25/01/2025

Chưa chốt ngày dừng bán xăng A92, thay bằng xăng E5

Bộ Công thương dự tính thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng pha 5% ethanol (xăng E5) và cho biết sẽ “chọn vào thời điểm thích hợp”.

 

Chưa chốt ngày dừng bán xăng A92, thay bằng xăng E5

Bộ Công thương dự tính thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng pha 5% ethanol (xăng E5) và cho biết sẽ “chọn vào thời điểm thích hợp”.

 

 

 

Chưa chốt ngày dừng bán xăng A92, thay bằng xăng E5
Cơ quan chức năng chưa chốt thời điểm thay thế xăng A92 bằng xăng E5 – Ảnh: Hữu Khoa

Sáng 29-11, thông tin được cổng thông tin Bộ Công thương phát ra nêu rõ giữa năm 2017 có thể thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5. Tuy nhiên sau đó thời gian thay thế xăng A92 đã được chỉnh sửa, không ghi rõ thời điểm.

Sẽ thay thế, nhưng chưa rõ thời điểm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cấp vụ có liên quan của Bộ Công thương xác nhận thông tin sẽ thay thế xăng A92 – loại xăng phổ biến nhất hiện nay.

Tuy nhiên, vị này khẳng định chưa thể ấn định thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5 vào thời điểm giữa năm 2017, chỉ cho biết việc thay thế các loại xăng dầu trên thị trường sẽ được thực hiện vào “thời điểm thích hợp”.

Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29-11, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định: “Chưa có quyết định cuối cùng vào thời điểm nào toàn bộ xăng A92 sẽ được thay thế, nên thông tin thay thế bằng xăng E5 vào tháng 6-2017 là chưa chính xác và hiện khó có thể thay thế vì chưa thể sản xuất quy mô lớn”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – tỏ ra khá bất ngờ khi nghe thông tin sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5 vào giữa năm 2017.

Theo ông Bảo, hiện Petrolimex chưa “xây dựng phương án”. Việc thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5, ông Bảo đề nghị phải được khẳng định bằng văn bản cụ thể.

Ông Bảo cho rằng nếu Chính phủ và Bộ Công thương đưa xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng A92 trên thị trường, Petrolimex sẽ đáp ứng. Nhưng bên cạnh nguồn nhập khẩu từ thế giới, sẽ cần khôi phục hoạt động của các nhà máy xăng sinh học đang “đắp chiếu”, đưa vào sản xuất mới đủ phục vụ thị trường.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết hiện có bốn nhà máy sản xuất xăng sinh học được đưa vào sản xuất. Nhưng chỉ có Công ty Tùng Lâm đi vào hoạt động với công suất 150.000 tấn/năm, ba nhà máy còn lại đều không sản xuất hoặc đầu tư xong thì “đắp chiếu”.

Giá thấp, dân sẽ dùng xăng E5

Về chủ trương thay thế xăng A92 bằng xăng E5, có nghĩa sẽ bỏ việc sử dụng xăng A92, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu – tổng giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực I – e ngại nếu giữa năm sau mà thực hiện xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng A92 là hoàn toàn khó khả thi.

Bởi lấy đâu nguồn để cung cấp cho thị trường trong nước khi các nhà máy sản xuất xăng sinh học đang ngắc ngoải, sắp đóng cửa.

Tâm lý người dân cũng chưa thật sự tin tưởng vào sản phẩm này. Bởi sau hai năm triển khai bán xăng E5 thì lượng xăng này được tiêu thụ rất chậm, chỉ chiếm tỉ lệ một vài phần trăm so với xăng A92. Xăng E5 chỉ thấp hơn xăng A92 có 150 đồng.

Ông Tiu cho rằng nếu giá xăng E5 thấp hơn xăng RON 92 từ 1.000 đồng/lít, thậm chí 2.000 đồng/lít, người tiêu dùng sẽ cân nhắc mua xăng E5.

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, cho rằng cơ quan quản lý chỉ nên khuyến khích sử dụng xăng E5.

Phải giảm giá thành xăng E5

TS Phạm Quang Thăng, Viện Công nghệ môi trường (Viện hàn lâm Khoa học VN), cho biết nhiều nước trên thế giới đã dùng phổ biến xăng E20 (tỉ lệ pha chế ethanol lên đến 20%) vì xăng này giảm phát thải khí nhà kính, có khả năng tái tạo, giúp phát triển kinh tế vùng…

Ông Thăng cho rằng nhiên liệu sinh học sẽ có tương lai vì nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt dần, giá thành sẽ tăng. Tuy nhiên, hiện nay xăng E5 có giá thành đắt hơn xăng thông thường.

Về lâu dài để không phụ thuộc vào việc trợ giá và có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi, cần tính toán việc hạ giá thành sản xuất xăng sinh học, tập trung vào việc giảm giá nguyên liệu, sử dụng những nguồn nguyên liệu là phế phẩm, phế liệu từ sản xuất nông nghiệp (rơm rạ), mía đường, chế biến thủy sản… để vừa giải quyết vấn đề môi trường vừa giải quyết vấn đề năng lượng.

Cũng cần “đặt hàng” các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển những công nghệ mới hơn nhằm sử dụng, tận dụng được các nguyên liệu rẻ, sẵn có của VN, tối ưu được nguồn năng lượng khai thác 
từ các chế phẩm này.

Chưa nên xoá ngay quyền lựa chọn của dân

Theo ông Phạm Quang Thăng, nên tiếp tục sử dụng song song cả hai loại xăng sinh học và xăng thông thường như nhiều nước. Khi giá dầu mỏ tăng, xăng sinh học rẻ hơn, người tiêu dùng sẽ tự nguyện chọn xăng E5.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (viện trưởng Viện cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội):

Nhiều cơ hội cho xăng E5

Nghiên cứu tác động của việc sử dụng xăng sinh học E5 đến động cơ xăng xe máy và ôtô đã được thực hiện khá đầy đủ tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Khi sử dụng xăng E5, công suất và lực kéo tăng hơn so với sử dụng xăng A92.

Nhiệt trị không cao bằng, nhưng tiêu thụ nhiên liệu xăng E5 giảm nhờ công suất được cải thiện. Nên việc sử dụng xăng E5 không tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn so với xăng RON92.

Tuy nhiên, giá xăng E5 chưa hấp dẫn, biện pháp khả thi để hạ giá thành là sản xuất với số lượng lớn, áp dụng các công nghệ tiên tiến và khép kín. Cần lưu ý ethanol còn có thể sản xuất từ rơm, rạ, lá, gỗ, bã mía, mùn cưa…

N.AN – L.THANH – T.HÀ