25/12/2024

Doanh nghiệp bán lẻ nội vượt khó

Thay cho những lo lắng số phận hàng VN sẽ đi về đâu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa có cái nhìn bình tĩnh hơn, điều chỉnh, cải thiện chất lượng để tiếp tục cạnh tranh, giữ thị phần.

 

Doanh nghiệp bán lẻ nội vượt khó

 Thay cho những lo lắng số phận hàng VN sẽ đi về đâu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa có cái nhìn bình tĩnh hơn, điều chỉnh, cải thiện chất lượng để tiếp tục cạnh tranh, giữ thị phần.

 

 

 

Doanh nghiệp bán lẻ nội vượt khó
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Bình Triệu, Q.Thủ Đức, TP.HCM chiều 31-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chỉ trong vài năm, ngành bán lẻ Việt chuyển mình mạnh mẽ khi hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, tạo ra cuộc chiến cam go.

Sức ép nặng nề

Ngày 28-10 vừa qua tại Singapore, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tiếp tục trở thành đại diện của bán lẻ VN đoạt giải thưởng kép Giải vàng nhà bán lẻ hàng đầu VN và Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2016.

Đây là năm thứ 13 Saigon Co.op được vinh danh kể từ khi giải thưởng này được thành lập cho đến nay. Trong đó, tiêu chí để xếp hạng 10 nhà bán lẻ hàng đầu của mỗi nền kinh tế dựa trên doanh thu bán lẻ, mức tăng trưởng, diện tích dành cho kinh doanh bán lẻ và số lượng cửa hàng.

 

Saigon Co.op nhận giải thưởng trong bối cảnh ngành bán lẻ VN chứng kiến nhiều sự thay đổi, sự thâm nhập của nhà bán lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường VN ngày càng rõ nét hơn, kèm theo đó là không ít băn khoăn.

Ông Phạm Trung Kiên, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết sự phát triển mạnh mẽ và ồ ạt của doanh nghiệp ngoại khiến không ít nhà bán lẻ trong nước bị choáng ngợp, sức ép nặng nề hơn. Theo ông Kiên, ngành bán lẻ trong nước còn tương đối non trẻ, chỉ mới bắt đầu phát triển được khoảng 20-30 năm gần đây, nhưng chưa kịp bắt nhịp đã phải cạnh tranh với nhiều đối thủ quốc tế có bề dày kinh nghiệm lẫn tiềm lực tài chính vượt trội.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, cho biết gần như tất cả các phân khúc của bán lẻ hiện nay ở VN đều có sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải lúc nào “ông lớn” cũng là người thắng cuộc tại thị trường nước ngoài. Dù doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ biết đa dạng các mô hình bán lẻ và chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, họ cạnh tranh được với nhà bán lẻ nước ngoài.

Gần đây, các nhà bán lẻ nội như Satra, Vingroup hay Saigon Co.op đã có những chiến lược phát triển riêng, khai thác thế mạnh để không ngừng mở rộng mạng lưới, hệ thống phân phối của mình. “Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ hiện không chỉ giữa ông lớn – ông bé mà còn là cuộc cạnh tranh ở kênh hiện đại và phân phối. Chỉ nhìn về tiềm lực vốn, nhân lực, quản trị…, chúng ta đều nhận thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt cho doanh nghiệp nội” – bà Trang nhận xét.

Nhưng chưa được hỗ trợ

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, những nguy cơ của thị trường bán lẻ VN trước làn sóng đầu tư nước ngoài được các nhà quản lý nhìn thấy trước, khi VN mới gia nhập WTO. Một mặt nào đó, sự có mặt của doanh nghiệp FDI giúp thị trường bán lẻ VN thêm phần khởi sắc, như một làn gió mới, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa vượt qua chính mình để hội nhập.

Thực tế cho thấy VN chưa có chính sách riêng cho ngành bán lẻ bởi quan niệm đây chỉ là ngành trung gian hàng hóa. Các nhà bán lẻ hiện đại còn gặp khó khăn về vốn, chịu chi phí cao, quản trị thiếu chuyên nghiệp…, trong khi bán lẻ truyền thống như chợ còn khó khăn gấp đôi. Không những vậy, các chính sách và thực tiễn trong ngành bán lẻ thường rất khác nhau nên rất nhiều nhà bán lẻ VN khá phiền lòng.

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN cho thấy có đến 77% người được hỏi cho rằng các chính sách ưu đãi hiện nay của VN không có hiệu quả thực tế, đây là điều đáng buồn. Con số này đáng báo động vô cùng bởi các công cụ bảo hộ một cách chính đáng các nhà bán lẻ trong nước đã bị vô hiệu.

“Chúng tôi đã đề xuất đưa các dự án đầu tư trong ngành bán lẻ vào danh mục được ưu đãi chứ chưa cần ưu đãi đặc biệt” – bà Loan nói. Cũng theo bà Loan, không gian chính sách hỗ trợ cho ngành bán lẻ vẫn còn, đừng nghĩ hội nhập, không còn rào cản gì nữa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng mất đi. Vấn đề là chúng ta có chịu sử dụng hay không.

Lãnh đạo Saigon Co.op cho rằng để giải quyết khó khăn của mình, từ vài năm trước đơn vị này đã phải xác định hướng đi quan trọng là đa dạng mô hình hoạt động và hợp tác với các đơn vị nước ngoài để củng cố nội lực hơn nữa.

“Hệ thống Co.op Xtra hay SC Vivo Q.7, Sense City là những điển hình của việc đa dạng hoá mô hình hoạt động trong thời kỳ cạnh tranh mới” – ông Phạm Trung Kiên đánh giá.

Không chỉ có vậy, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài cũng là cơ hội để đơn vị này nắm bắt vươn lên. Việc bắt tay với các đối tác ngoại như Mapletree hay Fairprice (Singapore) cũng được tính toán kỹ lưỡng, vừa an toàn vừa cùng nhau phát triển chứ không để bị sáp nhập.

Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết thời gian gần đây, các nhà bán lẻ trong nước đang nỗ lực khắc phục điểm yếu là liên kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất, giữa nhà phân phối với nhau. Đây là tín hiệu đáng mừng. Các nhà bán lẻ như Saigon Co.op cũng thành công khi len lỏi vào khu dân cư, đáp ứng nhu cầu mua sắm hằng ngày của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, một vấn đề quan tâm là cần nghiên cứu kỹ hơn để có hàng rào bảo vệ nhà phân phối trong nước. Thực tế, nhiều địa phương vẫn vô tư “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư ngoại vì cho rằng các công cụ như kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đã được dỡ bỏ.

“Tôi từng đề nghị cơ quan quản lý TP.HCM kiểm soát chặt chẽ hơn công cụ bảo hộ bán lẻ trong nước như kiểm tra ENT, danh mục hàng không được bày bán trong các siêu thị ngoại. Song song đó, cần cải thiện nguồn hàng cho các nhà bán lẻ” – ông Hưng nói.

NHƯ BÌNH – D.TUẤN