26/12/2024

Nông dân kêu phí bản quyền lúa giống quá cao

Trong khi nhiều đại lý kinh doanh giống lúa thơm RVT và nông dân ĐBSCL “kêu trời” do doanh nghiệp (DN) đòi phí bản quyền, các chuyên gia cho rằng nên xem lại mức phí hợp lý hơn, thay vì áp mức phí quá cao.

 

Nông dân kêu phí bản quyền lúa giống quá cao

Trong khi nhiều đại lý kinh doanh giống lúa thơm RVT và nông dân ĐBSCL “kêu trời” do doanh nghiệp (DN) đòi phí bản quyền, các chuyên gia cho rằng nên xem lại mức phí hợp lý hơn, thay vì áp mức phí quá cao.

 

 

 

Nông dân kêu phí bản quyền lúa giống quá cao
Dù đánh giá cao giống lúa RVT, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nếu áp mức phí bản quyền quá cao, tăng thêm gánh nặng cho nông dân, khi đó ít người sử dụng sẽ làm giảm cơ hội phổ biến loại giống này – Ảnh: C.QUỐC

Trong văn bản vừa được gửi các trung tâm giống ở ĐBSCL, Công ty CP Giống cây trồng trung ương khẳng định giống lúa RVT thuộc bản quyền của công ty, được công nhận chính thức và được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.

Do đó, các trung tâm giống ở ĐBSCL không được phép sản xuất kinh doanh, bán giống bản quyền dưới mọi hình thức mà chưa được phép.

Nếu hợp tác, các đơn vị phải trả tiền bản quyền và chi phí sử dụng bao bì với số tiền 1.000 đồng/kg và phải quyết toán chi phí với công ty theo từng vụ.

Giảm sử dụng giống RVT do phí bản quyền?

 

Trong vụ đông xuân năm 2015, hơn một nửa diện tích trồng lúa tại Sóc Trăng đều được người dân trồng giống lúa RVT bởi bán được giá và có lời. Tuy nhiên, nhiều đại lý kinh doanh cho biết hiện không có giống để bán cho mùa vụ đông xuân năm nay.

Theo một chủ đại lý kinh doanh lúa giống tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), sau khi có thông báo trên, các đại lý trên địa bàn hầu như không được cung cấp loại giống này, dù nhiều người dân đến tìm mua.

Trong khi đó, nhiều nông dân tại Bạc Liêu cũng lo lắng trước thông tin phí bản quyền giống lúa RVT.

Ông Trần Văn Ngỗ – chủ nhiệm HTX Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) – cho biết do giống lúa này dễ trồng, ít sâu bệnh và giá lúa bán được luôn cao hơn khoảng 500 đồng/kg so với các giống lúa khác, nên toàn bộ diện tích lúa của HTX này (khoảng 300ha) đều trồng giống lúa RVT, với nhu cầu 40-50 tấn giống/vụ.

Theo ông Ngỗ, nếu việc thu tiền tác quyền 1.000 đồng/kg được thực hiện, giá lúa giống sẽ còn đẩy lên cao hơn nữa.

Theo nông dân Đặng Minh Phúc (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), thời gian qua nông dân tại địa phương đều chọn giống lúa này, dù lúa giống được bán với giá cao trên 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông dân phải chuyển sang sử dụng giống lúa khác do chuyện phí bản quyền.

Ông Trịnh Hoàng Việt – giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An – cho biết dù phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ĐBSCL, nhưng giống lúa RVT không còn được nông dân tại Long An sử dụng, do các điểm kinh doanh giống cây trồng tại địa phương không sản xuất giống RVT vì sợ vi phạm.

Trong một văn bản vừa gửi các thành viên Chi hội giống cây trồng ĐBSCL, ông Phan Văn Liêm – chi hội trưởng – đề xuất ý kiến đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận giống lúa RVT là giống lúa sở hữu tập thể ở ĐBSCL với lý do giống này mới chỉ được công nhận ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung bộ.

Tại một văn bản khác gửi Công ty Giống cây trồng trung ương, ông Liêm cho rằng mức phí bản quyền lên tới 1.000 đồng/kg là quá cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân cũng như việc tiêu thụ giống lúa này.

Nên xem xét 
lại phí bản quyền

Cũng trong văn bản gửi Công ty Giống cây trồng trung ương, ông Phan Văn Liêm – chi hội trưởng Chi hội giống cây trồng ĐBSCL – đề nghị DN này nên xem xét lại mức phí, có thể lấy mức phí 200 đồng/kg như một DN khác trên địa bàn.

Ông Trần Ngọc Ẩn, giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp Tiền Giang, cũng cho rằng giá lúa giống này hiện đang được bán ra khá cao, hiện vào khoảng 16.000-17.000 đồng/kg tại Tiền Giang, nếu DN tiếp tục thu phí bản quyền chỉ gây khó cho nông dân.

