27/12/2024

Nhà đầu tư đổ xô vào bia nội

Trong khi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ bán được 60% số cổ phần tại Công ty cổ phần sữa VN thì hàng loạt nhà đầu tư trong ngoài nước xếp hàng chờ mua cổ phiếu của bia Sài Gòn trong từng phiên giao dịch, khiến giá cổ phiếu này tăng vọt lên cao nhất sàn chứng khoán.

 

Nhà đầu tư đổ xô vào bia nội

Trong khi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ bán được 60% số cổ phần tại Công ty cổ phần sữa VN thì hàng loạt nhà đầu tư trong ngoài nước xếp hàng chờ mua cổ phiếu của bia Sài Gòn trong từng phiên giao dịch, khiến giá cổ phiếu này tăng vọt lên cao nhất sàn chứng khoán.




 

Thị trường bia VN đang thu hút mạnh nhà đầu tư trong ngoài nướcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Sữa ế, bia đắt hàng
Phiên đấu giá cổ phiếu (CP) tại Công ty sữa VN (Vinamilk) diễn ra đầu tuần này chỉ bán được hơn 78,37 triệu CP trong tổng số hơn 130,6 triệu CP đưa ra chào bán. Với mức giá khởi điểm 144.000 đồng/CP, giá CP của Vinamilk cao hơn giá thị trường ở thời điểm hiện tại khoảng 11%. Hai nhà đầu tư ngoại đã mua CP đợt này cũng là cổ đông ngoại của Vinamilk và mục đích mua nhằm nâng tỷ lệ sở hữu. Với việc đấu giá thành công, Tập đoàn F&N – tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore – thuộc sở hữu của tỉ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã nâng sở hữu tại Vinamilk lên 16,35%. Điều này trái ngược với những dự báo trước đó và kỳ vọng của các nhà đầu tư, bởi công ty sữa lớn nhất VN này đang dẫn đầu về vốn hoá trên thị trường chứng khoán cũng như có mức lợi nhuận cao ngất ngưởng. 

 
 
Nhà đầu tư đổ xô vào bia nội - ảnh 1
Bia rượu là ngành siêu lợi nhuận và đầu tư cũng thấp hơn sữa, đặc biệt, trong bối cảnh ngành sữa đang đối diện áp lực nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng, giá cả tốt để cạnh tranh trực tiếp với sữa ngoại, sữa VN còn nhiều khó khăn lắm
Nhà đầu tư đổ xô vào bia nội - ảnh 2
 
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ
 


Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến phiên đấu giá không hút khách, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, do Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chia CP của Vinamilk thành các lô nhỏ khiến những nhà đầu tư chiến lược không hào hứng tham gia với tỷ lệ quá ít và không có tiếng nói như vậy. Bên cạnh đó, giá khởi điểm đưa ra cũng cao hơn giá giao dịch của Vinamilk trên sàn là một điểm kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Ngược lại, kể từ khi chào sàn vào ngày 6.12 đến nay, CP của Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã liên tục tăng trần. Chỉ sau 7 phiên giao dịch, đóng cửa ngày 14.12, CP của Sabeco đạt mức 197.700 đồng/CP, tăng gần gấp đôi so với giá khởi điểm đưa ra khi lên sàn. Đây cũng là mức giá cao nhất trên sàn chứng khoán VN hiện nay. Dù giá cao ngất ngưởng thì hàng loạt nhà đầu tư vẫn xếp hàng đua lệnh chờ mua trong khi lượng bán CP này luôn ở mức thấp. Tại giá này, vốn hoá thị trường của Sabeco đạt 126.781 tỉ đồng, tương đương 5,6 tỉ USD – chiếm gần 9% vốn hóa toàn thị trường, vượt qua rất nhiều doanh nghiệp khác để trở thành công ty có vốn hoá lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán, chỉ sau Vinamilk.
Là doanh nghiệp đứng đầu thị trường bia VN với hơn 45% thị phần, kỳ vọng của nhà đầu tư đối với Sabeco rất đúng nhưng với giá giao dịch sắp chạm 200.000 đồng/CP, chỉ số P/E của CP Sabeco đã lên đến gần 35 lần – cao hơn nhiều so với chỉ số định giá của các doanh nghiệp bia trong khu vực với P/E ở mức khoảng 20 – 22 lần. Điều này đồng nghĩa với việc giá của CP Sabeco đã khá đắt đỏ khi so với giá CP của Vinamilk hay nhiều công ty khác. Thế nhưng, diễn biến giá CP của Sabeco không gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư chứng khoán. Bởi trước đó, hiện tượng CP của Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco) dù chỉ lên giao dịch trên sàn UPCoM từ đầu tháng 11 cũng đã gây sốt trên thị trường khi tăng trần liên tục trong hơn 1 tuần sau đó. Thậm chí khi đó, “cơn sốt” CP bia đã diễn ra khi giá tất cả CP các công ty bia đang có giao dịch trên sàn đều tăng vọt.
Thị trường bia Việt nổi sóng
Hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ xô vào việc mua CP các công ty bia trong thời gian qua bởi VN đã được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những thị trường bia rượu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN, năm 2015 mức tiêu thụ bia tại VN tăng 10% và tăng gần 41% so với năm 2010, đạt doanh số gần 70.000 tỉ đồng, chưa kể đến hàng trăm triệu lít rượu và gần 5 tỉ lít nước giải khát các loại. 

