23/01/2025

Gạo Việt đừng mải mê tăng sản lượng

Việt Nam tự hào là cường quốc sản xuất lúa gạo. Thế nhưng gần đây nhiều khách hàng lâu nay mua gạo của Việt Nam chuyển sang mua gạo Thái Lan, gạo Campuchia.

 

Gạo Việt đừng mải mê tăng sản lượng

Việt Nam tự hào là cường quốc sản xuất lúa gạo. Thế nhưng gần đây nhiều khách hàng lâu nay mua gạo của Việt Nam chuyển sang mua gạo Thái Lan, gạo Campuchia. 

 

 

 

Gạo Việt đừng mải mê tăng sản lượng
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua kiểm tra giống lúa tại khu sản xuất giống của gia đình tại Mỹ Xuyên, Sóc Trăng – Ảnh: TIẾN TRÌNH

Các chuyên gia lúa gạo cảnh báo: gạo Việt Nam đang bị tụt lại so với Campuchia. Vì sao?

Là người tâm huyết với giống lúa thơm chất lượng cao, Anh hùng lao động thời đổi mới Hồ Quang Cua – phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – chia sẻ với Tuổi Trẻ câu chuyện về “thân phận” của hạt gạo Việt.

Giá gạo thơm Campuchia cao hơn gạo Việt

* Nhiều chuyên gia lúa gạo hàng đầu cảnh báo: hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thua xa Thái Lan từ lâu và đang sắp sửa bị Campuchia qua mặt. Thực tế ra sao, thưa ông?

 

– Năm rồi, Campuchia xuất khẩu được 500.000 tấn gạo thơm. Đó là gạo có chứng nhận hữu cơ, họ bán được với giá 1.400 USD/tấn, gạo chưa có chứng nhận bán được đến 800 USD/tấn. Trong khi đó, nhóm gạo của Việt Nam trong top được đề xuất thương hiệu gạo quốc gia như Jesmine 85, RVT, Nàng Hoa 9… hiện được bán dưới giá 500 USD/tấn.

Có giá hơn một chút, các doanh nghiệp chuyên làm gạo thơm “ST” (Sóc Trăng) từng bán cho Malaysia giá 700 USD/tấn. Nhưng năm nay, cả Malaysia cũng bỏ chúng ta để sang mua gạo Campuchia với giá cao hơn.

Tôi có đọc một tài liệu của IFC (công ty tài chính trực thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF) có đề cập một số khách hàng đã bỏ gạo Việt Nam để mua gạo Campuchia, tôi rất buồn.

* Việt Nam đã có vài chục năm kinh nghiệm làm gạo xuất khẩu, còn Campuchia thì mới chân ướt chân ráo làm gạo, sao họ vượt qua chúng ta được, thưa ông?

– Campuchia chỉ mới xuất khẩu gạo mấy năm nay, mà giờ chất lượng của họ có thể so kè với Thái Lan. Chỉ trong vòng 5 năm, sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia đã tăng lên gấp 10 lần. Tôi còn nhớ cách nay mấy năm, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố chương trình 1 triệu tấn gạo trong 10 năm. Giờ đây họ đã xuất khẩu được 500.000 tấn. Mà họ toàn bán gạo “xịn”, giá cao.

* Thưa ông, phải có một lý do gì đó. Bởi so với Campuchia thì nền sản xuất lúa gạo chúng ta hơn về mọi mặt?

– Đúng rồi. Campuchia không phải qua giai đoạn bù sản lượng lương thực như Việt Nam. Sau chiến tranh, Campuchia không có điều kiện xây dựng như Việt Nam. Họ không có tiền làm thủy lợi, cũng không có đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu hùng hậu như Việt Nam. Thành ra Campuchia phải xài lúa mùa, nhưng với sự trợ giúp của quốc tế, họ đi thanh lọc những nguồn gen có sẵn. Trong lúc xu hướng thế giới có nhu cầu chọn những sản phẩm an toàn thì những điều họ làm là phù hợp.