Tương tự, ông Lê Văn Hoàng – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An – cho biết mỗi năm toàn tỉnh Long An tiêu thụ từ 40-50 tấn lúa giống RVT, việc thu tiền bản quyền với mức khá cao như DN thông báo, nông dân khó kham nổi.

Theo ông Hồ Quang Cua – nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vụ đông xuân năm 2015, toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 76.000ha trồng lúa RVT, còn vụ hè thu có gần 30.000ha vì trúng giá, giống lại chịu mặn, phèn tốt, ăn ngon.

Do đó, với mức phí bản quyền lên tới 1.000 đồng/kg, số tiền DN giữ bản quyền thu được của riêng nông dân sẽ khá lớn, chưa nói đến toàn bộ khu vực ĐBSCL.

“Với mức thu phí 1.000 đồng/kg giống, tức vào khoảng 120.000 – 150.000 đồng/ha. Nếu 300.000 – 400.000ha trồng lúa tại ĐBSCL sử dụng loại giống này, công ty sẽ thu khoảng 40-50 tỉ đồng/năm” – ông Cua tính toán.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Bảnh, cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (nguyên viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL), cho rằng việc nhân tạo giống lúa có chất lượng cao phù hợp nhằm phục vụ sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị hạt gạo cần được ghi nhận.

Do đó, việc thu tiền bản quyền nhằm bù đắp chi phí và tiếp tục nghiên cứu tạo ra thêm loại giống lúa tốt phục vụ sản xuất là cần thiết. Tuy nhiên, mức thu 1.000 đồng/kg là quá cao.

“Với 20.000 tấn giống, DN thu 20 tỉ đồng, cần tính toán lại” – 
ông Bảnh nói.

Cũng theo ông Bảnh, việc thu bản quyền quá cao không chỉ làm phát sinh thêm gánh nặng cho nông dân mà bản thân giống lúa này cũng khó phát triển đại trà, bởi nông dân sẽ chọn giống khác.

Hơn nữa, theo ông Bảnh, giống lúa RVT mới chỉ được công nhận ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung bộ, chưa được Bộ NN&PTNT công nhận ở ĐBSCL nên việc thu phí bản quyền cũng cần được nghiên cứu kỹ.

Cùng quan điểm, ông Lê Phước Đức, phó tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết với giống lúa mà DN này phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu sản xuất, hai bên thống nhất chỉ thu phí bản quyền giống lúa hàng hóa là 200 đồng/kg.

Mức thu này chủ yếu để bù đắp chi phí nghiên cứu sản xuất và để tiếp tục chọn tạo ra thêm những giống lúa phù hợp có chất lượng tốt khác.

“Quan điểm của chúng tôi là luôn cố gắng tạo ra giống lúa có ưu thế và chất lượng cao, giá thành hạ để phục vụ nông dân, trên cơ sở hài hòa quyền lợi của các bên sản xuất. Đồng thời mong muốn nó được sử dụng rộng rãi hơn để góp phần nâng cao giá trị lúa gạo VN, vì lợi ích chung, chứ không đặt vấn đề đòi hỏi tiền bản quyền” – ông Đức khẳng định.

Bà Trần Kim liên (chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng trung ương):

Phải tôn trọng bản quyền

RVT là giống lúa có gen thơm và hiện đang được xuất khẩu số lượng lớn. Tại ĐBSCL, chúng tôi đang bán giống này với giá 13.800 – 14.000 đồng/kg, nên bảo rằng lúa này được bán với giá cao là không đúng.

Hơn nữa, giá lúa giống có mặt bằng chung, chúng tôi bán một mình một giá cũng không có ai mua.

Vấn đề ở chỗ việc kinh doanh phải tuân thủ theo quy định, tức là phải duy trì giống gốc và kiểm soát được chất lượng.

Tuy nhiên, văn bản của chúng tôi không can thiệp việc nhân giống ở các nông hộ, nhưng cơ sở có đăng ký kinh doanh mà đang kinh doanh giống lúa này phải liên lạc với chúng tôi, đơn vị có bản quyền để cùng hợp tác, theo hướng cùng tham gia kinh doanh giống lúa này.

Việc thu phí bản quyền, khoảng 1.000 đồng/kg, bao gồm các loại chi phí như kiểm nghiệm chất lượng, cung cấp bao bì… Tất cả nhằm kiểm soát chất lượng gạo trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Muốn chất lượng gạo ngon và đồng đều, phải tuân thủ quy trình giám sát chất lượng và tôn trọng bản quyền, vì sự phát triển nhưng cũng phải tập làm theo đúng luật của quốc tế. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi cũng chưa thu phí của các đơn vị kinh doanh giống lúa này.

LAN ANH

CH.QUỐC – S.LÂM – 
TH.TÚ – Đ.VỊNH