28/12/2024

Liên kết để nâng chất nông sản Việt

Muốn người nông dân cung cấp được thực phẩm sạch cho thị trường, phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp và thúc đẩy mối liên kết “bốn nhà”.

 

Liên kết để nâng chất nông sản Việt

Muốn người nông dân cung cấp được thực phẩm sạch cho thị trường, phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp và thúc đẩy mối liên kết “bốn nhà”.

 

 

 

Liên kết để nâng chất nông sản Việt
Nông dân tham gia diễn đàn hào hứng trao đổi về nông sản sạch – Ảnh: THANH HÀ

Đó là chủ đề được các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp cùng chia sẻ tại diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy nông nghiệp Việt” được tổ chức ở Hà Nội ngày 14-12.

Nông dân hết bơ vơ

Ông Phạm Minh Cường – giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh (Đồng Tháp) – cho biết hiện HTX cung ứng cho hệ thống VinEco khoảng 6 tấn chanh/tháng để đưa vào bán trong hệ thống Vinmart và Vinmart+.

“Tuy số lượng này còn khiêm tốn so với sản lượng tiêu thụ 2.000 tấn/năm của HTX, nhưng chúng tôi có niềm tin về đầu ra lâu dài, ổn định cho trái chanh sạch” – ông Cường nói.

 

Theo ông Cường, trước đây không chỉ nông dân mà HTX, doanh nghiệp (DN) cũng gặp khó khăn khi tiêu thụ nông sản sạch do cần thời gian xây dựng thương hiệu và lòng tin nơi khách hàng.

Với việc tham gia các chuỗi cung ứng như VinEco, người sản xuất có thể sẽ rút ngắn được thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm thị trường và thuyết phục khách hàng về chất lượng của nông sản.

“Chất lượng sẽ do DN tiêu thụ đánh giá, nếu sản phẩm đạt đủ điều kiện để đưa vào hệ thống phân phối của DN, nông sản của chúng tôi sẽ được khẳng định chất lượng sạch, có tên tuổi trên thị trường. Đây là lợi ích lớn nhất đối với những người sản xuất nông sản như chúng tôi khi liên kết với VinEco” – ông Cường khẳng định.

Đây là một trong 250 HTX và hộ sản xuất thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây… đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với VinEco trong khuôn khổ một dự án liên kết. Theo đó, VinEco hướng dẫn các hộ sản xuất, thu mua tiêu thụ sản phẩm với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị.

Bà Phạm Thị Thu Cúc, giám đốc Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc (Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết là nhà vườn đầu tiên ở Đà Lạt hợp tác cung ứng các sản phẩm rau sạch cho Vinmart và sau này là VinEco, nên đầu ra của sản phẩm được đảm bảo, có thể tiêu thụ số lượng lớn và yên tâm đầu tư thêm vốn để mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, theo bà Cúc, DN này cũng được VinEco cho vay vốn với lãi suất 0%, đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, đảm bảo minh bạch hóa thông tin về địa điểm sản xuất và cơ sở sản xuất, giúp người mua có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản.

“Khi có DN đồng hành, bao tiêu sản phẩm, có nhân viên tham gia giám sát quá trình sản xuất, có thiết bị xét nghiệm nhanh tại chỗ để đảm bảo chất lượng rau sạch…, việc sản xuất và cung cấp những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng sẽ không còn phập phù về nguồn cung, giá thành giảm” – bà Cúc khẳng định.

Nông sản sạch hết lo đầu ra?

Cũng tại diễn đàn, bà Vũ Tuyết Hằng – tổng giám đốc Công ty VinEco, thành viên Tập đoàn Vingroup – cho biết VinEco đã ký hợp tác với 250 nhà sản xuất nông sản và hướng tới mục tiêu có 1.000 đối tác liên kết cung ứng nông sản sạch.

Đối với những hộ sản xuất đủ điều kiện, VinEco hỗ trợ tài chính tối đa 300 triệu đồng để giúp trang bị cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, vốn, giống…

“Việc hợp tác với nông dân sẽ giúp DN cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản. Không chỉ tổ chức đào tạo về kỹ thuật, kiến thức cho người dân, thu mua sản phẩm theo sản lượng đã cam kết sẽ đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ sản xuất” – bà Hằng cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, quá trình hợp tác với các hộ sản xuất cũng bộc lộ một số khó khăn. Chẳng hạn, các nông hộ có diện tích đất manh mún nên khó khăn trong việc duy trì thường xuyên sản lượng lớn, chưa tạo được vùng nguyên liệu chuyên canh với chất lượng ổn định.

Kiến thức về trồng trọt, an toàn, tiêu chuẩn VietGap còn thiếu, tính tuân thủ và ý thức của hộ sản xuất về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn yếu kém. Tính cam kết của hộ sản xuất trong việc cung cấp sản phẩm giai đoạn thị trường khan hiếm sản phẩm còn khó khăn và những rủi ro mất kiểm soát về thiên tai như bão, lũ lụt…

Theo ông Phạm Anh Tuấn – chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn VN, sự hợp tác giữa “bốn nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà DN và Nhà nước chính là sự khởi đầu cho chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp VN nói chung và nông sản Việt nói riêng. Đây là bước khởi đầu cho thương hiệu nông sản sạch Việt để tiến tới thúc đẩy xuất khẩu sang nước ngoài.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển nông nghiệp sạch không phải là một cuộc chơi ngắn hạn, đòi hỏi người nông dân không chỉ thay đổi tư duy sản xuất mà còn phải đầu tư thời gian, học hỏi kiến thức, vốn liếng…

Một chuyên gia cho rằng bản thân nông dân cũng phải tuân thủ những nguyên tắc về sản xuất sản phẩm cũng như tôn trọng hợp đồng với DN mới có sự hợp tác bền vững.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi tham gia chuỗi liên kết này, DN sẽ có điều kiện đảm nhận vai trò giám sát chất lượng sản phẩm. Đó là một khâu rất quan trọng mang lại uy tín cho nông sản Việt đối với thị trường.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – cũng cho rằng nông sản Việt phải tìm cách giảm chi phí đầu vào, đầu tư vào chất lượng sản phẩm, trong đó phải có DN tham gia.

“Đến nay chỉ mới có 4.000 DN tham gia nông nghiệp, nhưng vừa qua có những DN lớn đầu tư nên khiến thị trường sôi động hơn” – ông Tuấn đánh giá.

* Bà Vũ Kim Hạnh (chủ nhiệm CLB Hàng VN chất lượng cao):

Nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia chuỗi sản xuất nông sản sạch do đất đai manh mún, hiểu chưa thấu đáo về pháp luật, máy móc kỹ thuật và e ngại đầu ra…

Dù khó khăn nhưng VinEco vẫn đi tiên phong, làm sao để kết nối các nhà lại với nhau, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà tiêu dùng…

Việc liên kết các đầu mối này lại với nhau thành một chuỗi là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng tôi vẫn lạc quan về sự tươi sáng của chuỗi liên kết này.

MỸ KHANH