Việc Bộ GD-ĐT xem xét lại phương án xác định điểm sàn ĐH cho phù hợp hơn ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các trường.
‘Chín người mười ý’ về điểm sàn
Việc Bộ GD-ĐT xem xét lại phương án xác định điểm sàn ĐH cho phù hợp hơn ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các trường.
Bỏ nhưng theo lộ trình
Trao đổi trên Báo Thanh Niên ngày 27.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết dự kiến thực hiện giao quyền tự chủ cho các trường trong xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) theo lộ trình từng bước. Trong đó, trước hết cho phép các trường thí điểm tự chủ và trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng có thể tự quyết định điểm sàn. Các trường còn lại có thể vẫn sẽ có điểm sàn. Trước đó, trong dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ ĐH và trình độ CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ quyết định bỏ điểm sàn ĐH thay vì đưa ra mức điểm tối thiểu vào ĐH cho các trường như trước đây.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết ủng hộ chủ trương cho phép các trường thí điểm tự chủ toàn diện được xác định điểm sàn, các trường còn lại vẫn nên có sàn tối thiểu. Điều này nhằm tránh “cú sốc” cho các trường CĐ ngay trong năm đầu chuyển đổi bộ chủ quản. Với những trường đào tạo ngành nghề đặc thù (như công an, quân đội, sức khoẻ) thì càng cần thiết có ngưỡng tối thiểu này.
Xung quanh ý kiến về dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết quan điểm của lãnh đạo Bộ là coi trọng vai trò của điểm sàn đối với chất lượng đào tạo.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng bày tỏ sự ủng hộ với phương án thực hiện có lộ trình việc cho phép tự chủ xác định điểm sàn. Theo ông Dũng, những trường và ngành đã được kiểm định chất lượng đã có khả năng để kiểm soát đầu ra tốt hơn, có thể đảm bảo được quá trình đào tạo. Với những chương trình kiểm định theo chuẩn AUN (Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á), việc kiểm định được thực hiện “chặt” hơn với cả sinh viên đầu vào và đầu ra. Những trường và ngành chưa kiểm định cần thiết phải duy trì mức điểm sàn chung để đảm bảo các trường không tuyển đầu vào quá thấp. Tuy nhiên Bộ nên cân nhắc cho phép các trường thí điểm tự chủ bởi với mức học phí cao, các trường có thể sẽ hạ điểm tuyển ở mức thấp nhất có thể để tuyển đủ thí sinh.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng có ý kiến trong điều kiện hiện nay, khi xã hội chưa thực sự an tâm về chất lượng đào tạo thì vẫn nên đưa ra điểm sàn cho tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, việc để các trường chủ động trong xây dựng điểm nhận hồ sơ là một xu hướng cần thực hiện trong thời gian tới. Chất lượng đào tạo được quyết định không chỉ đầu vào mà cả quá trình đào tạo. Do vậy, thay vì “siết” đầu vào thì việc quan trọng hơn cần làm là các trường tuyển đúng năng lực đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo.
* Không giới hạn số lượng nguyện vọngSẽ không đặt điểm ‘sàn’, không giới hạn số lượng nguyện vọng của thí sinh, đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh của các trường…
Sàn không còn tác dụng ?
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cũng đồng tình với chủ trương mới của Bộ khi cho phép 2 loại trường trên được tự chủ xác định điểm sàn. Tuy nhiên, tiến sĩ Hạ băn khoăn: “Trường đã kiểm định có cơ sở để khẳng định uy tín, nhưng trường chưa tham gia kiểm định chất lượng không phải trường không tốt. Vì vậy các trường chưa kiểm định mà tốt vẫn cần thiết phải đưa ra mức sàn phù hợp với mức điểm trúng tuyển để thí sinh có thông tin nộp hồ sơ, vì hầu hết các trường này mức điểm trúng tuyển đều cao”. Ông Hạ cho rằng không nhất thiết phải có điểm sàn tối thiểu vì việc cho phép các trường xét tuyển theo đề án riêng đồng nghĩa với mức sàn tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, đa số thí sinh đều biết chọn lựa trường để học, sự lựa chọn này sẽ tương thích với năng lực đào tạo và uy tín các trường.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển sinh bằng nhiều phương thức, trong đó có thí điểm tổ chức thi đánh giá năng lực ở một vài đơn vị thành viên.
Còn tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng việc xác lập điểm sàn trong điều kiện hiện tại không còn tác dụng. Ông Thông phân tích: “Kinh nghiệm các năm cho thấy nhóm trường tốp trên luôn có điểm trúng tuyển ở mức cao nên điểm sàn không còn ý nghĩa. Các trường tốp dưới ngoài điểm thi THPT quốc gia, trường vẫn được xét thí sinh theo đề án tuyển sinh riêng bằng kết quả học bạ THPT. Cùng một thí sinh có thể nộp hồ sơ bằng 2 hình thức vào nhóm trường tốp dưới, nếu điểm thi không cao, thí sinh này vẫn có thể trúng tuyển bằng điểm học bạ”. Theo ông Thông, cả việc xác định điểm sàn và cho phép một số trường tự chủ, kiểm định xác định điểm sàn đều không thực sự còn ý nghĩa trong điều kiện tuyển sinh hiện nay.
Tương tự, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng điểm sàn là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo của các bậc học thì không nên phân biệt trường tự chủ hoặc không, trường kiểm định hoặc chưa. “Đã đến lúc bỏ điểm sàn để các trường thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình. Điểm sàn hoàn toàn không có ý nghĩa với những trường, ngành có uy tín. Vì nếu các trường này hạ mức sàn xuống thì tự khắc đã tự làm mất uy tín, hình ảnh và thương hiệu của mình”, ông Lý nhận định.
Đại diện các trường ĐH có những đề nghị, góp ý xây dựng quy chế xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường tránh được tình trạng ảo như xảy ra trong năm 2016.
Ý kiến
Bỏ sẽ mang tiếng “cắt nguồn” của trường CĐ
Vẫn nên có điểm sàn vì nếu không sẽ khó kiểm soát. Với nhiều trường, nếu cho họ tự đặt sàn, họ có thể hạ thấp ngưỡng thì những trường tốp dưới không có cơ hội. Số lượng trường đã được kiểm định rồi cũng rất ít vì thế mà cần có một cơ quan kiểm soát chung về ngưỡng đầu vào. Hơn nữa việc Bộ GD-ĐT đặt ra ngưỡng sẽ không mang tiếng “cắt nguồn” của các trường CĐ. Xu hướng vào ĐH, chê CĐ, trung cấp là một thực tế mà chúng ta không thể phớt lờ. Ngoài ra tôi cũng ủng hộ việc để cho thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ĐH trước khi biết kết quả thi THPT.
PGS-TS Bùi Thế Đồi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp
Chỉ bỏ sàn với trường đã kiểm định
Để cho mỗi trường tự định điểm sàn cho chính mình là xu hướng tất yếu. Không nên để Bộ phải đặt ngưỡng. Đúng là vừa mới chuyển một loạt trường CĐ sang Bộ LĐ-TB-XH mà giờ lại bỏ luôn điểm sàn ĐH, dù trên thực tế có thể nó cũng không ảnh hưởng tới nguồn tuyển CĐ nhưng nó vẫn sẽ tạo ra những suy diễn không đáng có. Vì thế tôi cũng ủng hộ phương án Bộ GD-ĐT đang nghĩ tới là chỉ bỏ điểm sàn với các trường đã qua được vòng kiểm định chất lượng của bộ này. Đây cũng là một cách để đảm bảo chất lượng mà các trường cũng khó có cớ để phàn nàn.
Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô
Không quan trọng với trường ngoài công lập
Đối với đa số các trường ĐH ngoài công lập, việc có hay bỏ điểm sàn đều không quan trọng. Với hệ thống các trường này, bỏ điểm sàn không giải quyết được vấn đề gì. Các trường công lập cũng vậy. Điểm sàn chỉ có ý nghĩa nhiều đối với các trường ĐH ở địa phương để thu hút thêm thí sinh trong vòng một vài năm. Nếu chọn trường được kiểm định để thực hiện việc bỏ điểm sàn thì số lượng trường sẽ được mở rộng vì sắp tới Bộ sẽ có một đợt kiểm định lớn với tất cả các trường ĐH.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Vấn đề không nằm ở điểm sàn
Nếu không bỏ điểm sàn thì nên áp dụng cho tất cả các trường luôn. Không nên trừ ra một số trường nhất định. Có điểm sàn hay không vẫn không quan trọng với các trường ĐH ngoài công lập vì đa số các trường vẫn có phương án xét tuyển học bạ, không dính dáng đến điểm sàn. Vấn đề không nằm ở cách thức thi hay điểm sàn mà nằm ở số lượng chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký dự thi.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng