Ai gây áp lực học hành?: Để học sinh phát huy thế mạnh riêng
Loạt bài ‘Ai gây áp lực học hành?’ khởi đăng trên Thanh Niên từ ngày 5.12 nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Ai gây áp lực học hành?: Để học sinh phát huy thế mạnh riêng
Loạt bài ‘Ai gây áp lực học hành?’ khởi đăng trên Thanh Niên từ ngày 5.12 nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Điểm chung của các ý kiến là cách đánh giá trong giáo dục hiện nay đã khiến học sinh luôn xem việc học là áp lực thay vì niềm vui – một nguyên tắc cốt lõi và là giá trị nhân bản sâu sắc của giáo dục.
Diễn đàn tạm khép lại với những đề xuất, giải pháp nhằm giúp Bộ GD-ĐT thiết kế một chương trình đào tạo khoa học, hiện đại và nhân văn hơn trong tương lai. Đây cũng là dịp để xã hội thay đổi quan điểm về sự thành công của một con người, còn phụ huynh sẽ bình tĩnh hơn trước gánh nặng học hành của con cái.
Phụ huynh hốt hoảng trước đòi hỏi của xã hội
Về phía phụ huynh, tôi không nghĩ rằng nhiều người muốn con mình thực hiện ước mơ của họ. Mối quan tâm của phụ huynh là muốn con có vốn kiến thức để có thể sống trong một xã hội luôn phát triển và đòi hỏi phải thích nghi được với nó, nhất là trong thời đại hội nhập quốc tế. Xã hội đòi hỏi thanh niên VN phải có ngoại ngữ, biết tin học, biết đọc sách, nghiên cứu chuyên ngành, biết kỹ năng mềm… Tức là xã hội đòi hỏi một thanh niên thành công và hơi toàn hảo… Phụ huynh hoảng hốt trước những đòi hỏi của xã hội đó và luôn mong ước con mình thành công (hay chỉ cần có thể sống tốt). Thế là phải “rèn” con từ nhỏ. Phải học trường chuyên, phải học thêm. Vừa làm việc vừa đưa con đi học, phụ huynh như… trâu cày, cũng chẳng sướng gì khi bắt con mình học nhiều quá. Có những phụ huynh mừng gấp đôi con khi con được nghỉ lễ, tết. Tại sao phụ huynh nóng giận quát tháo, thậm chí đánh mắng con? Vì họ… lo sợ cho tương lai con nhiều hơn và cũng có thể vì mệt mỏi vì chuyện học hành này quá rồi.
Về phía giáo viên, đáng lý trường học phải là nơi để HS và giáo viên cùng học và cùng vui, nhưng hình như không như thế. Giáo viên cũng muốn học sinh (HS) giỏi, muốn hoàn tất chương trình kinh khủng này (chương trình vừa nặng nề vừa xa thực tế), nếu không thì mất việc như chơi.
TIN LIÊN QUAN
‘Nếu có 3 điều ước bạn sẽ ước gì? Tui chỉ cần ước một điều thôi. Ước gì chết để khỏi phải học…’, đó là mẩu hội thoại mà chị Ng.Ng.N (phụ huynh có con đang học lớp 6 tại Q.1, TP.HCM) nghe con mình nói với bạn.
Về phía HS, không học theo kịp chương trình thì nản, sẽ tạo sự không hài lòng của cha mẹ và thầy cô giáo, mang mặc cảm, bi quan, trầm cảm…
Trách ai? Trách cái vòng luẩn quẩn. Những cái cặp nặng trịch trên lưng các em, những kiến thức hoành tráng bề mặt của một chương trình phổ thông do các nhà nghiên cứu giáo dục tầm giáo sư soạn… đã làm khổ trẻ em VN, bố mẹ chúng, để rồi chúng than trách, oán hờn bố mẹ, gia đình bất hòa cũng vì xung đột giữa bố mẹ và con cái…
Ai đúng, ai sai trong vấn đề này? Cần phải có cái nhìn đúng đắn và một giải pháp trung dung khi phân định về nỗi lo của bố mẹ cho tương lai con cái, hay việc con cái đang khủng hoảng trong học hành đâm ra oán thán bố mẹ.
