23/12/2024

Sách giáo khoa cần một ngữ liệu mở

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh (ảnh), Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã trả lời phỏng vấn phóng viênThanh Niên về việc biên soạn sách giáo khoa môn ngữ văn dưới góc nhìn của một giảng viên trẻ.

 

Sách giáo khoa cần một ngữ liệu mở

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh (ảnh), Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã trả lời phỏng vấn phóng viênThanh Niên về việc biên soạn sách giáo khoa môn ngữ văn dưới góc nhìn của một giảng viên trẻ.



Chỉ nên quy định chuẩn đầu ra
Bà nghĩ sao với quan điểm cho rằng phải coi môn ngữ văn là môn công cụ chứ không phải là môn học thiên về văn chương, nghệ thuật?
Tôi đồng ý rằng đây là môn học công cụ. Học sinh (HS) học văn không phải em nào cũng để trở thành nhà văn, để viết văn cho hay, bay bổng, cảm thụ thẩm mỹ. Chức năng quan trọng nhất của môn văn theo tôi vẫn là để phát triển khả năng ngôn ngữ, hiểu biết về văn hóa, xã hội bên cạnh chức năng phát triển khả năng cảm thụ, tưởng tượng, cảm xúc, giáo dục nhân cách…
Bà có cho rằng những tác phẩm đưa vào sách giáo khoa (SGK) cách quá xa thời đại HS sống đã gây khó hiểu và không tạo được sự hứng thú của HS?
Tôi có trong tay 5 quyển SGK ngữ văn của Mỹ thì thấy rằng họ vẫn dạy những tác phẩm từ thời cổ Hy Lạp, văn học thời kỳ Phục hưng, văn học châu Phi… nghĩa là đông, tây, kim, cổ đủ cả vì dạy văn còn là dạy cả văn hoá nữa. Vấn đề không phải dạy cái gì mà vấn đề dạy như thế nào, tất nhiên đưa tác phẩm nào vào nhà trường cũng rất quan trọng và phải chọn lựa kỹ.
Sách giáo khoa cần một ngữ liệu mở - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Ngại học văn vì… sách giáo khoa !

Chương trình, sách giáo khoa môn ngữ văn hiện hành là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến học sinh chán và ngại học môn này.
Nhưng so với ta, điểm khác biệt quan trọng trong SGK của Mỹ là “ngữ liệu mở”. Họ quy định chuẩn đầu ra, mỗi bang muốn dạy thế nào thì dạy, dùng SGK nào thì dùng nhưng phải đạt được chuẩn đầu ra mà họ quy định. SGK rất dày, có đến hơn 1.000 trang đối với SGK văn, nhưng ngữ liệu của họ là mở, giáo viên (GV) không phải dạy hết tất cả các tác phẩm nhưng đảm bảo là phải trang bị được cho HS những kỹ năng cụ thể.
Như vậy, họ không chú trọng việc trang bị cho HS kiến thức gì, không bắt HS phải học thuộc những gì. Dạy 1 – 2 văn bản thơ nhưng kết quả sau cùng không phải để HS thuộc và nghiền ngẫm về văn bản thơ đó mà là để HS có kỹ năng đọc hiểu hàng trăm văn bản thơ khác. Còn nếu dạy một bài thơ mà chỉ biết về mỗi một bài thơ đó thôi thì là không đúng mục tiêu của môn học.
Ngại học văn vì… sách giáo khoa !: Cần một ngữ liệu mở

Chương trình, sách giáo khoa môn văn sắp tới cần thay đổi mạnh mẽ để hấp dẫn học sinhẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cũng có ý kiến rằng môn văn không nên dạy trích đoạn mà phải cho HS được đọc và hiểu trọn vẹn về mỗi tác phẩm… Vậy theo bà, việc biên soạn SGK nên theo hướng nào?
Tôi cho rằng chỉ có cách là đưa ra một bộ ngữ liệu mở thay vì “đóng đinh” yêu cầu dạy tác phẩm cụ thể A, B, C nào đó. Thay vì phần này chỉ có 1, 2 tác phẩm thì có nhiều lựa chọn hơn cho GV. Ví dụ, văn học trung đại có một danh sách khoảng 30 tác phẩm để GV, nhà trường chọn. Hay cũng là văn học dân gian nhưng nếu để cơ chế lựa chọn như vậy thì từng vùng miền sẽ lựa chọn những tác phẩm dân gian phù hợp với dân tộc mình. Tất nhiên, phải đảm bảo đạt chuẩn đầu ra nhất định, dù học tác phẩm nào thì HS cũng phải hiểu văn học dân gian có bao nhiêu thể loại, mỗi thể loại ấy thì có đặc điểm gì, cách đọc như thế nào.
Xây dựng cho học sinh thói quen tự đọc, tự học
Được biết, bà tự mình xây dựng một thư viện cá nhân mang tên “Sách ơi mở ra” dành cho HS. Phải chăng bà đang muốn xây dựng một thói quen đọc khác cho trẻ em?
Đúng là tôi đang cố gắng làm một điều gì đó khác với việc học văn khuôn mẫu trong nhà trường hiện nay. Nếu HS chỉ đọc những gì trong SGK thì chắc chắn là không đủ, ngôn ngữ cần dùng trong cuộc sống của mỗi người là rất nhiều. Kiến thức về văn hoá, xã hội, tâm lý là rất lớn. Điều tôi muốn làm là tìm cách xây dựng cho trẻ em thói quen tự đọc, tự học. Khi đã có kỹ năng đọc – hiểu tốt rồi thì chắc chắn các em sẽ thích thú với việc đọc, tự tìm các thể loại khác nhau để đọc như một nhu cầu tự thân. Khi đã đọc – hiểu tốt rồi thì có nghĩa là trẻ đã có khả năng tư duy, khả năng tự học.
Nhưng điều đó lại phụ thuộc rất lớn vào năng lực của GV. Thực tế thì năng lực GV cũng không đồng đều ở các vùng miền. Nếu giao cho họ quyền lựa chọn sách, chọn tác phẩm để dạy thì liệu họ có chọn được những thứ thực sự phù hợp hay không? Cũng xin nói thêm lâu nay Bộ GD-ĐT không ít lần “kêu gọi” GV đổi mới, không coi SGK là “pháp lệnh” nhưng rốt cuộc hầu hết GV vẫn cứ bám chặt vào SGK.
Tôi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với nhiều GV thì đúng là trình độ GV không đồng đều. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan đến cơ chế quản lý. Có những GV rất giỏi đã tâm sự rằng nếu dạy ngoài SGK là bị cấp quản lý có “ý kiến” ngay. Cơ chế quản lý phải nới lỏng hơn thì GV mới có điều kiện tự do sáng tạo trong giờ dạy của mình.
Giáo viên là nhân tố quan trọng nhất
Giả sử SGK hay nhưng theo bà cứ với cách dạy học như hiện nay thì cái “hay” ấy có phát huy tác dụng hay không?
Tôi luôn tâm niệm rằng dù đổi mới thế nào thì cốt lõi nhất vẫn là GV. Nếu GV không nắm được tinh thần và sử dụng được SGK ấy thì bao nhiêu công sức của người viết sách cũng đổ xuống sông, xuống biển. Như vậy, GV phải là nhân tố quan trọng nhất. Ngày trước chúng tôi cũng được học những tác phẩm như vậy nhưng thầy giáo đã làm tôi yêu thích môn văn vô cùng. Thầy không bao giờ dừng lại ở SGK mà luôn đưa vào bài dạy rất nhiều những thứ ngoài sách, cho chúng tôi thỏa sức sáng tạo với những đề kiểm tra về những thứ không có trong SGK.
Khâu đánh giá cũng rất quan trọng, nó như mục tiêu cần phải hướng tới. Nếu thầy muốn đổi mới sáng tạo mà đề thi năm nào cũng kiểm tra trở đi trở lại mấy tác phẩm quen thuộc, học thuộc lòng mấy bài như thế sẽ đạt điểm cao thì thầy có sáng tạo đến mấy cũng phải “lùi bước” vì sợ HS của mình điểm thấp, thi trượt.
Ý kiến

