Xem 4 tập đầu tiên của Planet Earth 2: Một hành tinh kỳ vĩ
10 năm trước, loạt phim truyền hình Planet Earth (2006 -11 tập – BBC One) đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong thể loại phim tài liệu khoa học về thế giới động vật hoang dã…
Xem 4 tập đầu tiên của Planet Earth 2: Một hành tinh kỳ vĩ
10 năm trước, loạt phim truyền hình Planet Earth (2006 -11 tập – BBC One) đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong thể loại phim tài liệu khoa học về thế giới động vật hoang dã…
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Planet Earth 1 đã thu hút hơn nửa tỉ người xem. Đầu tháng 11 này, 4 tập đầu tiên của Planet Earth 2 lại đến với khán giả màn ảnh nhỏ.
Mở đầu của phần 2 (kéo dài 6 tập, phát sóng chủ nhật hằng tuần trong hai tháng 11 và 12 năm nay), nhà làm phim tài liệu khoa học huyền thoại người Anh David Attenborough (90 tuổi), với giọng nói truyền cảm và là linh hồn của Planet Earth phần 1, xuất hiện trên một khinh khí cầu màu xanh, bay trên đỉnh ngọn núi tuyết Aps ở Thụy Sĩ ở độ cao khoảng 3km, nhìn xuống Trái đất – thế giới mà ông và những đồng nghiệp của mình đã khám phá – rồi giới thiệu tiếp về phần 2.
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Ông hứa hẹn rằng “loạt phim mới này sẽ tiếp cận các loài động vật hoang dã gần hơn bao giờ hết và chưa bao giờ thế giới hoang dã lại mong manh, quý báu như lúc này trước sự tàn phá thiên nhiên của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Loạt phim mới này sẽ khám phá lần lượt những kho báu lớn nhất trên hành tinh sống của chúng ta, cũng như tiết lộ những thông tin khoa học rất hấp dẫn về những quãng đường dài nhất, hoặc những thách thức lớn nhất mà các loài động vật hoang dã phải vượt qua để sinh tồn và tồn tại”.
Như phim thần thoại giả tưởng
Trong tập phim đầu tiên: The islands (Các hòn đảo), câu chuyện về loài lười ba móng sống trên hòn đảo biệt lập Escudo ở ngoài khơi Panama như một câu chuyện ngụ ngôn về sự cô đơn. Lười ba móng chỉ còn tồn tại vài trăm con trên Trái đất và chủ yếu sống ở hòn đảo này.
Chúng không bị cạnh tranh thức ăn hoặc sự nguy hiểm rình rập của các loài động vật lớn hơn, nhưng thách thức lớn nhất với chúng là… sự cô đơn.
Một con lười đực phải vượt qua những chặng đường gian nan để tìm bạn tình qua tín hiệu tiếng gọi; nhưng khi đến nơi, nó phát hiện con lười cái đang phải nuôi con. Một con lười cái sẽ không giao hợp với bạn tình cho đến khi con của nó trưởng thành và rời khỏi cơ thể nó để sống độc lập. Thời gian chờ đợi là thêm… sáu tháng nữa.
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Giọng đọc và lời bình của David vang lên, như nói hộ nỗi lòng của con lười lùn 3 móng: “Thế giới thiên đường cũng có những hạn chế của nó. Nhưng ít nhất, cô ấy (con lười cái) cũng không ở quá xa”.
Tạm biệt thế giới ngoài khơi Panama để tiếp tục đến với một thế giới cạnh tranh khốc liệt và dữ dội hơn, giữa ngay những loại cùng chung giống loài. Đó là trận chiến để tranh giành thức ăn và cả… bạn tình của loài rồng komodo trên hòn đảo cùng tên ở Indonesia.
Rồng komodo đã tồn tại khoảng 4 triệu năm trên hòn đảo này. Thực chất chúng là một loài thằn lằn khổng lồ dài khoảng 3m và nặng 70kg. Có hơn 2.000 con komodo sống trên đảo và cuộc chiến giữa chúng thật sự dữ dội.
Những cảnh giao đấu giữa hai con komodo hấp dẫn không kém gì một trận chiến trong loạt phim giả tưởng được thực hiện chủ yếu bằng kỹ xảo Games of Thrones.
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Nghẹt thở hơn cả là cuộc rượt đuổi sinh tử ngoạn mục giữa bầy rắn lải đen đông nhung nhúc và những chú kỳ nhông biển mới sinh ở hòn đảo Fernandina thuộc quần đảo Galapagos.
Kỳ nhông biển là loài bò sát ăn chay, sống nhờ thảm thực vật dưới đáy biển, chúng có thể lặn sâu dưới 30m và có thể nín thở nửa tiếng. Còn bầy rắn lải đen thì đông nhung nhúc, nép mình trong những hốc đá, chỉ chờ những con kỳ nhông biển mới sinh bò ra bờ biển là lao đến.
Nhiều con kỳ nhông bị rắn quấn chặt đến chết, nhưng nhiều con trong số chúng vẫn vượt qua được cuộc chiến sinh tử này, thoát ra được những vòng siết chặt của bọn rắn, tiếp tục bị những con rắn khác từ bốn phương tám hướng truy đuổi, phải thực hiện những cú bay mình qua những hẻm đá cho đến khi không còn con rắn nào có thể đuổi kịp chúng. Ngoạn mục đến nghẹt thở!
