23/12/2024

Đạm Hà Bắc ngập trong nợ nần

Cái tên mới nhất vừa được bổ sung vào danh sách các công trình thua lỗ của ngành công thương là công trình có vốn đầu tư lên tới hơn 10.000 tỉ đồng và từng là cái tên lẫy lừng của nền công nghiệp miền Bắc nhiều năm trước.

 

Đạm Hà Bắc ngập trong nợ nần

Cái tên mới nhất vừa được bổ sung vào danh sách các công trình thua lỗ của ngành công thương là công trình có vốn đầu tư lên tới hơn 10.000 tỉ đồng và từng là cái tên lẫy lừng của nền công nghiệp miền Bắc nhiều năm trước.




 

Con số lỗ của Nhà máy Đạm Hà Bắc nhiều khả năng chạm 1.000 tỉ đồng trong năm nayẢNH: CHÍ HIẾU

Cuối tuần qua, dẫn chúng tôi đi tham quan gần hết các công đoạn của quá trình sản xuất, ông Phạm Văn Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phân đạm và hoáchất Hà Bắc (Bắc Giang) thuộc Tập đoàn hóa chất (Vinachem), tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin nhà máy này vào cùng danh sách các dự án thua lỗ của ngành công thương. Ông Trung nói: “Đúng là nhà máy bắt đầu thua lỗ lớn từ khi mở rộng giai đoạn 2 với mức đầu tư hơn 10.100 tỉ đồng, nhưng việc xếp chúng tôi vào nhóm các dự án không thể hoạt động như ethanol hay đã vận hành song nay phải đóng cửa như Xơ sợi Đình Vũ thì quả là bất ngờ và xót xa”.
Chim đầu đàn sắp gãy cánh
 
 
Đạm Hà Bắc ngập trong nợ nần - ảnh 1
Đúng là nhà máy bắt đầu thua lỗ lớn từ khi mở rộng giai đoạn 2 với mức đầu tư hơn 10.100 tỉ đồng

Đạm Hà Bắc ngập trong nợ nần - ảnh 2
 
Ông Phạm Văn Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP phân đạm và hoá chất Hà Bắc
 

Tuy nhiên, sự “bất ngờ” của ông Trung không làm khác đi những con số “lạnh lùng” trong báo cáo tài chính. Sau gần 15 năm liên tiếp ăn nên làm ra thì đến 2015, khi đưa thêm dây chuyền có công suất 320.000 tấn/năm cùng cải tạo dây chuyền cũ 180.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 570 triệu USD (hơn 10.100 tỉ đồng tại thời điểm thực hiện dự án năm 2010) vào vận hành, Đạm Hà Bắc bắt đầu gặp khó khăn do chi phí lãi vay lớn trong khi sản phẩm bán ra dưới giá thành sản xuất.

Cụ thể, trong năm đầu tiên sau mở rộng, dù sản lượng đạm u rê vẫn đạt hơn 225.000 tấn và NH3 gần 50.000 tấn nhưng doanh nghiệp đã lỗ gần 670 tỉ đồng, “vượt kế hoạch” hơn 70 tỉ đồng. Tương tự, theo dự kiến trong báo cáo đầu tiên, năm thứ hai sau khi hoạt động (tức năm nay), dự án được phép lỗ khoảng 127 tỉ đồng song 9 tháng đầu năm, mức lỗ lên tới 700 tỉ và dự kiến con số này của cả năm sẽ chạm mức 1.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong một báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang còn cho hay, nguy cơ dừng sản xuất trong năm 2017 là rất lớn nếu công ty không cân đối được dòng tiền. Tuy nhiên, ngay cả khi dừng hoạt động, các chi phí khấu hao, lãi vay, bảo dưỡng thiết bị vẫn phải chi trả lên tới 1.269 tỉ đồng, cao hơn số lỗ dự kiến 505 tỉ đồng.
Chủ yếu là khách quan (!?)
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, ông Phạm Văn Trung cho rằng hầu hết là nguyên do khách quan hoặc một số yếu tố như lãi hay khấu hao lớn thì được dự tính từ đầu chứ không phải do yếu tố công nghệ kém như một số công trình thua lỗ khác.
 
Ông Trung dẫn chứng chỉ tính riêng ba khoản phát sinh là tăng thuế giá trị gia tăng (101 tỉ đồng), chênh lệch tỷ giá (187 tỉ đồng) và giá than cho sản xuất đã tăng thêm lên 620 tỉ đồng khiến chi phí bị đội lên hơn 900 tỉ đồng. Trong đó, theo ông Trung, giá than doanh nghiệp phải mua của Tập đoàn than khoáng sản (TKV) trong năm ngoái đắt hơn giá thế giới lên tới 30%.
Trên thực tế, nửa đầu năm 2016, khi tiến hành nhập khẩu 30.000 tấn than và mua than ngoài TKV, công ty đã tiết kiệm chi phí này được hơn 13 tỉ đồng. Do đó, ông Trung cho biết, khi nghe thông tin Đạm Hà Bắc “nằm cùng giỏ” với các dự án yếu kém của ngành công thương như Xơ sợi Đình Vũ, ethanol, ông rất xót xa.
Theo ông Trung, công ty đã kiến nghị Vinachem báo cáo Chính phủ và các bộ xem xét áp dụng các giải pháp về tài chính. Trong văn bản gửi Thủ tướng, tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị cho doanh nghiệp khoanh nợ gốc và lãi vay của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong 5 năm; gia hạn thời hạn hợp đồng vay đến hết năm 2028; điều chỉnh giảm lãi suất đối với các dư nợ gốc vay từ 10,8%/năm trở lên về lãi suất 8,55%/năm.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đề xuất cho công ty được giãn thời gian trích khấu hao trong 3 năm. Ngoài ra, địa phương cho rằng nếu được Chính phủ chỉ đạo TKV bán theo giá thị trường thế giới thì sẽ giúp tiết giảm giá thành, từ đó đạm u rê của Hà Bắc sẽ cạnh tranh được.
Từ năm 2015, đã có 4 trong số 24 đơn vị của Vinachem sản xuất, kinh doanh thua lỗ, và hầu hết trong số này là các doanh nghiệp ngành đạm bao gồm Đạm Hà Bắc, DAP số 2 – Vinachem (DAP Lào Cai), Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần xà phòng Hà Nội (Haso) với tổng lỗ phát sinh 1.460 tỉ đồng. Trong đó, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai lỗ kế hoạch do dự án mới đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2015. Năm 2016, các doanh nghiệp khối này tiếp tục thua lỗ. Cụ thể, riêng nửa đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình lỗ 457 tỉ đồng, DAP Lào Cai lỗ 281 tỉ đồng, DAP Đình Vũ lỗ 212 tỉ đồng. Mới đây nhất, tại cuộc họp do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì tuần trước, ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 3 nhà máy, dự án khác của Vinachem gồm Đạm Hà Bắc, Đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng cùng 4 dự án khác là Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai vào danh sách các dự án, công trình thua lỗ của ngành công thương.

 

Chí Hiếu