24/12/2024

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần cơ chế mới để đột phá

Chính phủ cần xác định lại tỉ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh – TP.

 

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần cơ chế mới để đột phá

Chính phủ cần xác định lại tỉ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh - TP. 

 

 

 

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cần cơ chế mới để đột phá
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với các đại biểu bên lề hội thảo Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sáng 23-12 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điều này tạo nguồn lực cho các tỉnh, TP tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giữ ổn định tỉ lệ này hết năm 2020.

Ý kiến này được đại diện TP.HCM - một trong 8 tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) đề xuất tại hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do UBND TP.HCM và Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức sáng 23-12.

Tám tỉnh của Vùng bao gồm TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang 

Theo ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM, chủ tịch Hội đồng VKTTĐPN năm 2015-2016, vùng kinh tế trọng điểm giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

 

Đây là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt phát triển công nghệ cao, công nghiệp điện tử-tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu…

Đánh giá thực trạng liên kết kinh tế VKTTĐPN giai đoạn 2001-2015, ông Phong cho rằng các tỉnh, TP nằm trong vùng đều có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao về chất lượng.

Kinh tế VKTTĐPN giai đoạn 2001-2015 có mức tăng trưởng ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước trên 1,5 lần. GDP khu vực nông – lâm – ngư nghiệp và khu vực công nghiệp – xây dựng theo xu thế giảm dần, tăng dần tỉ trọng GDP khu vực dịch vụ.

Riêng TP.HCM đã tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, tạo ra lợi thế so sánh cho vùng, cung cấp nguồn nhân lực cho các vùng khác của cả nước.

Tuy nhiên phát triển như vậy, nhưng theo ông Phong, VKTTĐPN cũng còn không ít hạn chế, cần được khắc phục. Trong đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch chung xây dựng VKTTTĐPN còn yếu kém, chưa tạo sự gắn kết thống nhất, đồng bộ.

Cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo điều phối phát triển các VKTTTĐ và các tổ điều phối của các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng còn hạn chế trong quá trình điều phối toàn vùng.

Theo ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP.HCM, để VKTTĐPN giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 tiếp tục có những bước đột phá mới, một trong những kiến nghị mà UBND TP muốn đề xuất với Chính phủ là ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm.

Tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng kinh tế trọng điểm.

Có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (giao thông, cảng, bến và kho bãi) và mạng thông tin quản lý (tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế…).

Đặc biệt, Chính phủ cần xác định lại tỉ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh, TP với ngân sách Trung ương, tạo nguồn lực cho các tỉnh, TP tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giữ ổn định tỉ lệ này hết năm 2020.

TRẦN VŨ NGHI