ĐHQG TP.HCM tuyển sinh: thí điểm đánh giá năng lực một số ngành
Thông tin trên được ban giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM công bố tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 và phương hướng tuyển sinh 2017 diễn ra chiều 20-12.
ĐHQG TP.HCM tuyển sinh: thí điểm đánh giá năng lực một số ngành
Thông tin trên được ban giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM công bố tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 và phương hướng tuyển sinh 2017 diễn ra chiều 20-12.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2016 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, năm 2017 ĐH này không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chung cho toàn thể các trường thành viên.
Tuy nhiên, ĐHQG TP.HCM có thể tổ chức thí điểm ở một vài trường thành viên. ĐHQG TP.HCM sẽ thông báo cho thí sinh được biết trong thời gian sớm nhất.
“Kỳ thi đánh giá năng lực này chỉ để tuyển thêm thí sinh chứ không phải là điều kiện tiên quyết xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM. Như vậy, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức khác theo quy định của ĐHQG TP.HCM, bên cạnh một vài ngành ở một vài trường có xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm một cơ hội xét tuyển” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
4 phương thức xét tuyển
Căn cứ tình hình tuyển sinh 2016, dự thảo phương án tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã ban hành, ĐHQG TP.HCM dự kiến phương án tuyển sinh 2017 như sau: điều kiện chung dành cho tất cả thí sinh muốn tham gia xét tuyển vào các đơn vị thành viên của ĐH này là phải tốt nghiệp THPT, có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên đối với trình độ ĐH, từ 6,0 trở lên đối với trình độ CĐ.
Về tổ hợp môn xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tất cả đơn vị thành viên của ĐHQG TP.HCM vẫn tiếp tục sử dụng các tổ hợp môn thi năm 2016.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin đề xuất xét thêm tổ hợp D01 (toán, văn, tiếng Anh) và Trường ĐH Kinh tế – luật thêm tổ hợp toán, ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (chia điểm trung bình).
Dành tối đa 20% chỉ tiêu thi đánh giá năng lực
TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM, cho biết thêm kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến do trung tâm này tổ chức. Đơn vị này đã chuẩn bị xây dựng ngân hàng đề thi gần một năm qua.
“Đó là bài thi mang tính tổng hợp gồm phần câu hỏi tự luận làm trong thời gian 30 phút và 100 câu trắc nghiệm làm trong thời gian 150 phút. Nội dung đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt, năng lực sử dụng tiếng Anh, tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề về khoa học xã hội…” – ông Chính chia sẻ.
Tiết lộ thêm về đề thi, TS Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định các câu hỏi thi đánh giá năng lực không lặp lại các câu hỏi các môn thi THPT quốc gia. Đề thi sẽ cung cấp toàn bộ dữ liệu, không đòi hỏi thí sinh phải nhớ kiến thức mà yêu cầu thí sinh phải xử lý kiến thức đó bằng năng lực của mình.
Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ của ĐHQG TP.HCM năm 2017 cơ bản không tăng, khoảng 13.000. Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa vẫn tiếp tục tuyển sinh bậc CĐ. Đối với các trường có tuyển sinh theo phương thức thi đánh giá năng lực chỉ được dành tối đa 20% chỉ tiêu của ngành có xét tuyển theo phương thức này.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều khả năng có hai trường xét tuyển thêm phương thức này là Trường ĐH Quốc tế và Trường ĐH Bách khoa. ĐHQG TP.HCM đang tổ chức thẩm định đề án tuyển sinh của các trường để quyết định cho phép thí điểm tuyển sinh thêm phương thức mới.
“Hiện nay có nhiều phương án thi đánh giá năng lực, ban giám đốc ĐHQG TP.HCM đang tiến hành thẩm định để cân nhắc quyết định chọn phương án, sau đó sẽ công bố đề án tuyển sinh chính thức” – ông Nghĩa cho hay.
Đề nghị hạn chế nguyện vọng đăng ký xét tuyển
Cũng tại hội nghị này, đại diện nhiều trường ĐH đã tỏ ra băn khoăn với dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy vừa được Bộ GD-ĐT công bố. TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho rằng có thể cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải có giới hạn thay vì không có điểm dừng.
“Đọc dự thảo quy chế tôi vẫn chưa rõ về kỹ thuật, bộ cung cấp hệ thống thông tin chung, trường xác định điểm và số lượng thí sinh trúng tuyển nhưng với kỹ thuật hiện tại trường không biết gọi bao nhiêu thí sinh trúng tuyển. Trong trường hợp xét tuyển chung sẽ rất khó xác định ảo, nên có sự chung càng nhiều càng tốt để loại trừ thí sinh ảo” – ông Thông nói.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho rằng nếu bộ không giới hạn nguyện vọng sẽ rối cho các trường lẫn thí sinh. Vì càng nhiều nguyện vọng thí sinh sẽ chọn ngành cho được học ĐH, tá túc một năm rồi bỏ học.
Theo ông Quang, cần kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ cho phép được đăng ký nguyện vọng tối đa bốn trường, mỗi trường một ngành để vừa thuận lợi cho các trường, vừa yêu cầu thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Dự kiến sẽ có 4 phương thức xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM 1. Dự kiến dành 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành để xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2017 của Bộ GD-ĐT. 2. Ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu các trường ĐH, tỉnh thành trên cả nước với chỉ tiêu dự kiến từ 10 -15% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành. Điều kiện: tốt nghiệp THPT năm 2017; đạt danh hiệu học sinh giỏi trong năm lớp 10, 11, 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; có hạnh kiểm tốt trong ba năm THPT; Chỉ áp dụng một lần đúng năm học sinh tốt nghiệp THPT; học sinh được đăng ký ưu tiên xét tuyển vào một ngành của một trường thành viên, khoa trực thuộc của ĐHQG TP.HCM. Dự kiến thời gian nhận hồ sơ từ ngày 15-5 đến 15-6-2017. 3. Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2017 với chỉ tiêu dự kiến 80-85% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành, theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM. 4. Kỳ thi đánh giá năng lực triển khai thí điểm trên quy mô nhỏ ở một vài trường ĐH thành viên. |