24/01/2025

Lãnh đạo thế giới điện đàm cho nhau như thế nào?

Cách thức tiếp nhận các cuộc điện thoại ngoại giao “khác người” của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang trở thành tiêu điểm trên báo chí.

 

Lãnh đạo thế giới điện đàm cho nhau như thế nào?

Cách thức tiếp nhận các cuộc điện thoại ngoại giao “khác người” của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang trở thành tiêu điểm trên báo chí.

 

 

 

Lãnh đạo thế giới điện đàm cho nhau như thế nào?
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trò chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 3-12, cuộc điện đàm khiến Trung Quốc tức giận, ra công hàm phản đối – Ảnh: Reuters

The New York Times cho biết trong suốt những ngày sau kết quả bầu cử, các quốc gia đồng minh với Mỹ đã liên tục “quay số của toà nhà Trump Tower” và ông Trump liên tục nhận các cuộc gọi chúc mừng từ các lãnh đạo của những nước này.

Tuy nhiên, những phiền phức bắt đầu nảy sinh tuần trước khi ông Trump tuyên bố đã nhận cuộc điện thoại trực tiếp từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bất chấp việc Mỹ công nhận CHND Trung Hoa là đại diện duy nhất của toàn bộ Trung Quốc từ năm 1979 
đến nay theo chính sách “Một Trung Quốc”.

Vậy thủ tục bình thường đối với một cuộc đàm thoại giữa các nhà lãnh đạo thế giới là thế nào và những bước cần thiết nào giúp họ thực hiện cuộc điện đàm một cách suôn sẻ, đồng thời tránh được những cạm bẫy?

Có người liên hệ trước

Đầu tiên, theo BBC, sẽ không bao giờ có những câu đại loại như “Xin chào, tôi có thể nói chuyện với tổng thống hay không?” trong bất kỳ cuộc điện đàm nào giữa các lãnh đạo thế giới. Thông thường phần liên lạc mở đầu này do nhân viên chuyên trách thực hiện.

“Khi mối quan hệ giữa hai nước được thiết lập, thủ tục đơn giản là một người xử lý tình huống tại phòng điện thoại của lãnh đạo nước tôi sẽ gọi cho người cùng chức vụ ở nước bạn và nói rằng người đứng đầu nước tôi muốn nói chuyện với lãnh đạo của nước bạn” – Stephen Yates, từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, cho biết.

Đối với các quốc gia ít liên lạc thường xuyên với nhau, một đại sứ có thể thay mặt lãnh đạo nước họ để yêu cầu một cuộc điện thoại với lãnh đạo nước kia.

Đại sứ sẽ trình bày lý do cuộc gọi và nếu đồng ý, nhóm đối ứng của nước kia sẽ thêm cuộc gọi vào lịch trình bận rộn của lãnh đạo của họ.

Nhiều người chứng kiến

Dĩ nhiên cuộc điện đàm giữa các lãnh đạo thế giới thường có nhiều người khác cùng theo dõi, bao gồm các cố vấn, trợ lý và các phiên dịch viên.

Ngay cả khi các lãnh đạo thế giới thông thạo ngôn ngữ khác thì họ vẫn thường dùng tiếng mẹ đẻ để trao đổi với nhau. “Không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn để tránh sự hiểu lầm và bảo vệ sắc thái” – nhà ngôn ngữ học Kevin Hendzel từng làm việc tại Nhà Trắng nói.

Thông dịch viên cũng phải trải qua khâu tuyển chọn khắt khe, bao gồm kiểm tra lý lịch, kiểm tra nói dối và trải qua quá trình làm việc lâu dài để tích luỹ kinh nghiệm trước khi trở thành thông dịch chính cho tổng thống.

“Tổng thống sẽ chỉ cảm thấy rằng ông vừa nhấc điện thoại lên, như bao cuộc điện thoại khác, nhưng cuộc điện thoại của ông thật ra đã thông qua rất nhiều khâu kiểm tra để đảm bảo độ trung thực của nó” – ông Yates cho biết.

Khi ông Trump ngồi vào chiếc ghế nóng đó vào ngày 20-1-2017, tất cả các cuộc gọi của ông sẽ được hiệu đính và kiểm tra an ninh cao hơn.

Rất hiếm có những cuộc gọi trêu chọc đến được tay các lãnh đạo thế giới nhưng cũng không phải là không có.

Hồi tháng 1-2016, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy từng là nạn nhân của một trò bịp khi một người dẫn chương trình phát thanh gọi điện thoại giả giọng một lãnh đạo ly khai mới của Catalonia.

Năm 2003, một đài phát thanh của Mỹ có trụ sở tại Miami từng lừa được cả tổng thống Venezuela 
Hugo Chavez.

Ngoài ra, một điểm cần lưu ý trong việc điện đàm của các lãnh đạo thế giới là đường dây nóng không phải là một chiếc điện thoại.

Ví dụ đường dây nóng Matxcơva – Washington, thường gọi là “điện thoại màu đỏ”, thật ra là một hệ thống bảo mật cao cho phép thực hiện các giao tiếp trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của 
Mỹ và Nga.

“Trái với những đồn đoán, nó không thực sự là một chiếc điện thoại” – nhà ngôn ngữ học Kevin Hendzel thông tin. Đường dây, được phát triển sau khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, từng được dùng để gửi văn bản và 
hình ảnh khi Mỹ và Cuba trên bờ vực của một cuộc chiến tranh 
hạt nhân.

Đến nay đây vẫn là một kênh liên lạc mở, cho phép các cuộc hội thoại tức thời khi cần thiết. “Bởi vì khi nói đến tên lửa hạt nhân, mọi thứ đều được tính bằng phút” – ông Hendzel nhận định.

Chuẩn bị kỹ

Các lãnh đạo thế giới cũng thường thông báo trước khi điện đàm cho nhau. Tại Mỹ, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) sẽ cung cấp hồ sơ cần thiết cho tổng thống.

Nếu đó là cuộc gọi theo phép lịch sự và đơn giản, thông tin cung cấp cho tổng thống sẽ là thông tin cơ bản như ai là người liên hệ ban đầu cho cuộc gọi, hai hoặc ba điểm lưu ý khi điện đàm.

Nếu chủ đề trao đổi nhạy cảm, NSC sẽ đưa thêm cho tổng thống một bảng hướng dẫn ngắn và họ sẽ theo dõi cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia với nhau.

ANH THƯ