23/01/2025

Bí ẩn đại sứ quán Mỹ giả

Một đại sứ quán Mỹ giả mạo đã ngang nhiên hoạt động và cấp thị thực hợp pháp tại Ghana suốt một thập niên, trước khi bị phát hiện và dẹp tiệm.

 

Bí ẩn đại sứ quán Mỹ giả

Một đại sứ quán Mỹ giả mạo đã ngang nhiên hoạt động và cấp thị thực hợp pháp tại Ghana suốt một thập niên, trước khi bị phát hiện và dẹp tiệm.




Đại sứ quán thật của Mỹ là một tòa nhà kiên cố tọa lạc tại một khu vực đắt đỏ ở thủ đô của Ghana /// Bộ Ngoại giao Mỹ

 

Đại sứ quán thật của Mỹ là một tòa nhà kiên cố toạ lạc tại một khu vực đắt đỏ ở thủ đô của GhanaBỘ NGOẠI GIAO MỸ

Tại Accra, thủ đô Ghana thuộc Tây Phi, có một toà nhà 2 tầng màu hồng, luôn treo cờ Mỹ mỗi thứ hai, thứ ba và thứ sáu, từ 7 giờ 30 đến 12 giờ. Bên trong ngôi nhà có hình Tổng thống Barack Obama và đầy đủ các dấu hiệu cho thấy đây là đại sứ quán Mỹ tại Ghana. Tuy nhiên, theo trang state.gov của Bộ Ngoại giao Mỹ, toà nhà không thuộc quyền quản lý của chính quyền Washington, mà là công cụ hái ra tiền của các tổ chức tội phạm gốc Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ suốt nhiều năm.
6.000 USD cho giấy tờ giả
Trong khoảng một thập niên, tòa nhà trên hoạt động một cách công khai, thuê hẳn một luật sư người bản địa chuyên về luật di trú và luật hình sự. Các “viên chức lãnh sự” là công dân Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Anh và tiếng Hà Lan. Theo phía Bộ Ngoại giao Mỹ, sở dĩ phải mất nhiều năm mới triệt phá được nơi này là do bọn tội phạm móc nối được các quan chức tham nhũng, chi đậm để được bảo kê, cũng như bằng cách nào đó lấy được những tài liệu và giấy tờ hợp pháp chưa điền thông tin để có thể chỉnh sửa.
Cách đây vài tháng, quan chức điều tra là trợ lý an ninh khu vực (ARSO-I) tại đại sứ quán hợp pháp của Mỹ ở Accra đã phối hợp với Lực lượng cảnh sát Ghana, Cục Điều tra Ghana và những đối tác quốc tế khác để đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của đại sứ quán giả này.
Theo state.gov, đây là một phần của sáng kiến gọi là “Chiến dịch tiên phong Spartan”, do các nhân viên an ninh ngoại giao thuộc Văn phòng An ninh khu vực (RSO) tại Đại sứ quán Mỹ ở Ghana triển khai nhằm đối phó nạn buôn người và làm giấy tờ giả gây khó khăn cho cơ quan ngoại giao Mỹ tại Ghana và khu vực. Trong quá trình điều tra một vụ khác, một nguồn tin đã tiết lộ tin tức về đại sứ quán “dỏm” tại Accra cho ARSO-I, cũng như về sự tồn tại của sứ quán Hà Lan giả mạo ở một nơi khác. Theo tờ The Guardian ngày 5.12, phía chính phủ Hà Lan chưa trả lời về vấn đề này.
Bí ẩn đại sứ quán Mỹ giả 1

Toà nhà sứ quán “dỏm” tại AccraBỘ NGOẠI GIAO MỸ

Sau khi nhận được thông tin, quan chức Mỹ đã xác minh với các đối tác thuộc Lực lượng cảnh sát Ghana trước khi thiết lập một đội đặc nhiệm quốc tế bao gồm các đơn vị thuộc lực lượng hành pháp sở tại và Đại sứ quán Canada. Kết quả điều tra đã xác định được những kẻ đầu sỏ thao túng toàn bộ đường dây, hai địa điểm “vệ tinh” là cửa hàng bán quần áo và một căn hộ chung cư dùng để hỗ trợ hoạt động phi pháp.