Tăng thêm tác phẩm hay để người học tự chọn
Từ nội dung chương trình đến hình thức trình bày, SGK môn văn luôn phải có sự điều chỉnh hợp lý. Trước nhất, cần có chương trình theo hướng mở, và khi soạn SGK cũng nên có nhiều tác phẩm (của một tác giả, về một chủ đề, chủ điểm, về một giai đoạn văn học…) để người học có quyền lựa chọn thay vì chỉ bắt buộc học tác phẩm quy định và học cái gì thì thi cái ấy. Như thế sẽ làm phong phú hơn cho chương trình, vừa thỏa mãn sự yêu thích của người học, người dạy. Muốn vậy thì việc kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi theo hướng mở.
Trần Ngọc Tuấn 
(Giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)
Nên chú ý phát triển kỹ năng hơn
Bên cạnh các tác phẩm truyền thống nên đưa những tác phẩm có hơi thở cuộc sống, kể cả sáng tác của các nhà văn trẻ vì tâm lý học trò luôn thích những điều mới mẻ. Ngoài ra, SGK mới cần chú ý đến phát triển kỹ năng cho HS hơn là chăm chăm vào kiến thức về tác phẩm, thiên về hàn lâm. Cả một quá trình học, cuối cùng thì kỹ năng là cái mà HS sử dụng nhiều nhất. Trong học ngữ văn thì kết quả được đo bằng việc sau này người học có biết soạn một bài luận, viết lá đơn, bài phát biểu… Vì vậy nên dạy HS quan sát, chắt lọc, cảm nhận hình ảnh xung quanh, hướng dẫn thực hiện kỹ năng thuyết trình, đọc, viết…
Lê Minh Tân
(Giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Thích học những tác phẩm hiện đại
Trong SGK hiện nay có một số tác phẩm thuộc giai đoạn trung đại thể hiện quan điểm sống của các nhân vật không phù hợp với suy nghĩ của HS hiện nay. Chúng em chỉ thích học những tác phẩm hiện thực, hiện đại, những tác phẩm có thể liên hệ với thực tế, với bản thân. Bây giờ không thiếu những tác phẩm mới có giá trị nhân văn và việc đưa những tác phẩm xưa cũ vào SGK không phải không có hiệu quả nhưng nên chọn lọc tác phẩm đại diện cho từng giai đoạn cụ thể. Còn lại nên đưa những tác phẩm gần gũi với lứa tuổi HS hiện nay.
Trần Ngọc Hạnh Ngân
(Học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Hoạt động đọc sách trong giờ học văn
Cần rút ngắn số lượng các tác phẩm, chỉ nên đưa những tác phẩm tiêu biểu và hãy để HS học được ngôn từ, cách hành văn từ tác phẩm đó. HS cần có hoạt động đọc sách văn học trong các giờ học văn, hãy để các em được đọc những cuốn sách yêu thích và viết bài cảm nhận về cuốn sách đó sau khi đọc xong. Đọc sách là cách rất tốt để các em học hỏi được ngôn từ hay và cách hành văn trau chuốt. Cần đưa ra các đề văn sáng tạo hơn, mới mẻ hơn và đồng thời cũng gần gũi hơn với HS.
Dương Hằng
(Nhà văn trẻ, giáo viên tự mở lớp “Sáng tác văn học dành cho các cây bút nhí” tại Hà Nội)
Bích Thanh – Tuệ Nguyễn
 
(ghi)


 

Tuệ Nguyễn 
(thực hiện)