01/11/2024

Việt sử Xứ Đàng Trong: Bang giao với các nước

Xứ Nam Hà của chúa Nguyễn ban đầu là một phần đất của Đại Việt, về sau các chúa mới mở rộng thêm ra và tăng cường mối quan hệ ngoại giao với lân bang.

 

Việt sử Xứ Đàng Trong: Bang giao với các nước

Xứ Nam Hà của chúa Nguyễn ban đầu là một phần đất của Đại Việt, về sau các chúa mới mở rộng thêm ra và tăng cường mối quan hệ ngoại giao với lân bang.

 


Tranh vẽ Hội An thế kỷ 17  /// Ảnh: T.L

 

Tranh vẽ Hội An thế kỷ 17ẢNH: T.L

Rộng lượng với người Trung Quốc
Năm Nhâm Ngọ (1702), nhân khi hoà thượng Thạch Liêm gợi ý, chúa Hiển Tông (chúa Minh) sai hai người Quảng Đông là giám sinh Hoàng Thần và nhà sư Hưng Triệt (đang theo hoà thượng Thạch Liêm sang Thuận Hóa) đem cống phẩm (kỳ nam hương thượng hạng một khối nặng 1 cân 10 lượng, kỳ nam hương một khối nặng 3 cân 10 lượng, vàng sống một khối nặng 1 cân 13 lượng, một đôi vòng đồng tâm sét, hai chiếc ngà voi nặng 350 cân, 50 sợi dây hoa, 50 cây lụi) sang nhờ tổng đốc Quảng Đông đề đạt lên Thanh triều. Sau đó, chúa Nguyễn vẫn có thư từ đi lại với tuần vũ, tổng đốc Quảng Đông.
Vì ở địa vị đối lập với Bắc Hà mà chưa phải là chư hầu của Trung Quốc, các chúa Nguyễn đối xử hậu tình với các quan lớn Trung Quốc, rộng lượng với người Trung Quốc. Người Trung Quốc đi thuyền bị bão, dạt vào hải phận Đàng Trong được đối đãi tử tế, rồi giúp cho về. Năm Đinh Mão (1747), người Hoa kiều Phúc Kiến lập mưu đánh úp dinh Trấn Biên (Phú Yên) giết cai bộ Nguyễn Cư Cẩn, tuy nhiên gặp thất bại, bị bắt cùng 57 đồ đảng. Nhưng chúa Thế Tông (chúa Vũ) chỉ bắt giam, không giết. Đến năm Bính Tý (1756), nhân có hai viên quan Mân, Chiết, đi thuyền gặp bão, dạt tới hải phận Nam Hà, chúa mới gửi bọn tù binh theo đưa về xử tội.
Những bức thư Việt – Nhật
Trong tạp chí Nam Phong số 54 (tháng 12.1921), phần chữ Hán có bài Bản triều tiên đại dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư (thư từ ngoại giao của các đời trước bản triều với Nhật Bản) của ông Sở Cuồng (Lê Đăng Dư), trong đó ông sưu tập được một số văn thư của các chúa Nguyễn, vua Lê, chúa Trịnh trao đổi với các giới công, tư Nhật Bản. Ông Sở Cuồng cho biết các văn thư ấy trích ở các sách Dị Quốc vãng lai ký, Hòa văn ngoại phiên thông thư, Cổ sự loại uyển, Nhật Bản sử liệu…
Một bức thư của chúa Hy Tông (chúa Sãi) đề ngày 22 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 20 (1619) tức năm Nguyên Hòa thứ 1 của Nhật Bản, giao cho Mộc Thôn Tông Thái Lang chấp chiếu, nói rằng Tông Thái Lang đã xin nguyện ở dưới gối, ta bằng lòng cho làm quý tộc, gọi là Nguyễn Đại Lương, tên là Hiển Hùng. Thư này trích ở sách H văn ngoại phiên thông thư và sách này chú rằng: “Đầu năm Văn Lộc (có lẽ niên hiệu của Nhật) vì muốn buôn bán với ngoại quốc, tàu