23/01/2025

Tạo mọi điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đất sản xuất nông nghiệp manh mún, khó chuyển đổi mục đích sử dụng do vướng luật đang là rào cản phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như tái cơ cấu nông nghiệp.

 

Tạo mọi điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đất sản xuất nông nghiệp manh mún, khó chuyển đổi mục đích sử dụng do vướng luật đang là rào cản phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như tái cơ cấu nông nghiệp.




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghịẢNH: QUANG HIẾU

Đó là kiến nghị của nhiều đại biểu tại hội nghị tổng kết sản xuất ngành nông nghiệp năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 26.12, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Muốn làm nhưng không được
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ứng dụng công nghệ cao giúp giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt hiệu quả lớn. Lâm Đồng đang có 50.000 ha đầu tư công nghệ cao cho doanh thu từ 150 triệu – 1 tỉ đồng/ha, cá biệt, rau thuỷ canh đạt 8 tỉ đồng/ha. Nông nghiệp công nghệ cao đang tạo ra môi trường khởi nghiệp cho giới trẻ, trong số 1.000 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp thành lập mới có đến 50% chủ DN từ 25 – 30 tuổi khởi nghiệp bằng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên theo ông S, khó khăn lớn nhất là đất đai. Quy mô nhỏ lẻ thì rất khó ứng dụng công nghệ cao. Trong khi dự báo nhu cầu các mặt hàng rau củ quả nông nghiệp sạch còn tăng mạnh. Vì vậy, nên cho phép chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau quả đi kèm ứng dụng công nghệ cao.


Tạo mọi điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao - ảnh 1
Những thể chế, chính sách nào mà ràng buộc nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phải bãi bỏ ngay, càng sớm càng tốt

Tạo mọi điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao - ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đất nông nghiệp manh mún là khó khăn của nhiều địa phương khi muốn chuyển đổi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay, nhiều diện tích trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao doanh thu từ 1,5 – 1,8 tỉ đồng/ha, sản xuất không đủ bán. Hà Nội khuyến khích, mời gọi DN đầu tư nhưng triển khai gặp nhiều vướng mắc. “Câu chuyện ở một huyện ngoại thành, ban thường vụ huyện ủy quyết định lấy 3 ha đầu tư làm hoa xuất khẩu. DN có tiền và người dân có đất, hai bên rất muốn làm nhưng quy định thuê đất chỉ có thời hạn một năm thì không thể làm gì được, đây là sự kìm hãm. Dứt khoát phải “cởi trói” cho đất đai, “cởi trói” quy định về hạn điền. Không làm được thì không thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ông Sửu bày tỏ.

Cùng quan điểm, theo ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó ban Kinh tế T.Ư, quy định về hạn điền, sử dụng đất nông nghiệp là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển, hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp nhưng một mình ngành nông nghiệp không thể quyết định. Theo ông Phát, sửa đổi luật Đất đai nên theo hướng, chuyển từ người không còn thiết tha với đồng ruộng sang người mong muốn làm nông nghiệp, chuyển từ hiệu quả sử dụng đất thấp sang sử dụng hiệu quả hơn. Trong điều 190 của luật Đất đai, chỉ cho phép chuyển đổi đất trong cùng xã, phường nên người từ nơi khác về muốn đầu tư thì không được. “Trong khi chờ đợi sửa luật Đất đai, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT xử lý những vướng mắc cụ thể, trong thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi nhất, thu hút DN đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hoá, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”, ông Phát nói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao mà không cho phép tích tụ ruộng đất, chuyển đổi sử dụng đất thì không cách nào làm được. Trong điều 57 của luật Đất đai có đề cập nội dung chuyển đổi đất nông nghiệp nhưng điều 4, Nghị định 35/2015/NĐ-CP mới chỉ cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản. “Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, các cây lâu năm khác; xây dựng chính sách phát triển thị trường về quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất sửa đổi luật theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn”, ông Cường nói.
Chỉ giữ dưới 3 triệu ha đất lúa
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong một năm khó khăn cả về “thiên tai và nhân tai”, ngành nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 32 tỉ USD đã khẳng định nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế VN trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội. Năm 2016, mô hình nông nghiệp công nghiệp cao xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành và nếu không đi theo hướng này thì nguy cấp cho cả nền nông nghiệp, khó khăn cho đất nước. Trước đây, Chính phủ chỉ cho phép một số tỉnh làm nông nghiệp công nghệ cao thì nay mở rộng. Người dân nào, nhà khoa học, tập đoàn, DN nào làm nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cho phép làm và không phải xin cho gì cả.
Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, quy hoạch 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực nhưng thực tế sản xuất lương thực dư thừa. “Trong 50 năm tới, VN chỉ cần giữ lại trên dưới 3 triệu ha là cần thiết đảm bảo an ninh lương thực, còn lại cho phép chuyển đổi trồng cây khác, chăn nuôi… để giải quyết bài toán hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Không thể lấy lý thuyết giữ đất lúa mà làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tôi nói thế để chính quyền các địa phương phải linh hoạt vận dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Định hướng về tầm nhìn chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cùng với du lịch và công nghệ thông tin, nông nghiệp là thế mạnh của VN trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, VN phải xây dựng một nền nông nghiệp chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu. “Bao năm qua, ngành nông nghiệp xuất khẩu nhiều mà giá trị quá thấp. Đặc biệt là không xây dựng được thương hiệu, đây là một tồn tại rất lớn, phải đặt vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đang trở thành bức xúc hiện nay hay không, chú trọng về chất lượng, giá trị hơn là số lượng là yêu cầu rất lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp”, người đứng đầu Chính phủ nêu vấn đề định hướng.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Những thể chế, chính sách nào mà ràng buộc nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phải bãi bỏ ngay, càng sớm càng tốt. Còn cái gì thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Quốc hội thì tiếp tục kiến nghị để bãi bỏ”.

 

Phan Hậu