24/01/2025

Di sản sống chung với lũ

Khu di sản văn hoá thế giới Hội An vừa trải qua trận ngập lụt khiến toàn bộ phố cổ ngâm trong nước cả tuần liền, nhưng đây lại là chuyện bình thường suốt mấy trăm năm nay ở vùng hạ lưu Thu Bồn.

 

Di sản sống chung với lũ

Khu di sản văn hoá thế giới Hội An vừa trải qua trận ngập lụt khiến toàn bộ phố cổ ngâm trong nước cả tuần liền, nhưng đây lại là chuyện bình thường suốt mấy trăm năm nay ở vùng hạ lưu Thu Bồn.




 

Khu phố cổ Hội An ngập trong lũ bất thường, ảnh chụp hôm 16.12ẢNH: LÊ THẾ THẮNG

Điều lạ lùng là chưa từng có di tích nào trong khu phố cổ bị sập vì bão lũ.
Với đỉnh lũ 2,53 m, đợt lũ này vẫn chưa phải là lớn nhất so với những trận hồng thủy trong quá khứ: 3,4 m (năm 1964), 3,21 m (tháng 12.1999), 3,01 m (tháng 11.1999), 3 m (năm 2007), 2,97 m (năm 1998), 2,67 m (năm 1975), 2,72 m (năm 2009). Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện lũ lại bất thường, bởi sau 23.10 âm lịch mà có lũ lụt lớn là rất hy hữu.
“Chịu trận” mấy trăm năm
Suốt một thời gian dài, phố cổ Hội An chỉ hư đâu sửa đó vì không có nguồn kinh phí dồi dào như hiện nay, mặc dù vậy đa số di tích trong khu phố cổ vẫn khá vững chãi.


Di sản sống chung với lũ - ảnh 1

Chúng tôi rất quan tâm đến tuổi thọ của di tích và tập trung nhiều cho khu di sản. Thành phố phòng bị sớm, thậm chí ngay từ đầu năm đã lo chuyện lũ lụt

Di sản sống chung với lũ - ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An


Ở nơi ngập lụt đã trở nên chuyện bình thường này, giới nghiên cứu “nhìn” ra kỹ thuật xây dựng và cách lựa chọn vật liệu của người xưa rất phù hợp để ứng phó bão lũ. Tường xây 40 cm, sử dụng gạch thẻ và chất kết dính truyền thống (vôi, mật mía, nhựa bời lời) giúp mùa đông ấm, mùa hè mát và chịu lực tốt; các công trình sử dụng loại gỗ rất tốt, thuộc nhóm 1. Kết cấu sườn, cột tán, mái… và tường san sát nhau cũng tạo nên sự chắc chắn cho cả khu phố. Ngay cả chùa Cầu, trông khá mỏng manh, cũng được tính toán kỹ về kết cấu chịu lực vì xây dựng ngay trên khe nước chảy mạnh.

Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, người xưa đã tính toán rất kỹ các yếu tố kiến trúc, phong thuỷ, địa lý, điều kiện tự nhiên để xây dựng phố cổ, ngay cả những con hẻm nhỏ cũng trở thành lối thoát nước. Ở các hiệu buôn lớn, giữa lầu 1 thường trổ một lỗ lớn thông xuống tầng trệt, để mỗi khi có lũ người dân dùng tời kéo hàng hóa lên cao. Ngôi nhà cổ ở 80 Nguyễn Thái Học của ông Thái Tế Thông, chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân nổi tiếng, cũng “ngâm” hoài trong lũ, cá biệt trận hồng thủy năm 1964 nước lút quá đầu người. “Các tủ gỗ trong nhà tôi bị nước lũ ngâm suốt, nhưng có hề chi, là vì được làm bằng các loại gỗ tốt. Phố cổ “chịu trận” với lũ hàng trăm năm nay rồi, nhưng chưa từng có di tích nhà cổ nào đổ sụp vì lũ”, ông nói.
Ông chủ Vĩnh Tân còn lưu giữ nhiều bức ảnh lũ lụt của phố cổ, trong đó có 3 bức do ông bấm máy hồi năm 1964. “Đó là trận lụt “ngoại hạng”. Tôi đã chụp ảnh xung quanh tuyến đường Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Đằng”, ông kể. Một số bức ảnh ngập lụt nặng khác được Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sử dụng trong cuốn Hội An – ngày ấy, như cảnh lụt năm 1920 do cha của ông Thái Tế Thông chụp, bức ảnh (không ghi năm) của nhà nhiếp ảnh Hứa Văn Bân, hay cảnh lụt trong chùa Bà Mụ năm 1943 do gia đình ông Châu Quang Chương cung cấp…
Di sản sống chung với lũ 1

Cảnh lũ lụt tại Hội An năm 1964 ảnh: tư liệu của hiệuẢNH: VĨNH TÂN

Chống lũ từ sớm
Trong ký ức của ông Thái Tế Thông, ở Hội An chỉ xảy ra một vụ sập nhà hồi năm 1964 do lũ chảy mạnh, nhưng không phải là nhà cổ. “Các di tích đều được tu bổ dần dần, ngày càng vững chãi và đẹp. Tôi mong nhà nước đừng khắt khe quá, để di tích tư nhân đều được trùng tu chắc chắn!”, ông Thông đề xuất.
Sau khi lũ rút, như thường lệ, các chủ di tích thống kê thiệt hại và thông báo đến cơ quan quản lý, cần thiết sẽ trùng tu lớn hoặc chỉ “dặm vá”. Nhưng trên thực tế, đô thị cổ đã lo chống lũ từ… đầu năm. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, mỗi năm TP.Hội An chỉ cần đầu tư chừng 50 triệu đồng mua gỗ chằng chống ở các nhà cổ xuống cấp nhẹ. Riêng khâu kiểm kê di tích thì xúc tiến sớm, giao cho Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An và chính quyền P.Minh An phối hợp để phân loại di tích nào có nguy cơ sụp đổ cần lập hồ sơ trùng tu, hoặc chỉ chằng chống… “Chúng tôi rất quan tâm đến tuổi thọ của di tích và tập trung nhiều cho khu di sản. Thành phố phòng bị sớm, thậm chí ngay từ đầu năm đã lo chuyện lũ lụt”, ông Dũng quả quyết.
Ví von phố cổ Hội An sau mỗi trận lũ giống như người già vừa trải qua một lần bệnh, phải “ăn uống bồi bổ” và sửa sang, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn h Hội An, cho biết khu di sản chưa bao giờ dứt được nỗi lo xuống cấp. Tâm thế “sống chung với lũ” buộc đô thị cổ phải lo từ khâu đơn giản (chằng chống) đến phức tạp (hạ giải, lập dự án trùng tu cấp thiết). Các chủ di tích và đội ngũ quản lý di sản ở Hội An tự tin khi đã “thuộc nằm lòng” và biết bệnh trạng của từng di tích, nên chủ động xử lý. “Chúng tôi dựa theo kinh nghiệm của người xưa, “phòng” chứ không thể “chống” thiên tai. Đương nhiên di tích phải chịu ảnh hưởng bởi tự nhiên, vì thế mình phải tiếp tục bổ sung các phương án bảo tồn”, ông Trung nói thêm.

 

Hứa Xuyên Huỳnh