23/12/2024

Đi làm về, cháu làm thêm việc gì?

Đó là câu hỏi của thủ trưởng đơn vị tôi khi mình vừa bước chân vào làm việc ở một đơn vị sự nghiệp nhà nước – một câu hỏi khiến những viên chức mới vào nghề như tôi nghe thật đau lòng.

 

Đi làm về, cháu làm thêm việc gì?

Đó là câu hỏi của thủ trưởng đơn vị tôi khi mình vừa bước chân vào làm việc ở một đơn vị sự nghiệp nhà nước – một câu hỏi khiến những viên chức mới vào nghề như tôi nghe thật đau lòng.

 

 

 

Đi làm về, cháu làm thêm việc gì?
Đội ngũ công chức, viên chức trông mong mức lương phù hợp hơn (ảnh minh họa) – Ảnh: Quang Định

Câu hỏi này cũng nói lên thực tế mặt bằng lương thấp của nhiều đơn vị thuộc hệ thống nhà nước là điều ai cũng biết, đồng thời ai cũng thấy thực tế khó lòng sống được với đồng lương ấy nếu không có thu nhập thêm ở bên ngoài.

Đơn cử như với hệ số 2.34 và mức lương cơ sở 1,21 triệu đồng thì một người vừa tốt nghiệp ĐH như tôi có mức lương khoảng 2,83 triệu đồng/tháng. Tôi may mắn hơn nhiều bạn đồng học khác là làm trong đơn vị có tạo được thu nhập nên hằng tháng được hỗ trợ thêm hơn 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, với thu nhập này rõ ràng vẫn quá thấp so với chi phí của một TP có giá sinh hoạt đắt đỏ như TP.HCM. Mỗi tháng với đồng lương như thế, thử hỏi làm sao đủ cho các khoản tiền ăn, tiền nhà, tiền mua sắm, tiền lo cho con cái…?

Khi đồng lương không thể bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của bản thân và gia đình thì làm việc cho hết nhiệt tình là điều rất khó. Bởi trừ những người có kinh tế gia đình khá giả thì phần lớn những người còn lại phải có thêm nghề tay trái để đảm bảo cuộc sống của mình.

Vừa đi làm vừa lo công việc ở chỗ làm thêm nên hiệu suất làm việc thấp là điều dễ hiểu. Và tư duy làm việc cho hết giờ chứ không phải hết việc, vì vậy, đã trở thành phổ biến của lao động làm việc trong đơn vị nhà nước. Kết quả là hiệu năng làm việc của bộ máy không cao.

Đồng lương thấp còn làm cán bộ, công chức, viên chức dễ bị đồng tiền chi phối. Điều này cũng góp phần làm tệ nạn tham nhũng trở thành căn bệnh trầm kha trong bộ máy và gánh nặng lại một lần nữa đè nặng lên người dân.

Đồng lương thấp cũng dẫn đến chảy máu chất xám ở bộ máy nhà nước do không cạnh tranh lại mức lương cao ở các doanh nghiệp lớn khu vực ngoài nhà nước.

Đó là chưa kể việc bổ nhiệm chức vụ quá phụ thuộc vào bản lý lịch mà không hoàn toàn dựa vào năng lực cũng dẫn đến sự bất mãn của những người có thực tài nhưng không có lý lịch đẹp và sự “bằng mặt không bằng lòng” của các nhân viên dưới quyền.

Việc Quốc hội vừa có nghị quyết tăng lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1-7-2017) là một sự ghi nhận sự nỗ lực của Nhà nước trong vấn đề này.

Tuy nhiên, việc tăng lương này chỉ như muối bỏ biển, chưa đủ sức đảm bảo nhu cầu sống cơ bản của đội ngũ công chức, viên chức.

Nhiều năm qua, Nhà nước đã có chủ trương tinh giản biên chế để tinh gọn bộ máy, từ đó có cơ sở tăng lương cho cán bộ viên chức. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tinh giản này trong thực tế chưa được như mong muốn.

Những công chức, viên chức như tôi trông đợi thời gian sắp tới Nhà nước sẽ có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong công tác này, một phần để bộ máy nhà nước có thể tinh gọn và hoạt động với hiệu quả cao, phần khác là để đội ngũ công chức, viên chức chúng tôi có được đồng lương hợp lý hơn để sống được với nghề.

QUỲNH ANH (TP.HCM)