Kinh, Giới, Trường Kỳ, cộng thuyền chủ 9 chiếc tàu, vượt biển sang Đông Kinh, Giao Chỉ, Đông Phố Trại, một tàu là sở hữu của Mộc Thôn Tông Thái Lang, trong năm Nguyên Hòa, qua lại Quảng Nam, quốc vương vì tình âu yếm người xa lạ, gả con gái cho Tông Thái Lang, lại cho người này lấy họ Nguyễn để giữ vững tình thân thuộc. Bức thư trên đây là của vua nước ấy ban cho lúc bấy giờ. Sau người vợ theo chồng về Trường Kỳ, rồi gặp lúc Nhật nghiêm cấm thuyền Nhật xuất dương, nên phải ở luôn lại Trường Kỳ”.
Nếu thật như vậy thì chúa Hy Tông, ngoài công nữ gả cho vua Chân Lạp, còn gả một công nữ cho thương gia Nhật Bản. Theo Phủ biên tạp lục thì chúa Hy Tông có 4 công nữ, hai công nữ có chép sự tích đầy đủ, còn hai công nữ khác là Ngọc Khoa và Ngọc Vạn thì đều chép là “khuyết truyện”, nghĩa là không nói gả cho ai, con cái thế nào. Chúng ta đã chắc một trong hai nàng này gả cho vua Chân Lạp, vậy nếu cuộc hôn nhân Nhật – Việt ấy có thật, thì người lấy chồng Nhật ấy ắt là nàng kia.
Một bức thư khác của chúa Hy Tông gửi cho Đức Xuyên Gia Khương và Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần, cho Trà Ốc Tư Lang Thứ Lang tỏ tình giao hảo, mời đến buôn bán, tặng phẩm vật. Theo bức thư của Hy Tông và bức thư của Đức Xuyên Gia Khương gửi Hy Tông, thì chúa Nguyễn đã gửi tặng trầm hương, kỳ nam, rượu, mật ong, đoạn màu, con công; Nhật gửi tặng chúa gươm, dao lớn, dao đeo lưng.
Chúa Hy Tông còn gửi thư đến quốc vương Nhật Bản đề ngày 11 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 5 (1604), tức năm thứ 9 niên hiệu Khánh Trường của Nhật Bản, xin vua Nhật chỉ cho thuyền buôn đến nước mình, chứ đừng cho đến các xứ Thanh Hóa, Nghệ An là thù địch nước mình.
Các chúa Nguyễn ở Nam Hà mở cửa tiếp xúc với các nước khác, giao thiệp, buôn bán với họ, để thu dụng những tài năng, phẩm vật, những gì mới lạ về kỹ thuật và khoa học. Từ khi chúa Thái Tổ (chúa Tiên) còn ở dinh Cát, thuyền buôn các nước đã vào sông Quảng Trị, đến buôn bán ở dinh Chúa rồi. Đại Nam thực lục tiền biên năm Nhâm Thân (1572) chép: “Bấy giờ, chúa đã ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, tàu buôn các nước nhóm hợp, biến thành một đô hội lớn”. Từ chúa Hy Tông trở đi, chúa nào cũng đặc biệt khuyến khích người Hoa, người Nhật, người Âu đến buôn bán ở xứ mình.
Năm Nhâm Dần (1602), chúa Thái Tổ lập dinh Quảng Nam, ở gần Hội An mà người Âu châu gọi là Faifo và giao cho công tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ. Hội An trở thành thương cảng mậu dịch với ngoại quốc và nơi đô hội buôn bán lớn nhất của Thuận, Quảng bắt đầu từ đó. Thương mại mở cho người mọi nước, còn ghe thuyền người Việt thì chỉ buôn bán dọc theo bờ biển đến vịnh Tiêm La mà thôi.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)

 

Phan Khoang