Chúng ta làm tốt, nhưng không liệu tính trước

* Còn Việt Nam thì sao, thưa ông?

– Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng mình đang ở đâu. Việt Nam từng rất thành công trong việc nâng cao sản lượng lúa gạo. Từ mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, chúng ta đã cải tạo hệ thống canh tác để nâng lên hai vụ; rồi hoàn thiện hệ thống đê bao để có thể trồng được ba vụ lúa mỗi năm.

Chúng ta có 7 tỉnh được xếp vào vùng trồng lúa có năng suất cao nhất châu Á. Bảy tỉnh này năng suất lúa đông xuân đạt đến 7 tấn/ha. Phải nói là trong giai đoạn đó mình làm đúng, làm rất hay, chứ đâu có dở.

Nhưng mình đâu lường hết thế giới chuyển biến. Tôi còn nhớ ngày xưa một nhà khoa học đầu ngành lúa gạo của Việt Nam có nói một câu: “Lai tạo lúa thơm là công việc khó khăn. Thị trường hạn hẹp, đầy rủi ro…”.

Đúng là thời đó hạn hẹp thiệt, nhưng ông ấy đâu biết rằng Trung Quốc có thêm 60 triệu người đứng vào hàng ngũ tầng lớp trung lưu mới. Thành ra nhu cầu gạo thơm ngon của họ tăng lên cực nhanh. Mình đã không liệu tính trước được. Rõ ràng mình thiếu tầm nhìn và không kịp điều chỉnh.

* Nói thế nghĩa là Việt Nam mải mê tăng sản lượng mà bỏ quên tăng chất lượng hạt gạo?

– Tôi nhớ mười mấy năm trước, anh Cao Đức Phát khi ấy còn làm phó bí thư Tỉnh ủy An Giang đã nhiều lần đến chỗ tôi thăm lúa thơm. Anh ấy thích lắm. Nhưng sau đó, việc phát triển lúa thơm lại vướng vào gút mắc của các nhà khoa học, đến giờ họ vẫn tranh luận với nhau về phương pháp để đi đến thành công.

Tôi nghĩ chúng ta không thiếu những nhà khoa học có tâm huyết, nhưng điều kiện làm việc không phải ai cũng được như ai. Chẳng hạn như nhiều nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ, tôi thấy họ rất tâm huyết nhưng họ không có tiền để phục vụ nghiên cứu, nên họ cứ phải nói khiêm tốn và tự an ủi mình là “nghiên cứu để phục vụ giảng dạy thôi”.

* Đành rằng Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo lớn, nhưng dường như vẫn có quan niệm lúa thơm là lúa của… nhà giàu?

– Không. Đừng nghĩ vậy. Thời nào cũng có người có tiền nhiều cả. Mà có tiền thì người ta lại muốn ăn gạo ngon.

Tôi kể câu chuyện như vầy. Từ năm 1991, hai năm sau khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo, giáo sư Võ Tòng Xuân đã đưa lúa thơm ra đồng. Tôi lúc đó là một cán bộ khuyến nông. Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh lúa thơm bán chạy như tôm tươi, xuồng ghe người ta kéo đến ào ào mua lúa.

Lúc đó mới bắt đầu có chuyện bán lúa tươi. Cắt lúa bao nhiêu họ mua hết, vì thế bây giờ nghĩ lại thấy rằng không lo vì cái gì thị trường cần thì sẽ phát triển hết sức nhanh lẹ. Phải công nhận tầm nhìn của giáo sư rất đúng.

Mở ra một lối nhỏ, đi sẽ thành đường

* Vấn đề uy tín của hạt gạo Việt Nam phải chăng được quyết định bởi yếu tố giống, thưa ông?

– Tôi nghĩ ngoài chuyện giống, vấn đề cần phải quan tâm lớn nữa là vấn đề an toàn thực phẩm. Mới đây, trong 16 doanh nghiệp có gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về, có loại tồn dư đến 4 chất cấm. Trên thế giới không nước nào lại cho phép mấy ông công ty bán thuốc bảo vệ thực vật lại đi “luồn” ở trong dân.

