23/01/2025

Giao dịch khống từ thẻ tín dụng

Không được thừa nhận nhưng việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại các máy chấp nhận thẻ POS vẫn diễn ra khá phổ biến.

 

Giao dịch khống từ thẻ tín dụng

Không được thừa nhận nhưng việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng tại các máy chấp nhận thẻ POS vẫn diễn ra khá phổ biến.




Biến tướng thẻ tín dụng rút tiền tại máy POS
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Biến tướng thẻ tín dụng rút tiền tại máy POSẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Rút càng nhiều, phí càng giảm
Ông N.T.Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) điện cho chúng tôi với giọng đầy lo lắng: “Trưa 20.12, khi phát hiện thẻ tín dụng của mình do Ngân hàng (NH) TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) phát hành bị mất, tôi liền điện cho tổng đài khóa thẻ. Nhưng khi tôi đang loay hoay gọi thì nhận được 2 tin nhắn tài khoản đã giao dịch 50 triệu và 20 triệu đồng tại nơi có tên Sky Garden”.
Sau khi thực hiện khoá thẻ thành công, ông N.T.Anh tìm đến địa chỉ Sky Garden (Âu Cơ, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) và đơn vị thanh toán là Công ty TNHH TM – DV Mr.Tiền rồi trình báo sự việc với cơ quan công an. Trong buổi làm việc với cơ quan công an có người đứng tên giấy phép kinh doanh Công ty Mr.Tiền là ông Khoa. Ông Khoa đã cung cấp biên lai giao dịch số tiền trên. 

 
 
Giao dịch khống từ thẻ tín dụng - ảnh 1
Theo quy định, chủ thẻ chỉ được phép sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt tại máy ATM. Thẻ tín dụng chỉ được thực hiện giao dịch tại các máy POS/PmPOS trong trường hợp thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Còn rút tiền mặt là sai
Giao dịch khống từ thẻ tín dụng - ảnh 2
 

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng VN

 


