23/01/2025

Đề thi lớp 9 như “đề thi đại học”?

Một số phụ huynh học sinh ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) gửi thư đến Tuổi Trẻ, bức xúc về đề kiểm tra học kỳ I năm học 2016-2017 môn sinh học khối lớp 9.

 

Đề thi lớp 9 như “đề thi đại học”?

 Một số phụ huynh học sinh ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) gửi thư đến Tuổi Trẻ, bức xúc về đề kiểm tra học kỳ I năm học 2016-2017 môn sinh học khối lớp 9.

 

 

 

Đề thi lớp 9 như “đề thi đại học”?

Theo đó, đề thi do Phòng GD-ĐT Hóc Môn soạn, gồm bốn câu hỏi với thời gian làm bài là 45 phút, phụ huynh học sinh cho rằng: “cứ tưởng đề thi vào trường ĐH y dược nào đó, hoặc là đề thi học sinh giỏi môn sinh!”. 

Đề có phù hợp với học sinh lớp 9?

Các phụ huynh nói trên nêu ý kiến: “Chúng tôi vô cùng bức xúc trước cách ra đề thi môn sinh của Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn. Ở lứa tuổi 14-15 của học sinh lớp 9 thì ra đề như vậy có phù hợp không, trong khi đây chỉ là kỳ thi học kỳ I của các em. Người ra đề chắc trình độ, học vị rất cao nên cho rằng học sinh lớp 9 cũng hiểu sâu biết rộng như mình. Chúng tôi cho rằng với đề thi này, khi chấm điểm số học sinh đạt điểm dưới trung bình rất cao”.

Phụ huynh cũng gửi kèm đề thi. Theo đó, câu 1 (2 điểm) có nội dung như sau: “Bạch tạng là một thuật ngữ dùng chung cho các chứng bẩm sinh do rối loạn quá trình sinh tổng hợp ra sắc tố melanin, dẫn đến thiếu hoàn toàn hoặc thiếu hụt số lượng melanin trong da, tóc, mống mắt. Bằng mắt thường rất khó nhận biết người bị bạch tạng một phần. Đối với những người bị bạch tạng toàn phần, cơ thể hoàn toàn không thể sản xuất ra melanin. Vì vậy họ thường có da màu hồng, tóc trắng và mắt màu hồng lẫn xanh dương. Da của người bị bạch tạng dễ bị bỏng nắng, do đó dễ bị ung thư da. Ngoài ra, bạch tạng còn gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh nắng.

Bệnh bạch tạng là bệnh di truyền do đột biến gen lặn. Những gen lặn bạch tạng tồn tại dai dẳng trong dòng họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó khi lấy vợ, chồng không có gen lặn bệnh bạch tạng, thì con cái đẻ ra không bị bệnh bạch tạng nhưng mang gen lặn về bệnh lý. Trái lại, nếu lấy vợ hoặc chồng cũng có gen lặn bạch tạng thì những cặp gen lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau, rất dễ sinh ra những đứa con bạch tạng. Bởi vậy, nếu hai vợ chồng đó tiếp tục sinh con thì xác suất sinh con bạch tạng là lớn.

Anh An và chị Hà đều có kiểu gen dị hợp về tính trạng bạch tạng và kiểu hình bình thường (không bị bệnh bạch tạng). 1.1, Nếu họ lấy nhau thì khả năng sinh ra người con mang kiểu gen đồng hợp lặn gây bệnh bạch tạng sẽ có tỉ lệ là bao nhiêu? 1.2, Nếu anh An lấy vợ có kiểu gen đồng hợp trội về tính trạng bạch tạng thì khả năng sinh ra người con mang kiểu gen đồng hợp lặn gây bệnh bạch tạng sẽ có tỉ lệ là bao nhiêu?”.

Câu 2 (3 điểm) có nội dung: “Ở người có bộ nhiễm sắc thể 2n=46. Quan sát hình bên và cho biết. 2.1 Tế bào này đang ở chu kỳ nào của quá trình nguyên phân? Giải thích. 2.2 Số nhiễm sắc thể (đơn/kép), số crômatit và số tâm động? 2.3 Cấu trúc nhiễm sắc 
thể ở kỳ này”.

