25/12/2024

Euréka 2016: từ chuyện lạm dụng Facebook đến bạo lực học đường

115 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) được trình bày tại vòng chung kết Giải thưởng sinh viên NCKH – Euréka lần 18-2016 đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn của xã hội.

 

Euréka 2016: từ chuyện lạm dụng Facebook đến bạo lực học đường

 115 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) được trình bày tại vòng chung kết Giải thưởng sinh viên NCKH – Euréka lần 18-2016 đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn của xã hội.

 

 

 

Euréka 2016: từ chuyện lạm dụng Facebook đến bạo lực học đường
Vòng chung kết Giải thưởng sinh viên NCKH – Euréka lần 18-2016

Tại hội trường bảo vệ các đề tài nhóm xã hội nhân văn, nhóm bốn sinh viên đến từ Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) đã cuốn hút người nghe với đề tài khá “hot”: “Công tác xã hội với thanh niên lạm dụng Facebook”.

Từ những chuyện “nóng” của người trẻ

Lèo Thị Kính, thành viên của nhóm, chia sẻ: “Do tính năng hấp dẫn của mình, Facebook đã khiến một bộ phận người sử dụng “lạm dụng”, điều này mang lại các hậu quả khôn lường”.

35,9% sinh viên được khảo sát cho rằng bản thân đang lạm dụng Facebook. Từ thực trạng trên, nhóm đề xuất nên thành lập câu lạc bộ “I love Facebook” để các thành viên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để đưa những ứng dụng Facebook phục vụ học tập sao cho khoa học và đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Bức xúc trước vấn nạn bạo lực học đường, hai sinh viên Nguyễn Thị Hồng và Lý Ngọc Huyền, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Mối quan hệ giữa khả năng tự kiểm soát và tính gây hấn của học sinh THCS”.

“Hành vi gây hấn học đường đang là một vấn nạn trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, phần lớn mâu thuẫn ấy đều được châm ngòi từ những xích mích rất nhỏ nhặt của lứa tuổi học trò.

Kết quả là làm tổn thương người khác, tổn thương chính mình hoặc các vật thể xung quanh một cách có chủ đích dù có đạt được hay không” – Hồng chia sẻ.

Nhóm khảo sát 371 học sinh tại ba trường THCS trên địa bàn Hà Nội, kết quả cho thấy có 25/371 học sinh (chiếm 6,74%) thường xuyên có biểu hiện gây hấn. Nguyên nhân là do khả năng tự kiểm soát bản thân kém.

Cũng xuất phát từ vấn đề này, hai sinh viên Nguyễn Hoàng Xuân Huy và Nguyễn Thị Bích Thảo (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã xây dựng “Cẩm nang tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho học sinh THCS”.

Bích Thảo cho biết: “Theo khảo sát cho thấy cẩm nang có sức thu hút, đáp ứng được những yêu cầu về hình thức và nội dung, có hiệu quả tuyên truyền, mang lại những lợi ích nhất định”.

Đến bàn chuyện phát triển của xã hội

Trước thực trạng giao thông ùn ứ, kẹt xe liên miên tại TP.HCM, nhóm bốn sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nghiên cứu “Tính khả thi của chương trình xe đạp công cộng và việc đưa xe đạp vào sử dụng ở khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM”.

Đinh Gia Thư, thành viên của nhóm, nói: “Sau chín tháng nghiên cứu, nhóm nhận thấy việc đưa xe đạp vào sử dụng và triển khai hệ thống xe đạp công cộng là khả thi, người dân có nhu cầu thực sự cao trong việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng và xe đạp công cộng”.

Cũng theo đề xuất của nhóm, để có thể triển khai thành công dự án cần giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như: giáo dục, tuyên truyền nhằm thay đổi phần nào “văn hoá xe máy” của đại bộ phận người dân; đồng thời cần cải tạo và quy hoạch lại không gian cho phù hợp và thân thiện hơn với người dùng xe đạp cũng như đưa ra các chính sách mang tính khích lệ để hỗ trợ và ưu tiên cho người sử dụng xe đạp.

Trong khi đó, để góp phần giảm bớt tai nạn giao thông, nhóm năm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nghiên cứu “Hệ thống phát hiện làn đường thời gian thực”.

Lê Minh Hoàng, thành viên của nhóm, cho hay ở VN các vụ tai nạn giao thông do lấn làn đường thường để lại hậu quả rất lớn vì xảy ra lúc phương tiện đang di chuyển nhanh. Vì vậy, nhóm nghiên cứu và thực hiện một thiết bị nhúng dùng để phát hiện làn đường trong thời gian thực.

“Thiết bị này dùng hình ảnh và clip ghi lại từ một camera USB và chạy trên Kit Friendlyarm Tiny4412 với khả năng xử lý trên thời gian thực và độ chính xác cao. Khi phát hiện xe đang cán lên làn đường, hệ thống cảnh báo cho tài xế biết để kịp thời điều chỉnh vị trí của xe” – Minh Hoàng trình bày.

Tại những khu vực bảo vệ các nhóm đề tài khác như công nghệ thông tin, công nghệ hoá dược, kỹ thuật, công nghệ y sinh, sinh viên các trường mang đến nhiều đề tài NCKH thiết thực cho sự phát triển của xã hội như ứng dụng bao sinh thái làm bờ kè chống sạt lở sông vùng đồng bằng sông Cửu Long, chế tạo bêtông rỗng thoát nước, hệ thống nhận biết mặt người và ứng dụng video thông minh trên thiết bị động, sản xuất “giấy xanh” – giấy từ phế phẩm nông nghiệp…

Phát biểu tại lễ khai mạc, anh Lâm Đình Thắng, phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM, nói: “Có thể nói giải thưởng sinh viên NCKH – Euréka trở thành giải thưởng khoa học uy tín và là một sân chơi học thuật hấp dẫn, tạo phong trào thi đua học tập, NCKH và sáng tạo sôi nổi trong sinh viên toàn quốc”.

Ban tổ chức giải thưởng đánh giá các đề tài hầu hết vừa mang ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn. Nhiều đề tài nghiên cứu các vấn đề thời sự nổi bật trong nước: hoạt động ngoại giao nhân dân trong đấu tranh bảo vệ biển đảo Việt Nam; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…

Đặc biệt, một số đề tài phản ánh trực tiếp những thói quen xấu trong cộng đồng và vấn đề chỉnh trang, phát triển đô thị của TP.HCM.

Giải thưởng do Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) là đơn vị chủ trì thực hiện.

Tham dự vòng chung kết, các sinh viên còn tham gia nhiều hoạt động khác như giao lưu với sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM, tham quan các công trình trọng điểm của TP.HCM.

QUANG PHƯƠNG