Tính từ tháng 1 đến giữa tháng 12.2016, VN đã chi tổng cộng 7,64 tỉ USD nhập khẩu các loại sắt thép trong khi chỉ thu hơn 2 tỉ USD xuất khẩu mặt hàng này.
Chi hơn 7 tỉ USD nhập sắt thép
Tính từ tháng 1 đến giữa tháng 12.2016, VN đã chi tổng cộng 7,64 tỉ USD nhập khẩu các loại sắt thép trong khi chỉ thu hơn 2 tỉ USD xuất khẩu mặt hàng này.
Như vậy, chỉ tính riêng sắt thép chúng ta đã nhập siêu tới 5,64 tỉ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11.2016, lượng sắt thép cả nước nhập khẩu (NK) là 16,9 triệu tấn, tăng 22,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2015 với tổng trị giá 7,25 tỉ USD. Bước sang nửa đầu tháng 12, lượng sắt thép các loại NK vào VN tăng 17,9%. Như vậy tổng cộng kim ngạch nhập sắt thép các loại tính đến giữa tháng 12.2016 vào VN đạt 7,64 tỉ USD.
Thị trường thép và ngành thép đang có sự phát triển méo mó, không cân đối nên phải xem xét lại. Bên cạnh đó cần tận dụng nhiều hơn các rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất lẫn người tiêu dùng trong nước, tránh nhập khẩu sản phẩm không đảm bảo chất lượng
TS Lê Đăng Doanh
Trong khi thống kê của Hiệp hội Thép VN (VSA) cho thấy xuất khẩu của VN sau 10 tháng năm 2016 mới chỉ đạt 1,99 tỉ USD. Các doanh nghiệp (DN) trong nước sau 11 tháng đã sản xuất được hơn 15,52 triệu tấn, tiêu thụ nội địa được 13,48 triệu tấn và xuất khẩu 2,46 triệu tấn. Riêng thép xây dựng trong nước sản xuất được hơn 7,34 triệu tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước; tôn mạ đạt 2,94 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước…
Nhập khẩu cả sản phẩm dư thừa
Bên cạnh sản phẩm thép cuộn cán nóng dùng để phục vụ sản xuất các ngành do VN chưa thực hiện được thì số lượng các sản phẩm trong nước đã sản xuất nhiều, thậm chí còn phục vụ cho xuất khẩu như thép xây dựng, tôn mạ… cũng được NK với số lượng ngày càng tăng. Chính điều đó càng khiến cho số lượng nhập siêu càng lớn. Mới đây, 18 DN ngành thép đồng loạt “kêu cứu” vì thép cuộn lách thuế tự vệ ồ ạt về VN.
Thống kê cho thấy trước khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ cho một số mặt hàng thép, thép dây cuộn được NK vào VN chủ yếu kê khai vào mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng NK thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2016 lượng NK chỉ bằng 58% so với cả năm 2015. Thay vào đó, xuất hiện tình trạng kê khai NK tăng đột biến ở mã không bị áp thuế với tổng lượng NK trong 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng NK cả năm 2015. Riêng tháng 10.2016, việc NK tăng cao kỷ lục là 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.
Theo phân tích của VSA, các DN chuyển sang mã HS mới để hưởng thuế suất 3% so với mức thuế suất 15,4% đối với những mã HS bị áp thuế tự vệ. Bởi thép cuộn mã 7213.91.90 có thành phần hoá học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng như thép cuộn NK đang bị áp thuế tự vệ thương mại. Đây là hành vi lẩn tránh thuế tự vệ và VSA đã kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xem xét mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, việc thép cuộn nhập khẩu gia tăng khiến các DN trong nước gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần thiết phải mở rộng các biện pháp ngăn chặn do trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Hơn nữa, các DN dù rất nỗ lực nhưng chỉ mới xuất khẩu được hơn 2 tỉ USD, đây là một con số khiêm tốn nếu so với số lượng NK ồ ạt thời gian qua.
“Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là một thách thức lớn. Vì hiện nay nhiều nước đều dựng hàng rào phi thương mại đối với sản phẩm thép”, ông Nguyễn Văn Sưa nói. Còn theo các DN sản xuất thép, việc nhập khẩu chủ yếu ở các sản phẩm giá thấp, đặc biệt từ Trung Quốc đã lấn sâu vào phân khúc thị trường phổ thông với giá trung bình thấp. Đặc biệt với nhiều người tiêu dùng, bằng mắt thường không thể thẩm định được chất lượng thép nên vẫn ưu tiên lựa chọn hàng có giá thấp. Điều này càng khiến cho thị phần của DN trong nước teo tóp.
Nguy cơ tăng nhập siêu
Chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét: “Nếu không triển khai các hàng rào để ngăn chặn sản phẩm thép NK chất lượng kém tràn vào VN thì không chỉ ảnh hưởng trước mắt cho thị trường, cho ngành sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng lâu dài đến người dùng và nền kinh tế cả nước. Bởi sắt thép được NK chủ yếu dùng để xây dựng, có liên quan trực tiếp đến chất lượng các công trình dân dụng và công nghiệp nên sẽ có tác động lớn nếu không đảm bảo an toàn”.
Hiện nay, Trung Quốc là nước dẫn đầu về lượng xuất khẩu thép vào VN. Sau đó là đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Ông Nguyễn Văn Sưa phân tích: Trung Quốc đang là nước sản xuất dư thừa thép nên sức ép xuất khẩu rất lớn. Ngay cả chính phủ nước này cũng đưa ra những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho xuất khẩu thép nên không chỉ phải cạnh tranh ngay tại thị trường VN, sản phẩm thép của VN cũng bị cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, phải NK hơn 7 tỉ USD cho sắt thép là đáng lo cho tình trạng nhập siêu của VN trong khi cả nước cố gắng xuất siêu ở nhiều mặt hàng khác. Đặc biệt, với sức ép phải xuất khẩu từ 300 – 500 triệu tấn thép mỗi năm thì các DN thép Trung Quốc đã cố tình sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau. Ví dụ cho thêm một ít chất bo với hàm lượng rất thấp hầu như không phát hiện để khai báo là thép hợp kim, nhằm hưởng thuế NK vào VN là 0% trong khi đó vẫn là thép xây dựng. Hay như khai báo mã sản phẩm khác để lẩn tránh thuế tự vệ như VSA đã nêu… Điều này khiến hàng hoá trong nước không thể cạnh tranh được.
TS Lê Đăng Doanh phân tích: “Có những loại thép VN chưa làm được như thép cho sản xuất ô tô… thì cần thiết phải NK. Nhưng các loại thép chất lượng thấp như thép xây dựng, tôn mạ… thì VN đã dư thừa. Vì vậy thị trường thép và ngành thép đang có sự phát triển méo mó, không cân đối nên phải xem xét lại. Bên cạnh đó, cần tận dụng nhiều hơn các rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất lẫn người tiêu dùng trong nước, tránh NK sản phẩm không đảm bảo chất lượng”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cần phải kiểm tra ngay từ khâu kiểm soát NK để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, tránh cạnh tranh không công bằng. Ngoài việc áp dụng các chính sách về thuế tự vệ, VN cần triển khai và tận dụng nhiều hàng rào phi thuế quan khác. Chẳng hạn như Bộ Khoa học và Công nghệ phải xem xét đánh giá về chất lượng sản phẩm. Nếu như giá thấp mà chất lượng tốt thì DN trong nước phải xem lại quy trình sản xuất. Ngược lại nếu như giá thấp, chất lượng kém thì phải ban hành hàng rào kỹ thuật. Trong đó đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho từng chủng loại sản phẩm như loại thép nào tương ứng phải đạt hàm lượng như thế nào… chứ không để thép nhập tràn lan như hiện nay.