23/01/2025

Hoàng Sa và âm mưu 70 năm trước

Đầu năm 1956, lợi dụng lúc Pháp vừa rút quân khỏi Đông Dương, các bên của Việt Nam bận rộn thực thi Hiệp định Genève, Trung Quốc bí mật đưa quân ra chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa.

 

Hoàng Sa và âm mưu 70 năm trước

Đầu năm 1956, lợi dụng lúc Pháp vừa rút quân khỏi Đông Dương, các bên của Việt Nam bận rộn thực thi Hiệp định Genève, Trung Quốc bí mật đưa quân ra chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa.

 

 

 

Hoàng Sa và âm mưu 70 năm trước
Khu nhà đồn trú của lính địa phương quân Việt Nam cộng hòa trên đảo Hoàng Sa năm 1959 – Ảnh tư liệu trong sách Kỷ yếu Hoàng Sa

Đó là sự thật, nhưng Trung Quốc thay trắng đổi đen bằng việc tổ chức cái gọi là “lễ kỷ niệm 70 năm thu hồi Hoàng Sa – Trường Sa”.

Sự thật này đã được các nhà nghiên cứu sử học nhắc lại tại hội thảo “Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử” vừa tổ chức ở Huế ngày 12-12 với những tư liệu đã được cả thế giới biết đến, nhất là tư liệu ghi lại diễn biến liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954).

Sự thừa nhận mang tính pháp lý quốc tế

PGS.TS Trần Nam Tiến (Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết vào năm 1938, Nhật đã chiếm ba đảo Phú Lâm, Lincoln và Hữu Nhật của quần đảo Hoàng Sa và đổi tên Hoàng Sa thành Hirata Gunto, mở màn cuộc “khủng hoảng Hoàng Sa” giữa Pháp – Nhật.

Chính quyền của Pháp tại Đông Dương (lúc đó là chủ thể đại diện Chính phủ triều Nguyễn trong việc quản lý toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam) đã phản ứng với những hành động đáp trả quyết liệt. Đến tháng 8-1945, Nhật thua trận và đầu hàng.

Toàn bộ lãnh thổ của các nước mà Nhật đã chiếm đóng, trong đó có Việt Nam, phải được phân định bằng một hiệp ước được ký kết tại hội nghị tổ chức ở thành phố San Francisco (Mỹ) từ ngày 4 đến 8-9-1951 với 52 nước tham gia (không có Trung Quốc).

Tiếp đó, khi Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa, các quốc gia tham gia hội nghị cũng đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền đó thuộc về Việt Nam, do chính thể Quốc gia Việt Nam (của quốc trưởng Bảo Đại) đại diện đang có mặt tại hội nghị.

Cũng theo PGS.TS Trần Nam Tiến, ngày 7-9-1951 trong phiên họp toàn thể lần thứ bảy của hội nghị, thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu – trưởng phái đoàn của Quốc gia Việt Nam – đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa!”.

Tuyên bố đó không gặp một sự phản đối nào của đại diện 51 quốc gia có mặt tại hội nghị. “Việc 92% quốc gia đồng minh thành viên Liên Hiệp Quốc thừa nhận chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là có giá trị pháp lý bắt buộc” – PGS.TS Trần Nam Tiến nhấn mạnh.

Kết quả của hội nghị cũng khiến tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền không thể xâm phạm đối với các đảo trên Biển Đông” của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai vào 20 ngày trước đó trở nên vô giá trị.

ThS Nguyễn Quang Trung Tiến (Trường ĐH Khoa học Huế) cho biết thêm đến Hội nghị Genève bàn việc lập lại hòa bình ở Đông Dương (năm 1954) với sự có mặt của các quốc gia và cả Trung Quốc, các nước tiếp tục tuyên bố tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc xâm chiếm 
bí mật 1956

Theo ThS Nguyễn Đình Dũng (ĐH Phú Xuân – Huế), tháng 4-1956, khi quân Pháp vừa rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam và tiếp đó là quân đội Việt Nam cộng hoà (VNCH) ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa thì chỉ còn nhóm đảo phía tây.

Trước đó vào thời điểm đầu năm 1956, Trung Quốc đã cho người bí mật chiếm đóng nhóm đảo phía đông Hoàng Sa, trong đó có đảo lớn nhất là Phú Lâm và Lincoln.

Các nhà sử học cho rằng hành vi này của Trung Quốc vi phạm chính sự xác nhận của họ khi Trung Quốc là một trong những nước đã ký vào cam kết của hội nghị.

Đây là cuộc xâm chiếm lén lút mà Trung Quốc cho rằng họ đã “thu hồi” quần đảo Hoàng Sa từ phía Việt Nam. Để rồi ngày 8-12-2016, họ đã tổ chức cái gọi là “lễ kỷ niệm 70 năm” thực hiện hành vi lén lút đó.

TS Nguyễn Nhã (TP.HCM) cho biết cũng với ý đồ như thế, 10 năm trước đó, tháng 12-1946 lợi dụng việc giải giáp quân Nhật thua trận, quân đội Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch cũng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa, chính là nhóm đảo mà năm 1956 quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã bí mật ra chiếm đóng trở lại.

Cũng theo ThS Nguyễn Đình Dũng, suốt thời gian sau đó Trung Quốc liên tục khiêu khích và tìm cách xâm nhập các đảo phía tây Hoàng Sa mà quân đội VNCH đang trấn giữ.

Trong đêm khuya 20 rạng sáng 21-2-1959, Trung Quốc lén lút đưa ngư dân (thực chất là lính) bí mật đổ bộ lên các đảo Cam Tuyền, Duy Mộng, Quang Hòa của Hoàng Sa. Hải quân VNCH đã ngăn chặn quyết liệt.

Tàu Trung Quốc vẫn không rút lui, khiến hải quân VNCH phải nổ súng, bắt giữ 82 người và 5 thuyền đánh cá của Trung Quốc.

Sau sự kiện này, VNCH liên tục có các hoạt động mạnh mẽ về ngoại giao, hành chính, kinh tế nhằm bảo vệ chủ quyền trong tình trạng Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn. Và đỉnh điểm là cuộc cưỡng chiếm của Trung Quốc với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974.

Đánh giá về sự kiện bí mật xâm chiếm năm 1956 và công khai cưỡng chiếm năm 1974 của Trung Quốc, TS Nguyễn Nhã đã dẫn lại kết luận của luật gia Monique Chemillier-Gendreau (người Pháp, giáo sư môn công pháp và khoa học chính trị của ĐH Paris VII) trong cuốn sách La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys xuất bản tại Paris giữa những năm 1990:

“Các quyền của Việt Nam lâu đời hơn và vững chắc hơn, mặc dù các đòi hỏi của Trung Quốc đã được cụ thể hóa nhờ việc chiếm đóng bằng vũ lực cách đây 39 năm đối với một bộ phận quần đảo và cách đây 21 năm đối với bộ 
phận kia…”.

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử từ chính sử, châu bản, địa chí, các văn bản đứng đầu nhà nước từ thời chúa Nguyễn, Tây Sơn, các hoàng đế triều đình nhà Nguyễn đến các lãnh đạo chính quyền qua các thời kỳ lịch sử từ đầu thế kỷ XVII đến nay. Đã khẳng định: chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các hải đảo khác hợp với luật pháp quốc tế, là chiếm hữu thực sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình”…

(Trích quyết nghị của hội thảo “Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử” ngày 12-12-2016 tại Huế)

MINH TỰ