Câu 3 (3 điểm): “3.1. Em hãy quan sát những hình ảnh sau và cho biết: a. Đây là dạng biến dị nào? b. Bằng mắt thường, em có thể nhận biết dạng biến dị này thông qua những dấu hiệu nào? 3.2 Trong quá trình giảm phân tạo tế bào trứng của người mẹ xảy ra sự không phân li của cặp nhiễm sắc thể 21 ở lần đầu phân bào 1 đã tạo ra một loại trứng mang cả hai nhiễm sắc thể 21 và một loại trứng không có nhiễm sắc thể 21 nào. Khi một trong các tế bào trứng này kết hợp với tế bào tinh trùng bình thường của người bố đã tạo ra hợp tử trisomy 21 (3NST 21), phát triển thành cơ thể mắc hội chứng Down (Đao). Em hãy vẽ sơ đồ giải thích cơ chế hình thành 
hội chứng Down?”.

Câu 4 (2 điểm): “1. Quan sát hình sau và vẽ sơ đồ. 2 Dựa vào mối quan hệ giữa các yếu tố trong sơ đồ trên, em hãy xác định. a. Trình tự của các nucleotit trên mạch bổ sung (mạch 2) của phân tử AND, biết mạch 1 có trình tự các nucleotit như sau:… ATG XXG GTA TGG AAA XTA AXX TGX GGX… b. Trình tự của các nucleotit trên mạch mARN được tổng hợp từ mạch 2 của phân tử AND trên”.

Cùng với câu hỏi là hình ảnh minh họa để học sinh làm bài.

“Các câu hỏi nằm trong nội dung ôn tập”

Sáng 23-12, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Triết – trưởng Phòng GD-ĐT Hóc Môn – cho biết sẽ làm việc với tổ ra đề và trả lời bằng văn bản về các phản ảnh của phụ huynh.

Trong văn bản gửi qua thư điện tử cho Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, Phòng GD-ĐT Hóc Môn cho biết công tác quản lý, ra đề kiểm tra học kỳ I phòng thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh; chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM về hướng dẫn nhiệm vụ chuyên môn năm học 2016-2017, và công văn của sở về tổ chức kiểm tra – ra đề kiểm tra học kỳ I năm học 2016-2017.

Căn cứ vào đó, Phòng GD-ĐT Hóc Môn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức họp triển khai chỉ đạo về kiểm tra học kỳ I. Phòng chỉ đạo những người phụ trách mạng lưới bộ môn họp thống nhất với giáo viên về nội dung ôn tập kiểm tra học kỳ, cấu trúc đề và ma trận đề.

“Việc ra đề tiếp tục thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá, theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng của môn học/khối lớp. Câu hỏi phải rõ ràng, chính xác. Chú ý có các câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với thực tiễn cuộc sống, với tỉ lệ phù hợp, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, để học sinh được bày tỏ chính kiến, phát huy năng lực” – văn bản nêu.

Về đề kiểm tra sinh học lớp 9 mà phụ huynh phản ảnh, Phòng GD-ĐT Hóc Môn nhận định:

“Các câu hỏi đều nằm trong nội dung ôn tập đã thống nhất, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản, phân hóa được năng lực học sinh. Kèm theo câu hỏi là thông tin hình ảnh và đoạn văn bản giúp các em rõ nghĩa câu hỏi, cung cấp thêm kiến thức cho học sinh.

Đề kiểm tra đã thể hiện cấu trúc ma trận ở bốn mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao); câu hỏi/bài tập đánh giá được năng lực và phẩm chất học sinh trong dạy học.

Tuy nhiên, nếu học sinh “học vẹt”, ít tiếp cận kênh thông tin về hình ảnh thì khó đạt điểm cao. Phần thông hiểu, nhận biết có cao hơn mức thông thường. Yêu cầu vận dụng thực tiễn trong đề có nhiều hơn…”.

Sẽ điều chỉnh mức độ ra đề

Cũng theo Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, đến nay có 7/13 trường đã hoàn tất việc chấm bài thi môn sinh. Trong đó, kết quả học sinh đạt yêu cầu có 2/13 trường tỉ lệ trên 80%; có 5/13 trường tỉ lệ từ 60% đến dưới 80%. So với cùng kỳ năm học trước, tỉ lệ đạt yêu cầu có thấp hơn, ước khoảng 10%.

“Như vậy, trong chỉ đạo và thực hiện đổi mới việc ra đề kiểm tra đối với tất cả các trường và trong từng trường, đã có những chuyển biến nhất định. Nhưng có lúc và có nơi chưa thật sự đồng bộ.

Phòng GD-ĐT trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của phụ huynh. Chúng tôi xin rút kinh nghiệm, và sẽ điều chỉnh mức độ ra đề kiểm tra phù hợp hơn trong thời gian tới” – Phòng GD-ĐT Hóc Môn kết luận.

HÀ BÌNH