Quy chế tuyển sinh 2017, lo lắng vụ “bỏ điểm sàn”
Đó là ý kiến của đại diện các trường khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới trong tuyển sinh năm nay, vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
Quy chế tuyển sinh 2017, lo lắng vụ “bỏ điểm sàn”
Đó là ý kiến của đại diện các trường khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới trong tuyển sinh năm nay, vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2016 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, dự kiến năm 2017 bộ sẽ bỏ “điểm sàn” trong tuyển sinh ĐH. Theo đó, điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, thí sinh có thể lựa chọn thoải mái số lượng nguyện vọng khi tham gia xét tuyển chứ không giới hạn số nguyện vọng. Điều này có nghĩa là thí sinh không chỉ được đăng ký một vài nguyện vọng như trước, mà có thể cùng lúc đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành, trường khác nhau.
TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM):
“Điểm sàn” còn có ý nghĩa định hướng, phân luồng học sinh
Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 đã xóa bỏ mức ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH hay còn gọi là “điểm sàn” là điểm mới. Bên cạnh ý nghĩa là mức đảm bảo chất lượng đầu vào, quy định “điểm sàn” ĐH nhằm định hướng thí sinh, nếu có mức điểm không đạt mức tối thiểu này thay vì cố tìm một suất học ĐH thì nên đi vào các trường CĐ hoặc TCCN sẽ thuận lợi và tốt hơn cho thí sinh.
Nếu năm nay bỏ “điểm sàn”, đồng thời không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển thì nhiều khả năng có nhiều thí sinh điểm thấp thay vì chọn học CĐ, TCCN thì họ sẽ vào một ngành nào đó không thu hút thí sinh ở bậc ĐH. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người học không phát huy được năng lực sở trường của mình. Đây là điều mà Bộ GD-ĐT cần lưu ý và nên chăng để thí sinh phân luồng vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Việc không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển, điều này sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nhưng có nên không? Theo dự thảo quy chế, thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả, có nên cho thí sinh được rộng rãi đăng ký nguyện vọng? Việc này sẽ tăng tính phức tạp cho khâu xét tuyển của các trường.
Việc không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển khiến thí sinh không có trách nhiệm gì dẫn đến hệ thống số liệu phức tạp. Như vậy, khi các trường xét tuyển thí sinh nào đủ điểm sẽ trúng tuyển, sau đó hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ lọc ra thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng ở thứ tự cao nhất. Nên chăng cần quy định số nguyện vọng xét tuyển vừa phải vì thí sinh đã được thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi rồi.
Trước đây, bộ có định hướng tạo tự chủ cho các trường trong tuyển sinh cũng như khuyến khích các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng để tuyển thí sinh phù hợp với ngành, trường. Nhưng với dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay sẽ thực hiện xét tuyển toàn hệ thống, như vậy sẽ gây khó khăn cho các trường có đề án tuyển sinh riêng hoặc kỳ đánh giá năng lực riêng của trường.
TS Trần Đình Lý (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Nhiều thí sinh không sử dụng hết quyền trợ giúp về số nguyện vọng
Việc bỏ “điểm sàn” ĐH sẽ có hai mặt. Thứ nhất, điều này sẽ đón nhận của thí sinh, phụ huynh là quy chế theo hướng mở, tùy các trường quyết định chất lượng đầu vào. Nhưng mặt ngược lại, điều này sẽ phủ nhận việc lâu nay Bộ GD-ĐT “điểm sàn” là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Lẽ ra khung tám bậc vừa ban hành sẽ được hiểu: đầu ra bậc dưới sẽ là đầu vào bậc trên. Do đó, nên có ngưỡng cho bậc CĐ là tốt nghiệp THPT; ngưỡng cho ĐH phải cao hơn.
Việc không giới hạn số nguyện vọng, nghe qua thì thấy dự thảo quy chế đang hướng đến đảm bảo quyền lợi một cách tối đa cho thí sinh. Nhưng điều này theo tôi không cần thiết. Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua, có nhiều thí sinh không sử dụng hết quyền trợ giúp về số nguyện vọng tối đa.
Về phía Bộ GD-ĐT, các trường và thí sinh rất muốn sự hỗ trợ tích cực trong việc xác định nguồn tuyển thông qua “điểm sàn”; cung cấp dữ liệu thí sinh với các mức điểm theo các tổ hợp xét tuyển; hỗ trợ công khai chỉ tiêu và năng lực tuyển sinh, đào tạo của các trường; hỗ trợ phần mềm (nếu trường có nhu cầu); trường nào có phần mềm xét tuyển tốt và đã có kinh nghiệm thì được chủ động lấy dữ liệu để xét tuyển. Như vậy các trường sẽ tự chủ và tự chịu trách nhiệm rất cao. Khi đã chủ động thì sẽ thuận tiện.
PGS.TS Đồng Văn Hướng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):
Tốt nghiệp THPT là có thể vào học ĐH
Hiện nay, việc quy định “điểm sàn” trong tuyển sinh ĐH, CĐ đang có hai luồng ý kiến: một nửa cho rằng cần giữ lại “điểm sàn”, nửa còn lại yêu cầu bỏ “điểm sàn”. Cá nhân tôi cho rằng nếu người học đã tốt nghiệp THPT là có thể đủ điều kiện để vào học ĐH. Tuy nhiên, để vào được trường ĐH nào thì phải do chính trường đó quy định riêng.
Theo đó, trường có chất lượng cao sẽ có tiêu chuẩn yêu cầu cao hơn. Còn việc dự thảo quy chế tuyển sinh không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển cũng tạo thuận lợi cho thí sinh. Chúng ta cần xác định người học chọn nghề chứ không phải chọn trường nhưng lâu nay người học thường “bị ép” chọn trường chứ không phải chọn nghề. Việc này dẫn đến sau khi trúng tuyển vào học, sinh viên nhận ra mình không thích ngành học phải bỏ học rất nhiều.
Việc cho phép thí sinh chọn nhiều trường sẽ tạo cơ hội cho thí sinh chọn được ngành học phù hợp, yêu thích. Tuy nhiên, khi cho phép thí sinh được chọn nhiều trường trong xét tuyển sẽ gây tình trạng trúng tuyển ảo nhiều, các trường sẽ vất vả hơn trong công tác tuyển sinh.
PGS.TS Trần Văn Tớp (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội): Vẫn nên có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào Để theo học được ĐH, thí sinh phải đạt được trình độ nhất định mà chúng ta vẫn gọi là “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”. Tốt nghiệp THPT cũng được coi là một mức ngưỡng, nhưng lấy đó làm điều kiện để xét thí sinh đủ trình độ theo học ĐH thì có lẽ chưa ổn. Theo tôi, bộ vẫn nên đặt ra một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong tuyển sinh ĐH như điều kiện đủ bên cạnh điều kiện cần là tốt nghiệp THPT. Việc gia tăng số lượng nguyện vọng xét tuyển một cách không giới hạn có thể không làm phát sinh việc có thí sinh đăng ký hàng trăm nguyện vọng một lúc vì việc nộp hồ sơ còn mất chi phí, nhưng bộ vẫn nên đưa ra giới hạn nguyện vọng cụ thể, chẳng hạn 10 nguyện vọng, để thí sinh xác định được hướng lựa chọn phù hợp. |
“Với quy định không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, tôi cho là bất cập lớn. Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, không đỗ trường này sẽ lọt xuống trường khác, không đỗ ngành này sẽ được trao cơ hội ở ngành kia. Nhưng đáng lo là sẽ có nhiều thí sinh trúng tuyển vào ngành mà mình không hề yêu thích” |