Theo phía Mỹ, các “nhân viên” đại sứ quán giả không tiếp khách hàng đến liên hệ trực tiếp tại tòa nhà, mà lặn lội đến những nơi hẻo lánh nhất của Tây Phi để tìm mối. Dịch vụ làm thị thực này cũng được quảng cáo thông qua các tờ rơi. Một khi tìm được “con mồi”, băng lừa đảo sẽ chở họ đến thủ đô, bố trí họ tại một khách sạn gần đó, trước khi đưa đến sứ quán “dỏm” theo giờ nhất định. Ngoài việc cung cấp thị thực hợp pháp, đường dây này còn nhận công chứng giấy tờ, từ hồ sơ ngân hàng, hồ sơ học tập, giấy khai sinh… với giá 6.000 USD.
 
Bí ẩn đại sứ quán Mỹ giả 3

Tang vật tịch thu đượcBỘ NGOẠI GIAO MỸ

Nghi vấn chưa có lời giải

 
 
Nhu cầu về thị thực Mỹ luôn ở mức cao tại châu Phi. Các sứ quán phương Tây thừa nhận thị trường thị thực đưa người vào Mỹ là mục tiêu béo bở của các tổ chức tội phạm. Phía RSO tại Ghana cho hay sau vụ triệt phá “ổ” làm giấy tờ giả tại Accra và các chiến dịch truy bắt khác, số lượng hồ sơ giả chuyển ra nước ngoài đã giảm đến 70% tại Tây Phi.
 

Khi đội đặc nhiệm xuất quân, họ bắt được vài kẻ tình nghi và thu thập các tang chứng bao gồm laptop, điện thoại thông minh, 150 hộ chiếu của 10 nước, thị thực Mỹ hợp pháp và giả mạo, thị thực Schengen (gồm 26 nước châu Âu), Ấn Độ và Nam Phi, cùng các giấy tờ tuỳ thân giả khác. Cửa hàng thời trang – một trong 2 địa điểm đóng vai trò làm “vệ tinh” – vừa bán quần áo để che mắt dư luận, vừa là nơi in ấn làm giấy tờ giả.

Trong quá trình lục soát cửa hàng trên, viên luật sư Ghana đã tìm cách đánh lừa các nhà điều tra địa phương để ngăn cản họ tiếp cận nơi này nhằm mục đích tẩu tán tang vật, cho phép các quan chức tham nhũng có đủ thời gian sắp xếp bảo lãnh cho những thành viên của băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, phía cơ quan điều tra cũng phát hiện dấu vết cho thấy nhiều hồ sơ giả đã được gửi sang các nước châu Phi và châu Âu. Một số tên tội phạm đã lọt lưới và cảnh sát Ghana lên kế hoạch truy nã.
Cùng lúc đó, cuộc điều tra và truy lùng băng tội phạm gốc Thổ cũng được triển khai, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Khi chiến dịch kết thúc, cả Interpol và Cục Lãnh sự Mỹ đã tiếp nhận thông tin và lưu vào các cơ sở dữ liệu liên quan. Theo yêu cầu của Lực lượng cảnh sát Ghana, Phòng thí nghiệm giám định tang vật DS sẽ hỗ trợ công tác phân tích dữ liệu từ máy tính tịch thu được trong quá trình trên.
Một số câu hỏi được đặt ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vụ việc là bằng cách nào bọn tội phạm lấy được các giấy tờ gốc của chính quyền Washington, như thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ đã có bao nhiêu người đến Mỹ bằng các tài liệu hợp pháp do đại sứ quán giả in ấn trong suốt cả thập niên hoạt động.

 

Thuỵ Miên