Họ nói họ làm hội thảo nhưng thật ra đó là quảng cáo bán thuốc bảo vệ thực vật chứ hội thảo gì. Vì thế tôi nghĩ về mặt quản lý nhà nước, chính quyền cần phải chấn chỉnh ngay tình trạng này, nếu không thì khó cải thiện tình trạng gạo bị nước ngoài trả về như lâu nay.

Mình xây dựng thương hiệu gạo trong điều kiện thiếu kiểm soát chất lượng như thế thì công cốc.

* Từng làm lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, ông có tham mưu giúp tỉnh nhà làm khác đi không?

– Ở Sóc Trăng, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh rất quan tâm phát triển giống lúa chất lượng cao, nên chúng tôi làm tham mưu rất có hiệu quả. Như từ năm 2000, tỉnh Sóc Trăng đã có nghị quyết khống chế sản lượng để tăng cường chất lượng hạt gạo. Cho đến nay đã có trên 40% diện tích đông xuân của Sóc Trăng trồng lúa thơm. Thật ra cái gì hợp lòng dân thì chỉ cần mở ra một lối nhỏ, họ sẽ đi thành đường.

GS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ):

Gạo Việt đừng mải mê tăng sản lượng
GS Võ Tòng Xuân – Ảnh: CHÍ QUỐC

3 việc cần làm ngay để gạo Việt vươn xa

Theo tôi, để hạt gạo Việt Nam không thua Thái Lan, Campuchia về giá, trở lại vị thế của một quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì khu vực và thế giới, đã đến lúc Nhà nước cần làm ngay ba vấn đề sau:

Thứ nhất, phải quyết liệt vào cuộc ngay, không chần chừ sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, sản xuất theo chuỗi; doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc trừ sâu, giảm giá thành, làm ra gạo đẹp, ngon cơm, an toàn.

Thứ hai, Nhà nước từ trung ương đến địa phương phải quản lý chặt chẽ các nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, khuyến cáo nông dân thay đổi nhận thức không sản xuất lúa bằng việc sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ như lâu nay, làm hạt gạo của Việt Nam bị cho là không an toàn.

Thứ ba, không nên tự ái vì gạo Việt Nam bị Thái Lan hay Campuchia vượt qua, mà cần tỉnh táo, xóa bỏ ngay tư duy chạy đua làm lúa thật nhiều, sản lượng thật cao mà tập trung đầu tư cho nâng cao chất lượng hạt gạo ngon, an toàn, từ đó dần dần chúng ta sẽ có thương hiệu, sẽ được quốc tế dùng gạo Việt Nam và giá gạo sẽ tăng.

Thương hiệu gạo Campuchia được biết nhiều hơn

Năm 2009, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Campuchia tổ chức bình tuyển và chọn ra giống lúa mùa sớm Phka Roum Doul, đến năm 2012 bắt đầu đem giống lúa này đi “đấu xảo” quốc tế và 3 năm liền đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Thay vì tìm mọi cách để tăng sản lượng gạo, Campuchia chỉ sản xuất 1 vụ/năm và năng suất chỉ 2 tấn/ha.

Tuy nhiên, Campuchia cố gắng tổ chức mô hình sản xuất gạo hữu cơ, sau đó gạo Campuchia được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS OKo-Garantie của Đức chứng nhận hữu cơ. Nhờ đó, gạo Campuchia được chào đón ở những thị trường khó tính.

Trong khi đó, Việt Nam nhiều năm nằm trong tốp dẫn đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, Campuchia chỉ xuất khẩu được 500.000 tấn.

Nhưng Campuchia chỉ bán gạo thơm, với giá cao hơn gạo Việt Nam rất nhiều. Theo các chuyên gia lúa gạo, chưa hẳn gạo Campuchia ngon hơn gạo Việt Nam, nhưng thương hiệu gạo của Campuchia đã được biết đến nhiều hơn.

TIẾN TRÌNH – HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện