23/01/2025

Pakistan doạ tấn công hạt nhân Israel vì ‘tin vịt’

Mức độ nguy hiểm của tin “vịt” vừa bị đẩy lên tầm tranh cãi quốc tế sau vụ đấu khẩu giữa hai thành viên của câu lạc bộ hạt nhân thế giới.

 

Pakistan doạ tấn công hạt nhân Israel vì ‘tin vịt’

Mức độ nguy hiểm của tin “vịt” vừa bị đẩy lên tầm tranh cãi quốc tế sau vụ đấu khẩu giữa hai thành viên của câu lạc bộ hạt nhân thế giới.




Những tin tức bịa đặt ở “trại vịt” USA Daily NewsNBC NEWS

Sự hoành hành của tin “vịt”, tin “đểu” đang đặc biệt gây quan ngại tại các nước trong thời gian gần đây. Trong một ví dụ mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif đã lên Twitter dằn mặt người đồng cấp Israel vào ngày 23.12 sau khi đọc được tin “vịt” nói rằng đối phương đe doạ bắn tên lửa hạt nhân về phía nước này.
Tin giả, hậu quả thật
Ngay trước thềm Giáng sinh năm nay, dân Pakistan lẫn Israel và không ít nước khác bị sốc khi đọc dòng tweet trên trang Twitter chính thức của Bộ trưởng Asif. “Bộ trưởng Quốc phòng Israel đe doạ sẽ giáng đòn hạt nhân trong trường hợp Pakistan tham gia cuộc chiến chống Daesh tại Syria. Israel quên rằng Pakistan cũng là một quốc gia hạt nhân”, vị bộ trưởng viết, sử dụng tên gọi tiếng Ả Rập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo báo The New York Times, có vẻ như phản ứng kịch liệt của ông Asif xuất phát từ một bản tin “vịt” chứa đầy lỗi trên trang awdnews.com (AWD) vào ngày 20.12, với tít “Bộ trưởng Quốc phòng Israel: Nếu Pakistan gửi bộ binh đến Syria vì bất cứ lý do nào, chúng tôi sẽ hủy diệt quốc gia này bằng vũ khí hạt nhân”.
Nếu đọc kỹ, hẳn bộ trưởng Pakistan phải nhớ ra rằng người đồng cấp Israel hiện là ông Avigdor Lieberman, chứ không phải ông Moshe Yaalon, cựu bộ trưởng, mà trang tin này trích nguồn dẫn. Và AWD cũng chạy các dòng tít “dữ dội” khác trên cùng trang, chẳng hạn như bài “Bà Clinton đang chuẩn bị cuộc chính biến nhằm lật đổ ông Trump”.
Tất nhiên Bộ Quốc phòng Israel lập tức lên tiếng bác bỏ vụ việc. “Tuyên bố được cho trích lời từ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yaalon về Pakistan là điều mà ông chưa bao giờ nói”, theo trang Twitter của Bộ Quốc phòng Israel. Trong dòng tin thứ hai, phía Tel Aviv tiếp tục vạch trần bản chất sai lệch của câu chuyện mà Bộ trưởng Asif đề cập. Bên cạnh phản ứng chính thức từ phía Israel, nhiều người dùng Twitter cũng “dội bom” trang của Bộ trưởng Asif vì sự “nhanh nhảu đoảng” của ông.
Trang Snopes.com thống kê AWD chuyên đăng tải những bài “xào nấu” thuyết âm mưu và nhất là tin “vịt”. Những câu chuyện bịa đặt xuất hiện trên trang này bao gồm: “Vua Abdullah xứ Jordan giết chết hoàng hậu trong một khách sạn vì tội ngoại tình”, hay “CIA từng ám sát hụt Tổng thống đắc cử Donald Trump”. Đây là một ví dụ cho sự nguy hiểm của các nguồn tin “vịt”, được lan truyền trên nền tảng mạng xã hội sau khi “xuất xưởng” từ nhiều nguồn dàn dựng với đủ mục đích khác nhau.
Hãng tin AFP ngày 26.12 dẫn lại vụ một người đàn ông vào ngày 4.12 đã xông vào nhà hàng bán pizza ở Washington, tay vung súng trường, tuyên bố muốn làm rõ tin đồn nơi đây là “hang ổ” của đường dây bắt cóc trẻ con có liên quan đến ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton.
Đại dịch tin “vịt”
Cách đây 2 tháng, hầu như chẳng ai nói về tin “vịt”. Kết quả tìm kiếm trên Google cho thấy cụm từ bằng tiếng Anh của nó là “fake news” hiếm khi nào xuất hiện trước tháng 10. Thế nhưng, giờ đây dạng tin này xuất hiện nhan nhản nhờ vào sự phổ biến của mạng xã hội và được cho là bắt nguồn từ cuộc bầu cử đầy gay go ở Mỹ. Trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống năm 2016, nhiều cá nhân trên mạng phát hiện họ có thể thu hút vô số người đọc bằng cách dựng lên những câu chuyện phù hợp với “gu” của cử tri thuộc các đảng chính trị tại Mỹ.
Những câu chuyện kiểu như trên bắt chước cách hành văn và dàn dựng của các bản tin thật và chúng được đăng lên các trang có thiết kế giống trang báo mạng hoặc blog của các chính khách. Các điểm mấu chốt nhất là chúng hoàn toàn bịa đặt, khi đập vào mắt của người đọc đã có sẵn đầu óc thiên kiến, dường như những câu chuyện này trở nên hoàn toàn đáng tin.
Trong số các bản tin “vịt” khét tiếng nhất, có thể kể đến tin Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, bà Clinton bán vũ khí cho IS, đặc vụ FBI thiệt mạng sau khi bị nghi ngờ rò rỉ thông tin về vụ thư điện tử của bà Hillary Clinton. Nạn nhân của không ít tin “vịt”, ứng viên tổng thống Clinton, hồi đầu tháng đã lên tiếng chỉ trích trào lưu mà bà cho là gây ra hậu quả thực tế, ảnh hưởng đến cuộc sống an bình của dân thường ở Mỹ, theo trang Mashable.
Hiện các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm internet như Facebook và Google, cũng như các bên thứ ba, đang gấp rút xây dựng những công cụ trong cuộc chiến chống lại tin “vịt”.
Hồi tuần trước, Google cho biết đang tìm cách cải thiện thuật toán để loại bỏ những thông tin không chính thống và chẳng có nguồn gốc sau khi câu hỏi “Liệu cuộc diệt chủng Do Thái từng xảy ra hay không?” đưa ra câu trả lời dẫn đến một website bác bỏ sự kiện thảm khốc này.
Còn Facebook cho biết đang hợp tác với các nhóm kiểm tra nguồn tin để “điểm mặt chỉ tên” những tin tức giả, đồng thời cảnh báo người dùng trong trường hợp câu chuyện mà họ dự định chia sẻ là tin không có thật. Facebook cũng vận động nguồn lực từ công chúng bằng cách yêu cầu họ gắn nhãn tin tức xác thực cho các bài chia sẻ.
Sau khi rộ lên tại Mỹ, đại dịch tin “vịt” trở thành nỗi ám ảnh của các nước như Đức, với lo ngại rằng những luồng tin không có thực sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vào đầu mùa thu năm sau. Theo tờ The Guardian, nhiều tin “vịt” đã râm ran xuất hiện, như Thủ tướng Angela Merkel từng là thành viên Bộ An ninh quốc gia thời Đông Đức (Stasi), thậm chí bà còn bị cho là con gái của nhà độc tài Adolf Hitler…
Tin “vịt” còn bị lợi dụng làm công cụ tấn công cả hai ứng viên chạy đua vào ghế tổng thống, trong đó ứng viên Alexander van der Bellen bị đồn mắc chứng mất trí nhớ và bệnh nặng sắp chết.

 

Thuỵ Miên