Nguồn kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong thời gian qua tăng cao, lên tới trên 70% tổng lượng kiều hối, đã giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết bức bối về vốn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.
Hơn 70% kiều hối chảy vào sản xuất
Nguồn kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong thời gian qua tăng cao, lên tới trên 70% tổng lượng kiều hối, đã giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết bức bối về vốn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm VN thu hút trên 10 tỉ USD kiều hối, tốc độ tăng bình quân khoảng 10%/năm. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trong giai đoạn 1991 – 2015, lượng kiều hối chính thức vào VN khoảng 120 tỉ USD. Đáng nói là lượng kiều hối vào sản xuất tăng mạnh theo từng năm. Nếu giai đoạn 2010 – 2013, tỷ lệ này chiếm 27 – 30% thì đến năm 2015 đã vọt lên 70,6%.
Vốn rẻ thúc đẩy sản xuất
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho hay theo thống kê từ đơn vị này, lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh khoảng 72%, bất động sản khoảng 22% và hỗ trợ người thân 6%. Lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng, công ty kiều hối trên địa bàn tính đến cuối tháng 11 vào khoảng 4,4 tỉ USD, lượng kiều hối tại TP.HCM chiếm khoảng 45 – 55% tổng giá trị kiều hối cả nước.
Khảo sát cho thấy, kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau. Cách truyền thống là gửi tiền cho người thân tại VN đầu tư, kinh doanh. Bà Nguyễn (một Việt kiều sống ở Mỹ hơn 10 năm) cho hay: “Dù rằng có cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nặng tại Mỹ nhưng tôi vẫn thích gửi tiền về VN đầu tư. Mấy chị gái sống ở VN đều có công ty riêng, tôi chuyển phần tiền về để họ có vốn mở rộng sản xuất kinh doanh thay vì đi vay ngân hàng trong nước với lãi suất cao. Bởi số tiền này gửi ở ngân hàng Mỹ cũng không sinh lời nhiều”.
Để chuẩn bị cho hàng tết bán cuối năm, chị Hồng (Q.Tân Bình, TP.HCM) chuyên buôn sỉ hàng điện máy từ Thái Lan chia sẻ: “Cách đây vài tháng, người anh ở nước ngoài chuyển về cho mượn 40.000 USD. Tôi dùng tiền này mua hàng trữ bán tết. Số vốn này không tính lãi nên giá cả hàng hoá bán lại cũng giảm được chút ít, có thể cạnh tranh được với các đơn vị khác”.
Cần có chính sách hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh rõ hơn bởi đây là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài khó tăng cao hơn, vốn ODA giảm dần ưu đãi, chúng ta phải giảm vay để đảm bảo nợ công
TS Đinh Thế Hiển
Ông V.Tám, chủ một doanh nghiệp (DN) may mặc có thời gian hoạt động hơn 15 năm tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết thời gian đầu đưa hàng qua Úc, ông đã xây dựng mối quan hệ làm ăn với người anh họ đang sinh sống bên đó. Sau vài năm, mối quan hệ trở nên mật thiết hơn, ông muốn mở rộng cơ sở sản xuất và ngỏ ý vay vốn của anh. “Cơ sở xây dựng tới đâu, ông ấy túc tắc gửi tiền về theo tiến độ. Nhờ vậy mấy năm trước, tôi mở được thêm cơ sở may mặc nữa, tăng cung hàng cho nhiều thị trường hơn. Bây giờ ông ấy đang muốn biến vốn vay thành cổ phần, tôi cũng sẵn sàng hợp tác”, ông Tám cho biết.
Với lượng kiều hối hơn 100 tỉ USD những năm qua, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành tính toán mức này tương đương với số vốn ODA giải ngân. Nói thế để thấy, đây là một con số “khổng lồ”. Nếu phần lớn dòng tiền này chảy vào sản xuất – kinh doanh sẽ giúp DN nhỏ và vừa có cơ hội phát triển, tác động tích cực đến nền kinh tế. Đáng lưu ý, kiều hối vào VN không có điều kiện đi kèm như vốn ODA và một nguồn cung ngoại tệ quan trọng bù đắp cán cân thanh toán, ổn định thị trường ngoại hối, hỗ trợ tỷ giá… TS Nguyễn Trí Hiếu ví von nguồn vốn kiều hối như “tình cho không biếu không” khi VN không phải đáp ứng các điều kiện gay gắt hay phải trả lại như các dòng vốn khác. Kiều hối sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất thời gian dài mới lấy lại được vốn.
Cần có chính sách khuyến khích
Kiều hối đang vào mùa cao điểm khi còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016 và thị trường cũng đang hồi hộp chờ đợi phá con số kỷ lục hơn 12 tỉ USD từng được xác lập vào năm 2015. Ông Nguyễn Hoàng Minh tỏ ra lo lắng: “Chúng tôi đang theo dõi sát thị trường kiều hối năm nay khi những tuần qua, lượng kiều hối có biểu hiện chững lại nên cũng không kỳ vọng con số cả năm 2016 sẽ đạt được mức đề ra từ đầu năm”.
Là một trong những công ty có lượng kiều hối lớn, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty kiều hối Ngân hàng Đông Á, cũng tỏ ra lo ngại cho hay: “Dù rằng doanh số kiều hối chuyển qua công ty năm 2016 khả năng sẽ vượt 1,4 tỉ USD nhưng chúng tôi đang theo dõi kỹ thị trường Mỹ”. Theo đánh giá của ông Trần Văn Trung, kiều hối tại Mỹ chiếm tỷ trọng khá lớn trong lượng kiều hối chuyển về VN. Sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, lượng kiều hối chững lại bởi một số quy định về thủ tục cung cấp thông tin kỹ hơn từ các đơn vị nước ngoài. Nhưng yếu tố quan trọng tác động đến kiều hối giai đoạn này là sự biến động khá mạnh của các ngoại tệ trên thế giới so với USD. Một số đồng tiền nội tệ các nước giảm giá mạnh khiến việc quy đổi sang USD chuyển về VN giảm sút.
Lượng kiều hối vào VN tăng caoẢNH: NGỌC THẠCH
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kiều hối từ thị trường Mỹ chuyển về VN có thể sẽ chậm lại vì khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12 này là rất cao. Trước đây, lãi suất tiền gửi USD trong nước cao hơn nên có dòng kiều hối chuyển về nước hưởng chênh lệch. Nhưng giờ nếu các ngân hàng Mỹ trả lãi 1%, còn các ngân hàng Việt trả 0% chắc chắn kiều hối từ Mỹ về VN sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên theo ông Hiếu, nguyên nhân sâu xa đến từ việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm cho Việt kiều có kế hoạch chuyển tiền về nước đầu tư, sản xuất kinh doanh đón đầu TPP phải tính toán lại. Vì vậy, cần có những chính sách cụ thể, thông thoáng khuyến khích kiều hối chảy vào.
TS Đinh Thế Hiển đề xuất thông tin kêu gọi đầu tư cần rõ ràng, minh bạch, lan tỏa hơn nữa đến người Việt ở nước ngoài. Nhiều Việt kiều chưa có thông tin chính xác, cụ thể về môi trường đầu tư trong nước, dẫn đến tình trạng chuyển tiền về đầu tư dưới tên người khác vì lo ngại rủi ro. Điều này phần nào cản trở lượng kiều hối chuyển về. Ông cũng nói thêm: Cần có chính sách hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh rõ hơn bởi đây là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài khó tăng cao hơn, vốn ODA giảm dần ưu đãi, chúng ta phải giảm vay để đảm bảo nợ công.