Tuy nhiên, ông N.T.Anh khẳng định: “Chữ ký trên biên lai hoàn toàn không giống với chữ ký của tôi, cả số điện thoại ghi lại trên biên lai cũng không phải của tôi. Tôi không thực hiện và cũng không đồng ý với 2 giao dịch rút 70 triệu đồng này nên tôi không có trách nhiệm thanh toán lại cho phía NH. Tôi đã báo sự việc cho phía NH để họ giải quyết”.
Giao dịch thẻ của ông N.T.Anh tại máy POS hợp pháp hay không vẫn đang được NH xem xét. Tuy nhiên, đằng sau sự việc này cho thấy, hiện tượng giao dịch khống để rút tiền là khá phổ biến. Ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Thẻ NH VN nhận xét: “Theo quy định, chủ thẻ chỉ được phép sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt tại máy ATM. Thẻ tín dụng chỉ được thực hiện giao dịch tại các máy POS/PmPOS trong trường hợp thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Còn rút tiền mặt là sai”.
Quy định là vậy nhưng thực tế nhiều điểm đặt máy POS/mPOS vẫn cho phép chủ thẻ rút tiền mặt. Để kiểm chứng tình trạng này, chúng tôi liên hệ một điểm đặt máy POS trên đường Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM, một phụ nữ tên Thúy nói luôn: “Nếu chị dùng thẻ tín dụng Visa rút tiền, phí là 1,8% trên số tiền rút; 50 triệu đồng, tiền phí là 900.000 đồng. Còn nếu chị dùng thẻ tín dụng JCB rút tiền, phí là 2,5%, tức 1,25 triệu đồng. Chị báo cụ thể cần rút bao nhiêu để tôi còn chuẩn bị tiền”.
Qua mẩu quảng cáo rút tiền từ thẻ tín dụng phí thấp trên mạng, chúng tôi liên lạc với người tên Long qua điện thoại và được báo mức phí rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng Visa là 2% với số tiền 40 triệu đồng. Khi chúng tôi thắc mắc phí cao hơn quảng cáo trên mạng là 1,7%, ông Long phân tích: “2% rẻ hơn phí rút tiền tại ATM gần 3 lần rồi. Nếu muốn phí rẻ hơn thì số tiền rút phải nhiều. Chẳng hạn phí 1,5% đối với số tiền trên 150 triệu đồng, phí 1,8% với số tiền trên 50 triệu đồng”. Dù nhắn cho chúng tôi địa chỉ quẹt thẻ nhưng ông Long cũng tỏ ra thận trọng khi dặn dò: “Bên tôi sẽ có người liên hệ trực tiếp, chị ở đâu, người đó sẽ mang tiền đến nơi để chị cà thẻ”.
Đôi bên có lợi
Dù quy định hiện nay không cho phép rút tiền mặt tại máy POS nhưng chủ thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ đều được hưởng lợi nên giao dịch khống này ngày càng phổ biến. TS Bùi Quang Tín phân tích: “Chủ thẻ tín dụng rút tiền tại máy ATM sẽ bị tính phí rút tiền là 4%, đồng thời phát sinh ngay lãi suất vay từ 2%/tháng. Trong khi đó, rút tiền tại máy POS/mPOS họ chỉ mất phí từ 2 – 2,5%, mà số tiền này có thể trả lại NH trong vòng 45 ngày không bị tính lãi suất.
Không những thế, chủ thẻ còn được tham gia các chương trình tích luỹ điểm của NH. Nếu tính tổng phí và lãi khi rút tiền tại máy POS/mPOS, chủ thẻ sẽ tiết kiệm từ 3 – 4 lần so với rút tiền tại ATM”. Giới kinh doanh thẻ cho hay những điểm đặt máy POS thực hiện dịch vụ rút tiền “ăn” chênh lệch về phí khoảng 0,3 – 0,5% sau khi trả cho NH lắp đặt máy mỗi tháng từ 1,2 – 2%/tháng trên doanh thu. Ở những nơi khách hàng cà thẻ nhiều, NH sẽ lấy phí càng thấp chính vì vậy mà phần lợi của điểm chấp nhận thẻ tăng lên. NH cũng hưởng lợi từ nguồn vốn rẻ này nên các giao dịch khống như nói trên vẫn phổ biến.
Theo một chuyên gia tài chính, việc dùng thẻ tín dụng rút tiền tại các máy POS/mPOS đang vô hiệu hóa chức năng của thẻ tín dụng trong thanh toán giao dịch hàng hoá, đồng thời ngược lại với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tuấn, phát hiện và xử lý các điểm lắp đặt máy POS/mPOS cho rút tiền mặt lại không hề đơn giản khi họ cung cấp đầy đủ chứng từ giao dịch hàng hóa dịch vụ. Đó là chưa kể, trong bối cảnh cạnh tranh phát triển hệ thống máy chấp nhận thẻ gay gắt hiện nay, điểm đặt máy này bị phát hiện, bị rút máy POS đi thì ngay lập tức có NH khác đến mời chào. Do đó cần có chính sách xử phạt nặng những nơi cho rút tiền mặt qua máy POS.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc NHTMCP Sài Gòn (SCB), cho rằng: “Nếu chỉ NH thì khó phát hiện cũng như thực hiện chế tài việc vi phạm này. Do đó cần có một chính sách phối hợp đồng bộ giữa NH và cơ quan thuế. Khi cơ sở lắp đặt máy POS tăng doanh thu đồng nghĩa với việc thực hiện nghĩa vụ thuế tăng lên thì không điểm chấp nhận thẻ nào dám làm”.
Người kinh doanh chưa mặn mà với máy POS
Thực tế, nhiều đơn vị bán hàng hoá dịch vụ không mấy mặn mà việc người mua hàng quẹt thẻ thanh toán bởi họ phải lấy một phần lợi nhuận để trả phí cho NH. Một điểm mua bán vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM chấp nhận quẹt thẻ thanh toán mua vàng bạc nhưng mua kim cương thì không được. Lý do, giá trị kim cương quá cao, có viên lên đến mấy trăm triệu đồng nhưng tỷ lệ lợi nhuận kim cương lại thấp. Nếu cho khách hàng quẹt thẻ, cửa hàng này phải trả cho phía NH 1,75% tiền phí thì lợi nhuận không còn bao nhiêu. Ở một số nơi, người bán hàng lại yêu cầu người mua chịu mức phí nếu cà thẻ, nếu trả tiền mặt thì không phải trả phí. Những người có tiền mặt tất nhiên sẽ không chọn quẹt thẻ. Đây là một trong những bước cản trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
TS Bùi Quang Tín cho rằng, vấn đề xuất phát từ lợi ích của các bên do đó để tháo điểm nghẽn này cũng phải xét từ lợi ích. Các NH hiện thu phí các điểm lắp đặt máy POS 1,8%, trong đó có một phần trả cho tổ chức thẻ quốc tế 1 – 1,5%. Nhưng các NH luôn có số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng cài đặt máy POS với lãi suất 0,5 – 0,8%/năm. Do đó, NH hoàn toàn có thể miễn hoặc giảm loại phí lắp đặt máy đối với đại lý để có được nguồn vốn lãi suất thấp. “Tôi tin các NH có nhiều cách để xem xét giảm hoặc miễn loại phí này đối với các đại lý lắp đặt máy POS để khuyến khích họ và thông qua họ khuyến khích khách hàng của họ sử dụng thẻ tín dụng”, ông Bùi Quang Tín cho hay.

 

Thanh Xuân