24/01/2025

Cây bo bo tái xuất ở vùng sâu

Sau thời gian vắng bóng, vài năm nay đồng bào Xê Đăng ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) lại phát triển diện tích cây bo bo, cải thiện đời sống gia đình.

 

Cây bo bo tái xuất ở vùng sâu

Sau thời gian vắng bóng, vài năm nay đồng bào Xê Đăng ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) lại phát triển diện tích cây bo bo, cải thiện đời sống gia đình.



 

Đồng bào Xê Đăng ở H.Tu Mơ Rông thu hoạch bo boẢNH: PHẠM ANH

Chị Y Liễu (37 tuổi) ở làng Mô Pảl, xã Đăk Hà, H.Tu Mơ Rông năm nay làm gần 2 ha bo bo. Theo chị, ở đây người dân trồng bo bo trên rẫy vào tháng 5, sau gần 6 tháng thì thu hoạch và hiện nay là thời điểm người Xê Đăng thu hoạch rộ cây này. Năm nay, dù chưa hết vụ nhưng chị Liễu dự tính sẽ thu được khoảng 5 tấn bo bo. “Giá hiện giờ thua năm ngoái nên nhà tôi không bán, mà đợi giá lên”, chị nói. So với chị Y Liễu, hộ bà Y Liên (58 tuổi) ở làng Mô Pảl còn trồng nhiều hơn, trên 2 ha, và dự kiến vụ bo bo này sẽ bán được gần 60 triệu đồng.
Ông A Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, cho biết xã năm nay trồng hơn 41 ha bo bo, trong đó có khoảng 15 hộ trồng hơn 1 ha/hộ. Vào đầu vụ thu hoạch năm ngoái, hạt bo bo có thời điểm đến 19.000 – 20.000 đồng/kg khô, sau đó hạ xuống 16.000 đồng/kg và đến mùa thu hoạch rộ thì trung bình 10.000 đồng/kg. “Các năm trước, khi được giá, bà con thu hoạch bo bo là bán hết, có hộ thu vài chục triệu đồng. Còn năm nay, giá ở mức dưới 10.000 đồng/kg nên bà con chưa bán mà trữ lại, đợi giá lên”, ông A Lý cho hay.
Đến xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông, chúng tôi cũng chứng kiến người Xê Đăng ở đây đang thu hoạch cây bo bo. Bà Y HLạng ở làng Pu Tá cho biết cây bo bo hơn chục năm nay chẳng mấy người trồng. Mấy năm nay, loại cây này được phục hồi và cho thu nhập khá, hơn hẳn nhiều loại cây lương thực khác. Chẳng hạn như cây mì, trồng 18 tháng, nhưng bán ra vừa bấp bênh vừa giá thấp. Hay như cây lúa, phải chăm bón kỹ nhưng giá cả không bằng cây bo bo…
Ông A Róc, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho hay cây bo bo trước đây được đồng bào Xê Đăng sử dụng như cây lương thực, nấu độn với gạo để ăn, vị bùi bùi, ngọt. Đặc biệt, vào tháng cuối năm đồng bào hay dùng hạt bo bo để nấu rượu ghè (rượu cần) và xem nó cũng như cây dược liệu trong vùng.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tu Mơ Rông, diện tích trồng bo bo tăng nhanh từ năm 2014. Hồi đó, thương lái vào tận huyện vùng sâu này để lùng mua sạch bo bo của đồng bào Xê Đăng. Ban đầu bà con tự phát trồng, sau thấy cây trồng này có triển vọng khá hơn một số loại cây lương thực khác nên địa phương khuyến khích và hỗ trợ giống cho người dân.
Cũng theo ông Nam, đặc tính cây bo bo là dễ trồng, dễ thu hoạch. Loại cây này có thể trồng xen với cây bời lời, bắp và lúa rẫy. Trong đó, đồng bào thường thu hoạch bắp và lúa trước rồi mới đến bo bo, còn bời lời là cây lâu năm, khoảng 5 – 7 năm sau mới thu hoạch được.
Ông A Hơn, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết năm sau chắc chắn diện tích trồng bo bo trên địa bàn sẽ tăng cao hơn, vì đồng bào Xê Đăng thấy được lợi ích của cây trồng này. Vì vậy, sản lượng bo bo cũng tăng theo. Để tránh bị tư thương ép giá, chính quyền sẽ làm việc với các đầu mối mua hạt bo bo ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Theo thống kê, năm 2016 cả H.Tu Mơ Rông trồng được 425 ha bo bo, tăng 60 ha so với năm 2015 (trên thực tế có thể nhiều hơn), tập trung nhiều nhất là ở xã Đăk Rơ Ông, Đăk Sao, Ngọc Yêu, Măng Ri… Với năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ha, nếu tính giá 10.000 đồng/kg hạt bo bo thì thu về 32 triệu đồng/ha, lợi hơn nhiều so với lúa rẫy, bắp và cây mì tại đất này.


 

Phạm Anh