24/01/2025

Nghị sĩ Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio vừa đưa ra dự luật đề xuất biện pháp trừng phạt Trung Quốc về những hành động gây bất ổn ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

  

Nghị sĩ Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio vừa đưa ra dự luật đề xuất biện pháp trừng phạt Trung Quốc về những hành động gây bất ổn ở Biển Đông và biển Hoa Đông.



Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần xuất hiện phi pháp gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN
 /// Ảnh: Reuters

 

 

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần xuất hiện phi pháp gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VNẢNH: REUTERS

 

Dự luật có tên gọi “South China Sea and East China Sea Sanctions Act of 2016” (tạm dịch: Đạo luật trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông năm 2016), vừa được thượng nghị sĩ Marco Rubio trình Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Trong thông cáo về dự luật được đăng trên wesbite của mình ngày 6.12, ông Rubio khẳng định: “Những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp và đe doạ an ninh khu vực cũng như thương mại Mỹ”. Ông Rubio còn nhấn mạnh an ninh của các đồng minh và hoạt động kinh tế của Mỹ không thể bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm bởi “sự vi phạm trắng trợn những chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc” khi Bắc Kinh tìm kiếm sự thống trị ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Dự luật cũng nêu ra việc Trung Quốc bồi đắp gần 13 km2 đất tại 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng để tạo thành các đảo nhân tạo. “Dù những đảo nhân tạo không cung cấp cho Trung Quốc thêm quyền về biển hoặc lãnh thổ, Trung Quốc có thể dùng chúng làm các căn cứ dân -quân sự để tăng cường sự hiện diện lâu dài đáng kể ở Biển Đông”, dự luật viết.
Dự luật cũng đề cập phán quyết ngày 12.7.2016 của Toà trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông. “Những hành động phi pháp của Bắc Kinh ở những vùng biển này cần chấm dứt. Các biện pháp trừng phạt được đề xuất trong dự luật sẽ buộc những kẻ vi phạm chịu trách nhiệm và dùng để răn đe kẻ khác”, ông Rubio nhấn mạnh.
Đối tượng trừng phạt
Theo dự luật do thượng nghị sĩ Rubio đưa ra, tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp trừng phạt đối với mọi cá nhân/đơn vị Trung Quốc tham gia các dự án phát triển, xây dựng phi pháp như bồi đắp, xây đảo, hải đăng, trạm dịch vụ liên lạc di động, cơ sở cung cấp nhiên liệu, điện hoặc dự án hạ tầng dân sự trên Biển Đông. Ngoài ra, cá nhân/đơn vị Trung Quốc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào những hành động/chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông cũng có thể bị Mỹ trừng phạt.
Theo dự luật, những cá nhân/đơn vị này có thể bị Washington huỷ hoặc từ chối cấp thị thực, bị cấm giao dịch bất động sản và các lợi ích ở Mỹ. Họ có thể bị trừng phạt thêm nếu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ xác nhận Trung Quốc thực hiện các động thái như công bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, bắt đầu bồi đắp một thực thể khác, triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo, thiết lập đường cơ sở xung quanh Trường Sa…
Không chỉ thế, dự luật còn đề xuất cấm xuất bản những tài liệu mô tả Biển Đông hoặc biển Hoa Đông thuộc Trung Quốc, đồng thời cấm cá nhân/đơn vị Mỹ tham gia đầu tư vào Biển Đông và biển Hoa Đông mà có liên quan đến cá nhân/đơn vị Trung Quốc bị trừng phạt.
Cũng theo dự luật, chính phủ Mỹ cần hạn chế cung cấp hỗ trợ đối với những quốc gia công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.
Bước đi lớn
Nếu được ký thành luật, những đề xuất của thượng nghị sĩ Rubio sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong bài phân tích của mình, biên tập viên chuyên san The Diplomat Ankit Panda còn cho rằng đề xuất của ông Rubio có thể giúp biến những biện pháp trừng phạt thành công cụ thực thi phán quyết về Biển Đông của Toà trọng tài quốc tế.
Cho đến hôm qua 8.12, vẫn chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc đối với dự luật.
Thượng nghị sĩ Rubio đưa ra dự luật chỉ vài ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm lịch sử với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Theo một báo cáo mới công bố của Học viện Phát triển và chiến lược quốc gia (NADS) ở Bắc Kinh, ông Trump có thể tăng cường quan hệ quân sự với Đài Loan và dùng vùng lãnh thổ này để vô hiệu hoá tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), trong báo cáo, Giáo sư Dương Kì Tĩnh thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc nhận định ông Trump có thể bất chấp phản đối của Trung Quốc bằng cách bán vũ khí cho Đài Loan và sẽ tăng cường hợp tác an ninh với các nước châu Á khác. Từ phân tích trong báo cáo, ông Dương cảnh báo với Bắc Kinh rằng chính quyền của ông Trump “có thể gây ra những thách thức lớn và chưa có tiền lệ” đối với Trung Quốc”, theo SCMP.
Ông Trump chọn người làm đại sứ ở Trung Quốc
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm qua 8.12 chọn Thống đốc bang Iowa Terry Branstad, người có quan hệ gần gũi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ giữa thập niên 1980, làm Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, theo AFP.
Ông Trump nói rõ: “Thống đốc Branstad có nhiều thập niên kinh nghiệm và có mối quan hệ lâu năm với Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như những nhà lãnh đạo Trung Quốc khác nên để ông ấy làm đại sứ Mỹ ở Trung Quốc là lựa chọn lý tưởng”.


 

Văn Khoa