‘Rẽ trái’ sang làm nông: Học sử, làm nông
Cử nhân sử học Phạm Hữu Phương (31 tuổi, trú thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ, Quảng Trị) có biệt danh là Phương “ba phải”, bởi khi khởi nghiệp làm nông, món gì anh cũng làm, cũng mê.
‘Rẽ trái’ sang làm nông: Học sử, làm nông
Cử nhân sử học Phạm Hữu Phương (31 tuổi, trú thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ, Quảng Trị) có biệt danh là Phương “ba phải”, bởi khi khởi nghiệp làm nông, món gì anh cũng làm, cũng mê.
Từ ươm giống tiêu, nuôi thỏ lấy thịt… đến nuôi chồn hương, anh đều làm.
Cái biệt danh đó dành cho Phương không mang hàm ý xấu mà chỉ là cách thanh niên trong làng dùng để trêu chàng trai… có quá nhiều niềm đam mê này. Trong căn nhà khá cũ do bố mẹ để lại, anh Phương tỏ ra là một người khá… nghệ sĩ khi trưng bày ở phòng khách rất nhiều đồ vật có hình thù cổ quái. Anh bảo từ khi là sinh viên của Trường ĐH dân lập Phú Xuân (Huế), anh đã có những đam mê kỳ lạ về đời sống nghệ sĩ, thơ ca, đàn hát… Ra trường vào năm 2011, cũng trong năm này, anh được nhận vào làm cán bộ văn phòng Đảng uỷ xã Cam Nghĩa. Một năm sau, lấy vợ, tạm gác những sở thích hoa lá, anh bắt đầu lao vào khởi nghiệp với nghề nông.
“Vùng Cùa quê tôi vốn nổi tiếng là “vương quốc” của tiêu và tôi đã chọn loại cây này để lần đầu thử sức làm nông dân kiêm tiểu thương vào cuối năm 2012”, Phương kể. Anh đã bỏ số vốn nhỏ ban đầu để đầu tư sản xuất nhân giống tiêu. May mắn thay, số vốn đó đã không “tiêu” theo cây tiêu mà ngày càng sinh sôi. Anh khoe rằng mỗi bầu tiêu giống được bán ra thị trường với giá 12.000 đồng nhưng có thời điểm trong vườn ươm của anh có tới 2 vạn bầu. “Nếu nói cho công bằng thì cây tiêu đã cho tôi sự tự tin để tiếp tục mở rộng kinh doanh. Còn gì tuyệt hơn việc vừa được làm điều mình thích vừa có thêm thu nhập”, Phương hào hứng chia sẻ.
Nói là làm, anh Phương vay quỹ tín dụng ở địa phương để chuyển sang một trải nghiệm mới là nuôi thỏ. Anh kể vì mô hình nuôi thỏ không mới nên có thể học hỏi được từ rất nhiều người đi trước và trên mạng. Anh cũng đã không hề thất bại với trải nghiệm này khi hiện nay, trong hệ thống chuồng của anh có gần 100 con.
“Thỏ sinh trưởng và sinh sản rất đều đặn. Mỗi tháng tôi thường xuất đi chừng 20 con thỏ giống, mỗi con có giá chừng 80.000 đồng”, anh kể. Nhưng có lẽ, vật nuôi đang làm cho anh Phương thực sự phấn khích, thích thú nhất chính là… chồn hương, khi anh bắt đầu tập tễnh nuôi vào đầu năm 2014. Đây là loại động vật có giá trị cao nên anh đã đặt rất nhiều hy vọng. Anh Phương cũng tâm sự rằng cái khó nhất của việc nuôi chồn hương là khâu phối giống vì cần phải tìm ra quy luật động đực của con cái. “Phải theo dõi quan sát rất nhiều, tôi mới tìm ra một… bí mật. Ấy là khi con chồn hương cái toả mùi hương và phá chuồng thì đó là lúc “thời cơ chín muồi” để chúng ta thả chồn đực vào”, anh bật mí.
Nói qua thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế, trong quá trình làm “bà đỡ” cho chồn hương, đã không ít lần anh Phương phải rấm rứt buồn khi những con chồn hương con vừa sinh ra đã chết vì yếu hoặc bị chính con chồn đực… ăn luôn. Và cho đến giờ thì đàn chồn của anh đã duy trì ổn định chừng 10 con cái và 2 con đực. “Với chồn hương, bán thịt hay bán giống thì giá cả cũng rất ổn. Mỗi cặp chồn hương giống có giá 7 – 10 triệu đồng, còn bán thịt thì mỗi ký có giá 1 – 1,3 triệu đồng. Cái hay là chồn hương rất hiếm nên việc bán cũng rất đơn giản. Chỉ sợ không có hàng mà bán chứ lúc nào cũng có người đến tận nhà hỏi mua”, anh Phương cho hay.
Với tính cách phóng khoáng, anh Phương bảo sẵn sàng lôi hết “ruột gan” ra để nói nếu như có ai đó muốn đến với anh để học hỏi. “Thậm chí gọi điện hỏi tôi cũng không giấu nghề đâu. Số của tôi là 0942609008”, Phương khẳng khái thông tin.
Nguyễn Phúc