25/12/2024

Học trò sáng chế xe thu gom nông sản tự động

Y Na Hôm Kbuôr (lớp 9A Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Cư M’gar) sáng chế mô hình “Chiếc xe đa năng tự động hoá quy trình thu gom, đảo, trộn, trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác”.

 

Học trò sáng chế xe thu gom nông sản tự động

 Y Na Hôm Kbuôr (lớp 9A Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Cư M’gar) sáng chế mô hình “Chiếc xe đa năng tự động hoá quy trình thu gom, đảo, trộn, trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác”.

 

 

 

Học trò sáng chế xe thu gom nông sản tự động
Bạn Y Na Hôm Kbuôr đưa mô hình xe đa năng thu gom cà phê – Ảnh: TRẦN XIN

 Với mô hình “Chiếc xe đa năng tự động hóa quy trình thu gom, đảo, trộn, trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác”, bạn Y Na Hôm Kbuôr (lớp 9A Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Cư M’gar) giành giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV năm 2016.

Mô hình còn đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS do Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức và giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2016.

Xe tích hợp nhiều dụng cụ lao động

Y Na Hôm Kbuôr cho biết ở xã Cư M’gar nơi bạn sống, hầu hết các gia đình ở đây đều làm nông là chính, phần lớn nguồn thu nhập là cà phê, hồ tiêu và một số loại nông sản khác như ngô, đậu, lúa, hạt điều…

 

“Gia đình mình cũng làm nông nên mình thấy các loại nông sản trên khi thu hoạch về nhà đều phải được phơi khô. Đặc biệt thu hoạch vào mùa mưa (trừ hồ tiêu, điều) thì việc thu gom, phơi, trở và chở vào kho cất giữ bằng dụng cụ lao động thô sơ truyền thống phải tốn sức, mất nhiều thời gian. Nhiều dụng cụ phục vụ, tiến trình chậm và chỉ phù hợp với những người có sức khoẻ mới làm được” – Y Na 
Hôm Kbuôr nói.

Cũng theo Y Na Hôm Kbuôr, hiện tại trên thị trường vẫn có xe tự thu gom, có lò sấy, máy hút, hầm hút, có băng tải… nhưng chỉ áp dụng cho các đại lý thu mua với số lượng lớn hay các công ty chứ ở những hộ gia đình vẫn chưa áp dụng được vì kinh phí quá lớn so với sản phẩm thu nhập.

Mặt khác, các loại máy này thường lớn, cồng kềnh nên khó khăn khi sử dụng cho các hộ gia đình vì diện tích sân phơi thường rất nhỏ. Từ công việc lao động hằng ngày, Y Na Hôm Kbuôr nảy ra ý tưởng thiết kế một chiếc xe đa năng để tích hợp tất cả các dụng cụ lao động như cào xe đẩy, bừa răng cào, trang kéo, trang đẩy… dùng cho thực hiện quy trình trên một cách nhanh chóng hơn, gọn hơn. Sau khi lên kế hoạch nghiên cứu, tháng 9-2014 bạn bắt tay vào thực hiện.

Tự dành dụm tiền để sáng chế

Chi phí từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành mô hình đưa vào thử nghiệm thành công là 1,3 triệu đồng. Đối với một học sinh lớp 9 như Y Na Hôm Kbuôr thì đây là một số tiền rất lớn.

“Số tiền dành dụm được trong các dịp tết mình đã dùng để mua được một bánh xe hơi cũ, một đinamô phát điện và thiết bị kích sạc bình. Một số nguyên vật liệu để chế tạo mô hình mình tận dụng lại từ chiếc xe cút kít (xe đẩy), tấm tôn, bừa cào răng, cào đảo cũ của gia đình” – Y Na Hôm Kbuôr nói.

Được nhà trường và gia đình hỗ trợ thêm về kinh phí, Y Na Hôm Kbuôr đã mua được những nguyên vật liệu phục vụ sáng chế như động cơ có mômen khởi động, tua chậm, lực quay mạnh, bình ăcquy 12V – 5A (lấy ra từ xe máy), công tắc đóng ngắt mạch điện khi vận hành xe, bộ phanh hãm xe, nhông giảm tốc…

Trong quá trình thực hiện, bạn cũng trải qua nhiều lần thất bại. Ban đầu do lắp đặt độ nghiêng của chiếc cào chưa hợp lý nên lượng nông sản gom lại không sạch, độ dài của lưỡi cào quá ngắn nên lượng nông sản gom được rất ít. Mặt khác lưỡi cào, lưỡi bừa bị vướng, không phù hợp với nhiều đối tượng lao động có chiều 
cao khác nhau.

“Khi dùng xe, do hệ thống truyền chuyển động được lắp trực tiếp trên trục bánh xe nên trong một số trường hợp không cần sự hỗ trợ của động cơ thì bộ phận này lại gây ra lực cản. Để khắc phục, mình đã cải tiến thêm chức năng có thể ngắt hệ thống truyền chuyển động ra khỏi trục bánh xe khi không sử dụng động cơ” – Y Na 
Hôm Kbuôr nói.

Thầy Trần Xin, giáo viên môn vật lý Trường THCS Cao Bá Quát – người hướng dẫn cho Y Na Hôm Kbuôr, cho biết khi sử dụng xe đa năng để thu gom cà phê, tiêu và các loại nông sản khác, lượng sản phẩm được gom rất sạch trên sân, không tốn sức của người lao động, thực hiện quy trình rất nhanh.

“Không cần phải dùng sức giữ thăng bằng, chiếc xe chỉ cần dùng lực đẩy vì thế việc vận chuyển cà phê trong bao hay dạng hạt rất nhẹ nhàng” – thầy Trần Xin nói.

Xe đa năng trên ngoài việc sử dụng cho các công việc sản xuất nông nghiệp, còn có thể sử dụng vào các công việc khác của gia đình như vận chuyển hàng hoá, các vật dụng, vật liệu xây dựng…, với kích thước nhỏ gọn, phù hợp với không gian của gia đình.

Xe đa năng nhờ có cặp bánh xe tiếp xúc với mặt nền, nên con người giảm đi sức nâng của dụng cụ lao động khi làm việc. Khi không sử dụng nữa, có thể cất vào kho gọn, nhẹ, không chiếm không gian nhà kho, thời gian 
sử dụng lâu dài.

Học ở lớp 
và qua sách báo

Y Na Hôm Kbuôr cho biết để hoàn thành mô hình sản phẩm này bạn chủ yếu vận dụng kiến thức đã học trên lớp, kết hợp nghiên cứu qua tài liệu và sách báo thu thập thông tin số liệu. Đồng thời áp dụng nhóm phương pháp toán học như tính toán số liệu, kích thước các bộ phận cho phù hợp với thực tế.

“Sắp tới, em sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu thêm một số chức năng cho dụng cụ như chổi quét, băm đất, cày luống” – Y Na Hôm Kbuôr chia sẻ.


THÁI THỊNH