23/01/2025

Nông dân Úc chống lấy đất màu mỡ cho Singapore thuê

Thoả thuận cho quân đội Singapore thuê đất ở bang Queensland trong 25 năm tới có thể phải đổi địa điểm do phản đối của nông dân địa phương.

 

Nông dân Úc chống lấy đất màu mỡ cho Singapore thuê

Thoả thuận cho quân đội Singapore thuê đất ở bang Queensland trong 25 năm tới có thể phải đổi địa điểm do phản đối của nông dân địa phương.




Xe quân sự Singapore tham gia diễn tập tại căn cứ Shoalwater, Úc  /// MINDEF

Xe quân sự Singapore tham gia diễn tập tại căn cứ Shoalwater, ÚcMINDEF

Thỏa thuận ký ngày 13.10.2016 được giới chức Úc và Singapore ngợi ca là “biểu tượng” của tình hữu nghị và hợp tác dài lâu giữa 2 nước. Theo đó, Úc đồng ý để Singapore khai thác lô đất rộng khoảng 5 lần diện tích đảo quốc sư tử ở thành phố Townsville, phía đông bang Queensland, cho mục đích huấn luyện quân sự trong 25 năm. Chưa hết, căn cứ vịnh Shoalwater tại thành phố Rockhampton cách Townsville không xa về phía nam mà Singapore đã sử dụng hơn 25 năm qua cũng được nới rộng thêm.
Thời gian huấn luyện cũng được tăng từ 6 tuần/năm lên 18 tuần/năm, trong khi số binh sĩ được phép triển khai lên đến 14.000 người so với 6.600 người trước đây và số phương tiện quân sự tăng từ 500 lên 2.400. Đổi lại, Singapore trả cho Úc 2,25 tỉ AUD (1,7 tỉ USD).
Theo kế hoạch, căn cứ Townsville sẽ được định hình trong giai đoạn 2017 – 2018 và tiến hành xây dựng năm 2019, với trọng tâm huấn luyện không quân. Ngoài Singapore, quân đội Úc cũng sẽ sử dụng căn cứ này.
Nông dân “khóc ròng”
 
 
Với diện tích tự nhiên chưa đầy 600 km2 và liên tục bồi đắp mở rộng thành 700 km2 hiện nay, ngay khi trở thành một nền cộng hòa độc lập năm 1965, đảo quốc Singapore đã phải thuê mượn đất nước ngoài để huấn luyện quân sự, đặc biệt là không quân.
Theo Bộ Quốc phòng, không quân Singapore (RSAF) hiện đồn trú và tham gia tập trận tại gần 10 quốc gia khắp 5 châu lục, gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Ấn Độ, Úc, Pháp, Mỹ và Nam Phi. Tại Mỹ, RSAF có các biệt đội đồn trú ở nhiều tiểu bang từ Alaska, Idaho, Nevada, Arizona đến Texas và Lousiana. Ngoài ra, quân đội Singapore còn huấn luyện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Đức, Đài Loan…
 

Theo truyền thông Úc, vùng đất Townsville có địa hình đa dạng, cho phép quân đội huấn luyện trong nhiều điều kiện tác chiến khác nhau. Vì vậy, phát biểu sau lễ ký kết tại thủ đô Canberra ngày 13.10, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói: “Đó là một khu đất huấn luyện loại hiếm với diện tích và khoảng cách đủ để mọi phương tiện khí tài của chúng ta vận hành, đủ để các lữ đoàn cơ giới lẫn máy móc của chúng ta hoạt động”. Người đồng cấp Úc Marise Payne cũng nói thêm: “Không dễ gì ở năm 2016 mà bạn có thể đạt được thoả thuận quân sự kéo dài đến 25 năm”.

Chưa hết, để làm an lòng người dân địa phương, Bộ trưởng Ng trong một thông cáo trên Facebook cá nhân đã viết: “Kể cả khi người Úc nồng nhiệt chấp nhận, chúng ta đừng bao giờ quên phải là những vị khách tốt, vào mọi lúc, tôn trọng người dân địa phương và quyền lợi của họ, trong khi cố gắng đền bù đáp lại cộng đồng”.
Những tưởng thoả thuận sẽ được triển khai suôn sẻ, không ngờ lại vấp phải sự phản đối của 23 hộ nông dân thị trấn Charters Towers, phía tây Townsville, sau khi họ nhận thông báo từ Bộ Quốc phòng Úc về việc sẽ trưng thu 200.000 ha đất để phát triển khu huấn luyện.
Tờ The Australian trích lời các nông dân gọi ý định trưng thu là hành động “cướp đất vô lương tâm”. Nông dân Robert Hicks, 50 tuổi, người có nông trại gia súc rộng 20.000 ha nằm trong diện bị trưng thu, nói trong cay đắng: “Vùng đất này là một phần trái tim và tâm hồn của chúng tôi”. Gia đình ông đã sống qua nhiều đời ở đây và mảnh đất tổ tiên sẽ được truyền lại cho các đời con cháu tiếp theo.
Nhượng bộ
Theo báo chí địa phương, nông dân không phản đối hợp tác quân sự với Singapore. Điều họ chỉ trích là tại sao lại lãng phí 200.000 ha đất nông nghiệp trù phú của Townsville để phát triển căn cứ huấn luyện, trong khi khắp bang Queensland có nhiều vùng đất đai ít màu mỡ, xứng đáng cho mục đích quân sự hơn. Hiện phần lớn các hộ dân đã nhờ luật sư Ian Conrad đại diện chống lại việc trưng thu.
“Trưng thu đất và di dời dân sẽ khiến nơi này không chỉ mất đi nguồn thu 20 triệu AUD từ 15.000 con gia súc mỗi năm mà còn tước cả tiềm năng phát triển các vùng đất kề sông Burdekin có giá trị cao về thủy lợi”, luật sư Conrad nói. Nghị viên địa phương Bob Katter cũng tuyên bố sẵn sàng “gây chiến” với Bộ Quốc phòng để bảo vệ đất cho nông dân.
Sau nhiều tuần tham vấn từng hộ nông dân, với sự tham gia của chính quyền địa phương, luật sư, các nghị sĩ đối lập… chính quyền liên bang mới đây đã có động thái nhượng bộ. Theo tờ The Straits Times, chính phủ Úc tuyên bố sẽ “xem xét lại” địa điểm, đồng thời thuê Hãng kiểm toán quốc tế KPMG thực hiện đánh giá tác động của dự án lên đời sống người dân địa phương. Mặc dù Bộ Quốc phòng Úc từng tuyên bố thay đổi địa điểm là điều “không phù hợp”, nay cũng cho biết đang cân nhắc 2 vị trí khác có khả năng thay thế.
Trả lời báo chí hôm 27.12, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Singapore (MINDEF) nói bộ quốc phòng hai nước “vẫn cam kết thực thi đầy đủ” bản ghi nhớ hợp tác ngày 13.10 và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhau trong việc phát triển các khu huấn luyện. The Straits Times nhận định chính phủ liên bang Úc đang “bị kẹp” giữa các đòi hỏi chính trị gay go với một bên là lợi ích của nông dân nước này, một bên là cam kết và lợi ích quân sự gắn với Singapore.

 

Thục Minh (Văn phòng Singapore)