“Loạt phim mới này sẽ tiếp cận các loài động vật hoang dã gần hơn bao giờ hết và chưa bao giờ thế giới hoang dã lại mong manh, quý báu như lúc này.” |
Nhà làm phim David Attenborough |
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Ở tập hai Mountains, người xem được chiêm ngưỡng cuộc sống của những loài động vật hoang dã sống trên các ngọn núi hiểm trở nhất. Hầu như mỗi câu chuyện là một thế giới mới được mở ra, sống động và lôi cuốn hơn bất cứ tập phim siêu anh hùng hoặc thần thoại nào của Hollywood với sự trợ giúp của kỹ xảo. Đơn giản bởi chúng là thế giới thật, được ghi lại bởi những nhà làm phim đam mê và dũng cảm.
Những nhà làm phim dũng cảm
Đoàn làm phim của BBC One đã mất tới năm năm và số tiền khổng lồ cho 11 tập phim của phần 1 Planet Earth phát sóng 10 năm trước.
Với phần 2 này, BBC thậm chí còn bỏ nhiều tiền hơn và êkip làm phim của họ phải chịu những thách thức kinh khủng hơn với 117 chuyến đi quay phim, trải dài trên 40 quốc gia của tất cả các châu lục trên Trái đất, đa số là những nơi xa xôi hoặc khắc nghiệt nhất của Trái đất, kể cả Nam Cực và Bắc Cực.
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Công nghệ làm phim hiện đại hỗ trợ họ khá nhiều với những công cụ như máy bay không người lái gắn camera, máy quay kích hoạt từ xa với cảm biến chuyển động. Nhưng tất nhiên không gì có thể thay thế được con người, những nhà quay phim liều lĩnh thách thức cả mạng sống của mình để có những thước phim chân thực và sống động nhất về thế giới của mỗi loài động vật hoang dã.
Sau mỗi tập phim sẽ có phần nhật ký, ghi lại những thử thách mà đoàn làm phim này phải trải qua. Để quay về cuộc sống của bầy chim cánh cụt đông nhất trên hành tinh, họ phải đi tàu đến hòn đảo Zavadovski ở Nam Cực và di chuyển cả tấn dụng cụ lên vách núi, dựng lều và sống trong cái lạnh đóng băng âm vài chục độ để ghi hình những chuyển động của bầy chim cánh cụt kiếm thức ăn hay tìm bạn tình, sinh đẻ và nuôi con.
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Để quay những cuộc đi săn ngoạn mục của những con đại bàng núi sống trên dãy Aps, họ phải sống trên đỉnh ngọn núi Mont Blanc, chịu đựng cái lạnh đóng băng và ngồi canh đôi khi cả chục giờ liền để “bắt” được một khoảnh khắc sinh động của loài chim dữ này.
Còn để quay cú bổ nhào đạt tốc độ 300 km/h thì không loại máy quay hay máy bay không người lái có gắn camera nào có thể ghi được. Vì vậy, họ thuê một nhà dù lượn vô địch thế giới cùng một nhà quay phim để bay dù lượn trong những vách núi cheo leo, mô phỏng động tác và tốc độ bay của đại bàng, nhờ thế có thể ghi hình cú bổ nhào của loài chim săn mồi nhanh nhất thế giới này.
Planet Earth 2 – Ảnh: BBC One |
Mỗi cuộc hành trình của những nhà làm phim này được ghi lại ngắn gọn trong phần Nhật ký, chỉ khoảng 5 phút nhưng sống động và hấp dẫn, đưa người xem bước vào thế giới nghề nghiệp của họ – thế giới của những nhà làm phim dũng cảm nhất, mang đến cho khán giả toàn cầu những thước phim kỳ vĩ nhất về thiên nhiên và những câu chuyện như các thiên sử thi về các loài động vật hoang dã trên Trái đất này.
11 tập phim của Planet Earth phần 1, mỗi tập khoảng 50 phút, lần lượt cung cấp những cái nhìn tổng quan đến chi tiết về các quần thể sinh học cũng như những môi trường sống trên Trái đất của những loài động vật hoang dã. Loạt phim đoạt rất nhiều giải thưởng, trong đó có bốn giải Emmy. Mỗi tập là một môi trường sống khắc nghiệt khác nhau như Núi non, Hang động, Sa mạc, Đồng bằng, Đại dương, Rừng rậm… Sáu tập của phần 2 tiếp tục là những khám phá mới về những môi trường sống sinh tồn khắc nghiệt hơn và được thực hiện công phu hơn về mặt hình ảnh, nhờ sự phát triển công nghệ vượt bậc suốt 10 năm qua. Góp phần giúp những câu chuyện phim tài liệu về các loài động vật hoang dã như những bộ phim điện ảnh giàu kịch tính, những thiên sử thi về tranh đấu và sinh tồn là phần nhạc nền của nhà soạn nhạc từng đoạt giải Oscar Hans Zimmer. Hans Zimmer nói rằng ông dựa vào giọng dẫn chuyện mê hoặc của David Attenborough để soạn những đoạn nhạc nền phù hợp với từng câu chuyện, từng đoạn phim về thế giới thiên nhiên hoang dã kỳ bí và kỹ vĩ nhất trên Trái đất. |