Nguyễn Hồng Cúc (một giáo viên tại TP.HCM)
TIN LIÊN QUAN
Ai gây áp lực học hành?: Môn nào cũng là… môn chính
Giáo viên phụ trách phòng tư vấn tâm lý ở trường phổ thông cho rằng áp lực học tập không chỉ từ phụ huynh mà còn ở phía nhà trường khi giáo viên nào cũng xem môn của mình là quan trọng.
Tạo không gian học tập thân thiện
HS ngày nay chưa thể trút bỏ hết gánh nặng của áp lực học hành là bởi có sự tác động từ nhiều phía xã hội, gia đình và nhà trường. Xã hội còn coi trọng bằng cấp, chú trọng lý thuyết khoa bảng nhiều hơn kỹ năng ứng dụng thực tế, sự lập nghiệp của mỗi người còn phụ thuộc nhiều vào học hành thi cử. Sự kỳ vọng của gia đình đặt trách nhiệm quá lớn lên vai người học, nhiều HS chưa có cảm giác là đi học cho mình, vì mình mà là vì gia đình, vì cha mẹ. Việc học ở trường phải chịu quá nhiều áp lực về chương trình, thi cử, thành tích, kể cả môi trường học đường thiếu thân thiện…
Vì vậy, để trút bỏ “tảng đá” trên vai người học, cần phải có một giải pháp đồng bộ, dài hạn. Nhưng trước nhất, nhà trường phải tạo ra một không gian học tập thật sự thân thiện. Tăng cường vai trò của công tác Đoàn, Đội, các câu lạc bộ văn thể mỹ, giảm tải nhiều hơn về chương trình, xoá bệnh thành tích, giảm áp lực về thi cử, chú trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng sở trường, sở đoản cho HS, để các em có điều kiện phát huy thế mạnh của mình. Các em cũng phải biết phát hiện bản thân để có niềm vui phấn đấu, để giảm bớt những áp lực không cần thiết và phát huy tốt nhất thế mạnh của riêng mình.
Trần Ngọc Tuấn (giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
TIN LIÊN QUAN
Ai gây áp lực học hành?: Đừng đánh giá con như cây bonsai
Không ít phụ huynh đang đặt kỳ vọng và quá nhiều ước mơ của bản thân lên vai con mình, gây áp lực quá lớn với chúng mà không hay.
Mạnh dạn thay đổi hình thức kiểm tra
Do kỳ vọng quá nhiều vào con em mà phụ huynh bỏ qua một vài hạn chế và nhu cầu, sở thích cá nhân, từ đó yêu cầu các em phải học thế này, thế kia. Đó cũng xuất phát một phần từ nhu cầu thể hiện giá trị bản thân của phụ huynh khiến cả gia đình và HS đi chệch hướng.
Ngoài ra, chương trình, sách giáo khoa tạo áp lực cho giáo viên, HS trong việc học tập và giảng dạy. Có giáo viên xin thêm tiết để dạy cho thoải mái, có quan niệm phải nhiều tiết thì HS mới thấy môn học quan trọng. Giáo viên cần nhanh nhạy, chủ động trong việc giảng dạy, nắm vững trọng tâm vấn đề cũng như kiến thức cơ bản để trang bị cho HS.
Ngoài ra, tư duy của người quản lý cũng quan trọng. Hãy mạnh dạn và khuyến khích giáo viên thay đổi hình thức và nội dung đề kiểm tra bằng cách giảm bớt lượng kiến thức học thuộc lòng, đẩy mạnh câu hỏi kiến thức vận dụng.