 
 
Hai phương án xử lý cổ phần “ế”
Đánh giá nhanh về kết quả phiên đấu giá, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết: Đối với số cổ phần bị “ế”, SCIC sẽ báo cáo lại Chính phủ xem xét hướng xử lý tiếp theo như thế nào. Tuy nhiên, sẽ có hai phương án, đó là tiếp tục chào bán hoặc SCIC sẽ quản lý. Ngoài số cổ phần đã bán thì SCIC vẫn còn sở hữu trên 35% cổ phần VNM nên việc duy trì quản lý không quá khó khăn.

 


Còn theo nghiên cứu của Nielsen được công bố mới đây, trong quý 3/2016, tăng trưởng ngành bia ở mức khá cao với 9,2%. Riêng trong năm 2015, VN đã tiêu thụ 3,4 tỉ lít bia và là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong top 25 thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN, đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành sẽ đạt từ 4 – 4,25 tỉ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 – 9,2 tỉ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 – 360 triệu lít. Sự hấp dẫn của thị trường bia VN đã thu hút sự có mặt của hầu hết các tập đoàn bia và thực phẩm trên thế giới. Hãng bia số 1 thế giới Anheuser Busch InBev của Bỉ mới đây đã mở một nhà máy tại tỉnh Bình Dương hay Công ty Sapporo cũng cho ra mắt thêm thương hiệu bia bình dân mới. Còn trước đó, hàng loạt tập đoàn như thương hiệu bia lớn nhất Thái Lan là ThaiBev hay Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan) và SAB Miller (Mỹ) đã lên tiếng ngỏ ý đăng ký mua CP tại Sabeco…
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu, xét về tâm lý, cả hai CP sữa và bia đều hấp dẫn nhà đầu tư như nhau, tuy nhiên, về bản chất, giá trị và độ “nóng” lại khác nhau rất nhiều. Thị trường bia khá ổn định với nhiều nhãn hàng nội ngoại và nhiều thương hiệu đã được định vị. Với sản phẩm bia phổ thông, người Việt đã quá quen và hợp với gu bia nội từ lâu, nên chắc chắn sản phẩm bia Sabeco hay Habeco khó sụt giảm mạnh nếu xuất hiện thương hiệu bia ngoại mới. Trong khi đó, người Việt vẫn còn rất chuộng sữa ngoại và xu hướng người tiêu dùng vẫn cho rằng sữa ngoại tốt hơn sữa nội. Ông Hiếu cũng lưu ý, những CP “hot” được chào sàn sớm thường tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư nhiều hơn. Người ta mua CP Sabeco vì sự háo hức, mong đợi và kể cả theo cảm tính của số đông. Nhưng với Vinamilk, nhà đầu tư quyết định bằng quá trình phân tích, khôn khéo và cẩn trọng hơn. “Sòng phẳng mà nói, VN để giữ được thị trường sữa khó hơn rất nhiều giữ thị trường bia” – ông Hiếu nói.
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ, cũng cho rằng thị trường sữa khó giữ hơn thị trường bia. “Nếu xét về tốc độ tiêu thụ sản phẩm thì bia được tiêu thụ nhiều hơn sữa. Mỗi ngày một đứa trẻ có thể uống từ 1 – 3 hộp sữa, nhưng bia một người đàn ông tiêu thụ lại được tính theo thùng. Thứ nữa, bia rượu là ngành siêu lợi nhuận và đầu tư cũng thấp hơn sữa, đặc biệt, trong bối cảnh ngành sữa đang đối diện áp lực nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng, giá cả tốt để cạnh tranh trực tiếp với sữa ngoại, sữa VN còn nhiều khó khăn lắm”, ông Robert Trần nói và bổ sung, với văn hoá và thói quen uống bia rượu tại VN, ngành này còn phát triển dài dài khó thất bại ít nhất trong vòng 5 – 10 năm tới.
Cả ông Hiếu và ông Robert đều nhìn nhận, trong khảo sát thị trường bia rượu thế giới, chỉ có VN và Ấn Độ là hai quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ bia hàng đầu thế giới và liên tục tăng trong 10 – 15 năm qua. “VN còn được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những thị trường bia rượu tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong đó Sabeco lại chiếm gần 50% thị phần. Nên quá dễ hiểu khi CP Sabeco nóng như vậy”, chuyên gia Robert Trần nhận định.

 

M.Phương – H.Nga – A.Vũ