN

Xếp hàng chờ triển khai

Sau nhiều năm gặp gỡ và bàn thảo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn GOMAX I&D (Hàn Quốc) vừa ký kết bản ghi nhớ dự án trường đua ngựa tại địa phương này.

Ông Nguyễn Đức Tài, phó giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư Vĩnh Phúc, cho biết nhà đầu tư đã đề xuất quỹ đất dành cho dự án là 750ha để triển khai trường đua ngựa, sân golf, khu biệt thự… với tổng mức vốn đầu tư 1,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, do hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa chưa được ban hành nên nhà đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa thể triển khai được gì.

“Nếu nghị định liên quan đến hoạt động đặt cược đua ngựa được ban hành, vẫn còn phải xem Vĩnh Phúc có nằm trong quy hoạch được triển khai dự án kinh doanh đặt cược đua ngựa hay không.

Cũng xin nhắc lại là phía nhà đầu tư theo đuổi dự án này đã lâu lắm rồi, chỉ chờ có hành lang pháp lý của Chính phủ nữa thôi. Nhà đầu tư rất có thiện chí và phía chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cũng mong muốn dự án sớm được triển khai” – ông Tài cho hay.

Cũng trong năm nay, một loạt địa phương khác như Bắc Ninh, Hà Nội… đã tiếp và làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu để nghiên cứu triển khai dự án trường đua ngựa.

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết Tập đoàn Đua ngựa Hàn Quốc cũng đề xuất một dự án trường đua ngựa tại địa phương này, với vốn đầu tư riêng giai đoạn 1 dự kiến khoảng 500 triệu USD.

Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cho biết nhà đầu tư mới chỉ đang tìm hiểu môi trường đầu tư và khảo sát địa điểm, do hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa vẫn chưa được ban hành ở VN.

Tương tự, dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tại Sóc Sơn, Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD cũng vừa được Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Công ty Global Consultant Network (Hàn Quốc) ký hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng.

Tại buổi làm việc của bí thư Thành uỷ Hà Nội ở Sóc Sơn mới đây, ông Phạm Xuân Phương – bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn – đề nghị TP quan tâm tạo điều kiện để triển khai dự án này nhằm “tạo ra điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của thủ đô”!

Chi hàng trăm triệu đồng/tháng duy trì hoạt động

Theo thông tin từ ban quản lý dự án trường đua ngựa Thiên Mã, riêng chi phí duy trì trường đua hết hơn 350 triệu đồng/tháng, chủ yếu là tiền nuôi ngựa và bảo dưỡng các công trình đã xây.

Tại trường đua này hiện có 105 con ngựa đua, được chủ đầu tư dự án trường đua ngựa Thiên Mã nhập từ Úc về với giá trung bình 20.000 USD/con. Mỗi ngày những con ngựa này được dắt ra ngoài để huấn luyện rồi được tắm rửa, xoa bóp cho phát triển cơ, sau đó được đưa trở lại chuồng!

Ông Hồng Tô Phú Sơn, quản đốc trại ngựa tại đây, cho biết do không được đua nên “những con ngựa này dư năng lượng, phá không chịu nổi.

Có con ngựa trắng bị điên luôn”. Để hạn chế ngựa tù chân phá phách, trong khu vực nuôi ngựa làm một cái chuồng lồng có thể quay tròn như đèn cù với nhiều ô.

Những con ngựa nào có dấu hiệu thừa sức sẽ được đưa vào chuồng lồng để tiêu bớt sức lực. “Nếu cho ăn không đủ chuẩn sẽ làm hư ngựa, mà cho ăn đầy đủ nên ngày nào cũng phải thả cho đi trong chuồng lồng chừng 1 tiếng đồng hồ”.

LÊ THANH – BÁ SƠN – MAI VINH