Trương Thị Bích Thuỷ (Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM)
Bất bình đẳng cũng là nguyên nhân gây áp lực
Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM liệt kê các nguyên nhân gây áp lực học hành: do chương trình dạy học đang sử dụng theo định hướng nội dung, tức là người ta cho rằng dạy càng nhiều kiến thức càng tốt, dẫn tới HS bị nhồi nhét về mặt kiến thức nhưng người lớn thì cảm thấy không bao giờ đủ; sự bất bình đẳng về cơ hội giáo dục do hình thành sự phân cấp trong hệ thống các trường học (trường điểm – trường thường, trường công – trường tư, lớp chuyên – lớp thường…) dẫn đến những cuộc đua “ngầm” để tiếp cận giành lấy cơ hội về giáo dục.
Hệ thống thi cử mặc dù đã giảm khá nhiều nhưng vẫn tạo điều kiện để tiếp cận các cơ hội về giáo dục. Một kỳ thi để xếp loại và phân chia HS vào các phân khúc trong giáo dục tạo nên áp lực cho cả xã hội. Vượt qua hay không vượt qua một kỳ thi có thể quyết định tương lai của một HS, dẫn tới HS và phụ huynh phải tìm mọi cách vượt qua các kỳ thi. Áp lực thành tích đẩy từ trên cao xuống đến tận HS. Ảnh hưởng của văn hóa thi cử từ bao đời nay khiến phụ huynh thường lấy kết quả học tập của con cái làm niềm tự hào cho bản thân và gia đình. Do sự đua tranh ngoài xã hội đối với phụ huynh dẫn tới việc đẩy áp lực đó lên HS…
Lam Ngọc (ghi)
|
Ý kiến:
Cần quan điểm giáo dục hiện đại
Làm sao để HS cảm thấy học tập là niềm vui, mỗi kỳ thi là một thách thức mà khi mình vượt qua sẽ rất tự hào. Quan điểm giáo dục hiện đại là đào tạo những đứa trẻ mạnh khỏe, hạnh phúc, đủ năng lực làm chủ bản thân và đủ khát khao để thành công trong cuộc sống sau này. Trong mọi trường hợp, đừng tin rằng sự sợ hãi vì bị mắng mỏ, ép buộc sẽ làm con học tốt hơn. Vì nếu như vậy các em sẽ bị ức chế, dẫn tới không còn sự nỗ lực cố gắng. Thay vào đó, phụ huynh cần dành nhiều thời gian chia sẻ, nói chuyện, khích lệ con. Hãy là người bạn của con, để con có thể thoải mái bộc lộ suy nghĩ của mình. Và đặc biệt, hãy kết nối chặt chẽ với giáo viên của con để cùng tìm hiểu và phối hợp. Tác động hai chiều từ cả gia đình và trường học sẽ giúp con vượt qua những rào cản tâm lý và tìm lại được sự hứng thú trong học tập”.
GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Đừng đánh giá con như cây bonsai
Không thể có cái gọi là chuẩn của một đứa trẻ để đo đếm, đánh giá như đánh giá một dáng cây bonsai để rồi khen ngợi hay chê bai. Tôi nghĩ chúng ta nuôi con không vì sự đánh giá của người đời mà vì tình yêu, trách nhiệm và niềm hạnh phúc vô bờ ta có được trong mối quan hệ bố mẹ và con cái”.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con)
Bỏ xếp hạng
Thay vì xếp hạng, nhà trường chỉ cần báo điểm và học lực của HS để phụ huynh tự so sánh. Việc này sẽ giúp những HS yếu không còn mặc cảm mình kém cỏi hơn so với bạn cùng lớp, từ đó giúp các em tự tin hơn và thoát khỏi cái bóng của sự yếu kém. Việc này cũng giảm áp lực với HS nói chung. Nếu giáo viên nào cũng coi môn của mình là môn chính và bắt HS học quá nhiều thì HS sẽ không tránh khỏi áp lực. Chính vì thế, hãy yêu cầu vừa phải ở HS. Cho các em cơ hội được học những điều mình thích trên cơ sở hoàn thành chương trình cơ bản.
Trần Thúy An (Hiệu trưởng Trường Trần Văn Ơn, TP.HCM)
Tuệ Nguyễn – Lê Duy – Bích Thanh – Lam Ngọc (ghi)
|