23/01/2025

10 năm chưa lập được quỹ điện ảnh

Quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh đã được đưa ra trong luật Điện ảnh ban hành từ năm 2007 và trong suốt gần 10 năm qua việc thành lập quỹ được đặt lên bàn thảo luận không biết bao nhiêu lần, nhưng đến nay vẫn chưa thể thành lập nổi.

 

10 năm chưa lập được quỹ điện ảnh

Quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh đã được đưa ra trong luật Điện ảnh ban hành từ năm 2007 và trong suốt gần 10 năm qua việc thành lập quỹ được đặt lên bàn thảo luận không biết bao nhiêu lần, nhưng đến nay vẫn chưa thể thành lập nổi.




Việc trích phần trăm từ tiền vé xem phim đã được nghĩ đến để tạo nguồn kinh phí cho quỹ điện ảnh /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

 

Việc trích phần trăm từ tiền vé xem phim đã được nghĩ đến để tạo nguồn kinh phí cho quỹ điện ảnhẢNH: NGỌC THẮNG

 

Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật Điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức đã diễn ra hôm qua (1.12) tại Hà Nội, trong đó các nhà quản lý điện ảnh, sản xuất, phát hành phim đưa ra những điều hạn chế, hay đã lỗi thời trong luật Điện ảnh. “Luật Điện ảnh đã có quá nhiều điểm lạc hậu và lỗi thời. Thậm chí, chúng ta có thể bỏ hẳn nhiều chương đi vì đến giờ không còn phù hợp nữa”, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thẳng thắn nhìn nhận.
“3 năm tới tiếp tục trình”
Trong luật Điện ảnh, Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh được Chính phủ quy định thành lập nhằm mục đích hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất, thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh… “Một quỹ điện ảnh như vậy rất quan trọng như để hỗ trợ cho các tác phẩm đầu tay, cho các đạo diễn trẻ, hay để các nhà làm phim nghiên cứu công nghệ mới”, bà Lương Thị Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hãng phim hoạt hình VN, bày tỏ. Các nhà quản lý điện ảnh, các nhà làm phim cùng có chung quan điểm về việc cần thiết có một quỹ điện ảnh. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới hay ngay tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đã có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. “Trong khi mình đang loay hoay lập một cái quỹ thì các nước khác đã có từ lâu để nâng đỡ tài năng của họ và họ đã tiến rất xa rồi. Hãy nhìn ra khu vực Đông Nam Á mà xem…”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ với Thanh Niên.
“Không có nguồn tiền thì làm sao thành lập quỹ được”, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, lý giải vì sao từ nhiều năm nay quỹ chưa thể thành lập. Ông Nguyễn Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh, giải thích: “Chẳng hạn như Chính phủ cấp cho quỹ số tiền là 50 tỉ đồng, hoặc 100 tỉ đồng, nhưng yêu cầu bảo toàn vốn là việc rất khó. Bởi vậy, chúng tôi đang nghĩ đến việc làm thế nào để đảm bảo nguồn thu ổn định cho quỹ”.
Giải pháp về nguồn thu được cơ quan quản lý tính đến là trích 3% doanh thu bán vé chiếu phim ở các rạp chiếu. Tuy nhiên, việc này lại “vướng” vào nhiều điều luật tài chính khác. Văn bản dự thảo thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được trình Chính phủ 3 lần nhưng không được. Mặc dù vậy, việc trích phần trăm tiền vé vẫn được coi là giải pháp được cho là tối ưu nhất để xây dựng nguồn kinh phí cho quỹ điện ảnh. “Trong năm sau, chúng tôi sẽ làm hồ sơ, 3 năm tới trình tiếp”, bà Ngô Phương Lan nói.
10 năm chưa lập được quỹ điện ảnh! 1

Cảnh trong phim Nhà tiên tri được sản xuất bằng ngân sách nhà nướcẢNH: ĐPCC

Cần quy định chi tiết việc thẩm định phim
Trong năm 2014 – 2016, Hội đồng duyệt phim quốc gia đã thẩm định 132 phim VN và 546 phim nước ngoài nhập khẩu, trong đó 69 phim được đề nghị không cấp phép phổ biến, hàng trăm bộ phim được yêu cầu chỉnh sửa. Theo nhìn nhận của đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, trong quá trình thẩm định phim, mặc dù luật Điện ảnh đã quy định nhưng lại mang ý nghĩa rộng và chung, nên khi áp dụng vào việc thẩm định các chi tiết cụ thể gặp khó khăn. “Có khi, trong hội đồng xuất hiện những ý kiến trái ngược. Có người cho rằng phải cắt chi tiết này, người lại cho rằng không được cắt. Người cho rằng không được cấp phép phổ biến bộ phim này, người lại cho rằng không có lý do gì để không cho phép”, ông Hưng bày tỏ.
Theo ông Hưng, cần có văn bản dưới luật để quy định chi tiết, cụ thể trong việc thẩm định. “Tất nhiên điện ảnh là một loại hình nghệ thuật nên việc thẩm định không bao giờ đơn giản. Và việc này còn phụ thuộc vào trình độ, quan điểm… của từng thành viên trong hội đồng”, ông Vũ Xuân Hưng bày tỏ.
Từ tháng 1.2017, tiêu chí phân loại phim mới dự kiến gồm 4 loại: P (dành cho toàn bộ công chúng), C13 (dành cho khán giả trên 13 tuổi), C16 (trên 16 tuổi), C18 (trên 18 tuổi) được áp dụng. Ông Hưng cho rằng việc phân loại mới này sẽ đáp ứng được với nhu cầu thực tế nhiều hơn và giúp việc thẩm định hiệu quả hơn.
Tắc kinh phí làm phim vì thiếu thông tư
Theo luật Điện ảnh, phim do nhà nước đặt hàng phải thông qua hình thức đấu thầu. Trong nhiều năm qua, Cục Điện ảnh đã không ít lần xây dựng thông tư đấu thầu, đưa ra nhiều phương án đấu thầu nhưng không được thông qua. Từ cuối năm 2015 và trong năm 2016, nguồn ngân sách của nhà nước dành cho làm phim bị “ách” lại. Nguyên nhân bởi không có thông tư đấu thầu nên Bộ Tài chính không cấp tiền làm phim.
Bà Ngô Phương Lan cho biết ngay từ đầu năm nay, Cục Điện ảnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính, Cục Quản lý đấu thầu để tìm cách “gỡ”, theo hướng việc sản xuất phim từ ngân sách nhà nước sẽ không phải đấu thầu rộng rãi mà thay vào đó được khoanh vào danh mục đặc biệt. Hiện danh mục này đã được trình và đang chờ Chính phủ chấp thuận. “Chúng tôi cũng sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể cho danh mục đặc biệt này”, bà Ngô Phương Lan cho biết và tin tưởng trong năm tới, đấu thầu phim sẽ có những tín hiệu lạc quan mới.

 

Ngọc An