25/12/2024

Dân Trung Quốc tuồn vốn ra ngoài

Sợ đồng nhân dân tệ rớt giá và chính quyền trung ương dễ dàng ra luật mới về chính sách tiền tệ, nhiều người dân Trung Quốc đang có xu hướng đưa tiền ra nước ngoài bằng mọi cách.

 

Dân Trung Quốc tuồn vốn ra ngoài

Sợ đồng nhân dân tệ rớt giá và chính quyền trung ương dễ dàng ra luật mới về chính sách tiền tệ, nhiều người dân Trung Quốc đang có xu hướng đưa tiền ra nước ngoài bằng mọi cách.

 

 

 

Dân Trung Quốc tuồn vốn ra ngoài
Khai cuộc ở thị trường chứng khoán Hong Kong. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc chọn cách đưa tiền qua nơi này để thoát ra thế giới – Ảnh: Reuters

Từ năm ngoái, ông Zhou Wayne, giám đốc một công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia tại Thượng Hải, cũng như nhiều người khác ở Trung Quốc đã đẩy mạnh việc đưa vốn của mình ra nước ngoài nhằm bảo toàn giá trị 
tài sản.

Năm ngoái, ông Zhou bán hai căn hộ ở Thượng Hải được khoảng 1 triệu USD và chuyển số tiền này ra khỏi Trung Quốc. Hiện tại, ông cũng đang dự tính bán một căn khác.

“Chảy máu” 530 tỉ USD

Thống kê của thời báo tài chính The Financial Times cho thấy chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm nay, dòng chảy vốn từ Trung Quốc ra nước ngoài lên đến 530 tỉ USD.

 

Theo báo The Straits Times, tính đến nay ông Zhou đã chuyển tiền vốn cá nhân vào một số quỹ đầu tư, bên cạnh việc đầu tư tiền vào thị trường chứng khoán ở Hong Kong và Mỹ. Gần đây, ông cũng đang tìm mua bất động sản tại Bờ Tây nước Mỹ.

“Luật thị trường ở Trung Quốc không công bằng. Bất cứ lúc nào chính quyền cũng có thể đưa ra một vài luật mới vào lúc nửa đêm và bạn thậm chí còn không biết. Nhưng sẽ luôn luôn có những người biết trước và thu hồi các khoản đầu tư của họ trước những người khác” – ông Zhou bức xúc bày tỏ.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến ông Zhou muốn nhanh chóng bán bất động sản của mình vì “giá bất động sản ở Trung Quốc đang cao ngất trời”.

Do Trung Quốc chỉ cho phép người dân mua ngoại tệ tối đa 50.000 USD mỗi năm, nên ông Zhou phải nhờ bạn bè và người thân mình mua giúp. Ông cũng nhờ đến các công ty chuyên cung cấp dịch vụ giúp chuyển tiền ra nước ngoài, chủ yếu bằng hoá đơn giả.

Doanh nhân 35 tuổi này còn tiết lộ với tờ The Straits Times rằng ông đang tính toán mua vàng hoặc tiền ảo bitcoin ở Trung Quốc và bán lấy ngoại tệ ở nước ngoài. Việc này có thể sẽ khá khó khăn, bởi báo chí gần đây đưa tin đã có vài dấu hiệu cho thấy chính quyền đang hạn chế nhập khẩu vàng và bắt đầu ngăn chảy vốn bằng bitcoin.

Muôn vàn ngõ lách luật

Thật sự chính quyền Bắc Kinh đã và đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu tiền tệ ra nước ngoài, tuy nhiên người dân vẫn luôn tìm ra rất nhiều cách để lách luật.

Một cách khác để có thể mang tiền ra khỏi Trung Quốc là khai khống giá trị mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc. Ví dụ, một công ty kinh doanh có thể mua hàng, thường từ Hong Kong, trị giá khoảng 1 triệu USD nhưng trả 2 triệu USD. Bằng cách này, công ty đó có thể mang thêm 1 triệu USD ra khỏi Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc cũng mua bảo hiểm như một hình thức chuyển tiền của mình ra nước ngoài. Họ tiến hành việc này bằng cách dùng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ UnionPay mua các hợp đồng bảo hiểm liên quan đến đầu tư có giá trị tối đa 1 triệu USD ở Hong Kong. Một khoản tiền tương đương bằng đồng nhân dân tệ sẽ được trừ vào tài khoản của họ ở Trung Quốc, sau đó họ có thể có được tiền từ các hợp đồng này và gửi đi nơi khác. Đầu năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã phải can thiệp và xem cách thức này là hành vi phi pháp.

Tuy nhiên, không phải là hết cách cho những người nhất quyết mang vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc. Một phương pháp được nhiều người sử dụng là thông qua các công ty trong nước đổ tiền đầu tư ra nước ngoài trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, bất động sản hay thậm chí là các CLB bóng đá ở châu Âu. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt gần 146 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm nay, cao hơn năm ngoái 53%.

Chính quyền cũng không khoan nhượng với hình thức này. Cuối tháng trước, truyền thông đưa tin Bắc Kinh có thể sẽ kiểm tra nghiêm ngặt hơn các trường hợp đầu tư nước ngoài. Một trong những biện pháp có thể được áp dụng là yêu cầu các công ty phải nộp đơn xin phép trước khi chuyển số tiền nhiều hơn 5 triệu USD ra nước ngoài. Ngoài ra, các thương vụ ở nước ngoài với giá trị trên 1 tỉ USD cũng sẽ được quản lý chặt chẽ.

Kiểm soát gắt gao hơn

Ông Gerard Burg, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Quốc gia Úc, nhận định Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cố gắng bảo vệ đồng nhân dân tệ bằng cách bơm rất nhiều dự trữ ngoại hối vào thị trường. “Dự trữ ngoại hối đã giảm từ 4.000 tỉ USD giữa năm 2014 còn khoảng 3.000 tỉ USD ở thời điểm hiện tại” – ông Burg phân tích.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Li Daokui từ Đại học Thanh Hoa cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo The Securities Times rằng “chảy máu vốn” ra nước ngoài sẽ là một trong những mối nguy lớn và là một mối quan tâm trọng yếu cho kinh tế Trung Quốc trong năm tới. “Cần phải có nhiều biện pháp kiểm soát vốn hơn nữa” – ông kết luận.

“Tôi đã bắt đầu chuyển tiền của mình ra khỏi Trung Quốc từ nhiều năm trước. Tôi cảm thấy đầu tư tiền ra nước ngoài an toàn hơn

ZHOU WAYNE (giám đốc một công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia tại Thượng Hải)

 
NGỌC ĐÔNG