25/01/2025

Trắng tay sau lũ

Liên tiếp hứng chịu 5 đợt lũ từ giữa tháng 11 đến nay, hàng ngàn nông dân Bình Định rơi vào cảnh trắng tay. Còn ở nhiều tỉnh miền Trung và Tây nguyên thiếu giống để canh tác.

 

Trắng tay sau lũ

Liên tiếp hứng chịu 5 đợt lũ từ giữa tháng 11 đến nay, hàng ngàn nông dân Bình Định rơi vào cảnh trắng tay. Còn ở nhiều tỉnh miền Trung và Tây nguyên thiếu giống để canh tác.



Mai tết của nông dân TX.An Nhơn (Bình Định) bị ngâm trong lũ /// Ảnh: Hoàng Trọng

 

Mai tết của nông dân TX.An Nhơn (Bình Định) bị ngâm trong lũẢNH: HOÀNG TRỌNG

Sáng 19.12, lũ vừa rút đi, bà Nguyễn Thị Chánh (66 tuổi, ở thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước) tức tốc ra đồng thấy 3 sào ruộng của mình vừa gieo sạ đã hỏng hoàn toàn. Bà Chánh chạy ngược lên đám đậu phụng mới trồng thì đậu cũng chết thối do ngâm lũ nhiều ngày. Tại xã Phước Hiệp, rất nhiều cánh đồng bị sa bồi, thủy phá.
Nhiều đám ruộng bị thủy phá quá nặng, nông dân không có tiền khôi phục nên dự tính sẽ bỏ hoang. “Mới thống kê sơ sơ ở những nơi nước rút thì xã Phước Hiệp đã có 25 ha bị sa bồi, 127 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Nông dân Phước Hiệp chuyên trồng hoa màu để phục vụ tết nhưng giờ thì mất trắng”, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết.
Tại H.Phù Cát, nước lũ rút để lộ ra những cánh đồng đầy cát bồi lấp, kênh mương bị sạt lở. Ở những nơi lũ đi qua, ruộng bị khoét thành những hố sâu. Nhiều đám ruộng nông dân đã gieo sạ một hoặc hai lần đều bị hỏng. Hàng trăm nông dân ở H.Phù Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ trắng tay vì kiệu tết hỏng do ngâm trong lũ nhiều ngày. Vụ kiệu tết năm nay, H.Phù Mỹ trồng 714 ha. Nông dân trồng rau ở H.Tây Sơn, trồng mai tết ở TX.An Nhơn… cũng phải chịu một vụ mùa thất bát do mưa lũ kéo dài. Sau lũ, hầu hết những làng cúc ở P.Bình Định (TX.An Nhơn) đều tan hoang, đứng trước nguy cơ mất trắng. Theo chính quyền địa phương, nông dân P.Bình Định bị thiệt hại đến khoảng 100.000 chậu cúc.
Đến ngày 19.12, tỉnh Bình Định đã thống kê được 5.847 ha lúa vừa gieo sạ và 1.732 ha hoa màu hư hỏng; 4.825 tấn lương thực bị ngập nước; 551 ha diện tích đất bị xói lở, vùi lấp… Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, ngành nông nghiệp tỉnh thiệt hại gần 700 tỉ đồng (gồm 600 tỉ đồng thiệt hại về hạ tầng, 40 tỉ đồng thiệt hại về lúa giống…) do các đợt mưa lũ gây ra. Hôm qua, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ.
“Khát” giống sản xuất nông nghiệp
Ngày 19.12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cương chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ bàn giải pháp khôi phục sản xuất vụ xuân tại các tỉnh nam Trung bộ, Tây nguyên sau mưa lũ.
Trong số 33.000 ha lúa đã gieo trồng ở nam Trung bộ và Tây nguyên, có khoảng 24.036 ha bị hỏng; diện tích rau màu bị thiệt hại, tính cả ngô là 18.869 ha, ngoài ra còn có trên 1.110 ha cây ăn quả lâu năm và hơn 6.458 ha cây công nghiệp ngắn ngày.
Theo Cục Trồng trọt, gần như toàn bộ 8 tỉnh nam Trung bộ có đề nghị hỗ trợ về giống sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh Bình Định đề nghị hỗ trợ toàn bộ các loại giống; tỉnh Khánh Hoà xin hỗ trợ 800 tấn lúa, 26 tấn giống ngô và rau màu; tỉnh Bình Thuận xin hỗ trợ 700 tấn lúa; Lâm Đồng xin hỗ trợ 500 tấn lúa và 100 tấn ngô… Trước đề nghị từ các địa phương, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết giống ngô, rau hỗ trợ cho các địa phương chỉ có thể đảm bảo một phần, còn giống lúa đang mất cân đối 1.700 tấn so với yêu cầu. Nếu huy động thêm từ các doanh nghiệp có thể cung cấp thêm 4.230 tấn lúa giống, 1.520 tấn ngô và trên 400 tấn rau các loại.
Triều cường uy hiếp nhiều khu dân cư
Trong những ngày qua, do không khí lạnh kết hợp với triều cường tạo ra những đợt sóng cao hơn 5 m gây sạt lở công trình kè chống xói lở ven bờ biển khu vực xóm Rớ đang thi công giai đoạn 2 tại P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa (Phú Yên), uy hiếp khu dân cư xóm này.
Đất, đá cùng gần 1.500 cấu kiện bê tông ngăn sóng tạm thời với chiều dài hơn 100 m bị triều cường phá hủy, cuốn trôi ra biển hoặc bị cát vùi lấp, gây xâm thực bờ biển và các đường Đinh Tiên Hoàng, Trần Kiệt. Bên cạnh đó, triều cường cũng đã vào sâu trong cửa sông Đà Nông, uy hiếp nhiều hộ dân ở xóm Lăng, xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên) và khoét sâu vào móng, gây nứt toàn bộ căn nhà của Trạm biên phòng Đà Nông (thuộc Đồn biên phòng Hòa Hiệp Nam, Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên).
Trong khi đó, đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Ngọc Tem (H.Kon Plông, Kon Tum) ngày 19.12 đã bị lở đứt hoàn toàn nền đường.
Đức Huy – Phạm Anh


 

Hoàng Trọng – Hoàng Phan