Tư vấn tâm lý học đường: Cần những hỗ trợ cụ thể
Tư vấn tâm lý trong nhà trường phổ thông từng được Bộ GD-ĐT đưa vào nhiệm vụ năm học, có trong nhiều chủ trương nhằm khắc phục các hiện tượng tiêu cực ở học sinh. Tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng lại ở… chỉ đạo.
Tư vấn tâm lý học đường: Cần những hỗ trợ cụ thể
Tư vấn tâm lý trong nhà trường phổ thông từng được Bộ GD-ĐT đưa vào nhiệm vụ năm học, có trong nhiều chủ trương nhằm khắc phục các hiện tượng tiêu cực ở học sinh. Tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng lại ở… chỉ đạo.
Tư vấn viên Đinh Quang Ngọc tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Những động thái mang tính hỗ trợ, cả về mặt pháp lý tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường, vẫn gần như không được quan tâm.
Hà Nội: ít trường đầu tư
Từ hơn chục năm trước, Hà Nội đã có một số trường mở phòng tư vấn tâm lý. Việc này nằm trong chương trình thử nghiệm do khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên, theo TS Phạm Mạnh Hà, sau khi chương trình của họ rút đi thì các phòng tư vấn tâm lý – nơi họ đặt nền móng cho một số trường tại Hà Nội – cũng co lại, hoạt động không liên tục hoặc dừng hẳn.
Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, một trong những nơi từng được thí điểm mở phòng tư vấn tâm lý (chương trình của Trường ĐH KHXH&NV), lãnh đạo nhà trường cho biết vẫn cố gắng duy trì phòng dù có quá nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là không có giáo viên chuyên trách. Việc hợp đồng với cán bộ chuyên ngành tâm lý giáo dục, trường không biết lấy kinh phí từ nguồn nào.
Ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cách đây năm năm đã có học sinh tự tử vì giận cha mẹ. Xuất phát từ những nguy cơ tiềm ẩn khi đời sống tinh thần của học sinh thiếu sự chăm sóc, trường đã mở phòng tư vấn tâm lý.
“Ngoài tư vấn trực tiếp, trong hai năm qua trường tôi vẫn duy trì việc cử nhóm cán bộ theo sát học sinh trên Facebook để chia sẻ, tư vấn cho các em, phát hiện sớm những vấn đề tiêu cực vừa nhen nhóm, có tính lây lan cho số đông học sinh…” – bà Phương Anh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Tuy nhận được những phản hồi tốt, nhưng bà Phương Anh cũng thừa nhận việc mở phòng tư vấn tâm lý gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí và con người là những khó khăn cơ bản.
“Mở ra thì dễ, nhưng duy trì và đáp ứng được nhu cầu của học sinh là điều không dễ. Cán bộ tư vấn cần nhiều thời gian, sự hỗ trợ của các thầy cô khác, của cha mẹ học sinh, thậm chí có những sự việc cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cán bộ y tế, chuyên gia tâm lý…
Ngoài ra, hướng dẫn về pháp lý không rõ ràng, cụ thể, các quy định chưa rõ về kinh phí hoạt động, quy định thời gian lao động của cán bộ tư vấn chuyên trách, cơ sở pháp lý cho việc tuyển dụng cán bộ… Đó là những khó khăn lớn khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, hoặc ngần ngại mở phòng tư vấn” – một hiệu trưởng trường công lập ở Hà Nội bày tỏ.
TP.HCM: đã khó lại càng khó
TP.HCM được các chuyên gia tâm lý đánh giá khá cao về hiệu quả thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường với nhiều sáng kiến, sáng tạo phù hợp với thực tế.
Nắm bắt nhu cầu bức thiết của học sinh, đồng thời hiểu được sự khó khăn của nhà trường phổ thông, năm 2008 Sở GD-ĐT TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản số 5344 về định biên các chức danh trong tổ chức bộ máy các trường học tại TP.HCM.
Đặc biệt, với trường THCS, THPT có chức danh giáo viên tâm lý và giám thị. Điều này đồng nghĩa với việc các trường trung học được tuyển giáo viên tâm lý theo biên chế, chứ không phải hợp đồng (tự trả lương) như trước.
Từ đó đến nay, công tác tư vấn học đường ở TP.HCM bắt đầu khởi sắc, dù việc tuyển giáo viên tư vấn và giữ họ ở lại với nhà trường không dễ dàng. Đại diện Sở
GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP, các trường trung học phải chú trọng công tác tư vấn học đường. Họ đăng ký tuyển giáo viên tư vấn, nhưng rất ít khi Sở GD-ĐT tuyển được đủ chỉ tiêu. Chưa kể tình trạng đã tuyển được rồi nhưng khi về công tác tại trường một thời gian, nhiều giáo viên đã bỏ việc.
Nguyên nhân vì thu nhập quá thấp, giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Một số trường có tạo điều kiện cho giáo viên làm thêm như hỗ trợ công tác học vụ, quản lý hồ sơ, tổ chức hoạt động ngoại khóa… nhưng thu nhập thêm không đáng là bao. Nhiều trường cố gắng lắm cũng chỉ trả lương được 5 triệu đồng/tháng/giáo viên”.
Một giáo viên tư vấn tâm lý tại một trường THPT ở nội thành TP.HCM chia sẻ: “Giáo viên tư vấn rất khó tìm việc làm thêm, trừ khi các thầy cô có mối quan hệ từ thời sinh viên. Đó là chưa kể có giáo viên tư vấn không được hoạt động đúng với những gì mình mong muốn.
Có trường giáo viên chỉ xin một phòng riêng kín đáo, có bàn ghế, quạt máy đàng hoàng để làm nơi học trò trút bầu tâm sự, nhưng cả năm trời nhà trường không sắp xếp được vì phòng học vẫn còn thiếu”.
Vậy nhưng tháng 11-2015, UBND TP.HCM đã có công văn bãi bỏ công văn 5344 bởi trong một đợt thanh tra, kiểm tra, TP.HCM đã bị “bắt giò”, làm sai quy định: hai chức danh giáo viên biên chế và giám thị không có trong thông tư hướng dẫn về định biên, định mức, chức danh giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập.
Chưa hết, thời gian gần đây nhiều giáo viên tâm lý ở TP.HCM tỏ ra băn khoăn vì thời gian tới họ sẽ không được hưởng lương theo ngạch của giáo viên, mà chỉ được hưởng lương theo ngạch của nhân viên (không có phụ cấp đứng lớp).
Chức danh chính thức cho giáo viên tâm lý trong nhà trường không có, các quy định về lương, thưởng, thi đua… cũng chưa rõ ràng, trong khi ai cũng biết công tác tư vấn học đường là nhu cầu bức thiết trong xã hội hiện nay. Chẳng lẽ Bộ GD-ĐT chỉ đạo suông là xong?
Cho chủ trương… để trường tự “bơi”
Dự thảo mới nhất của Bộ GD-ĐT sắp ban hành, hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông là một trong những động thái thể hiện việc khuyến khích các nhà trường quan tâm hơn tới công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Dự thảo này đưa ra các nội dung cần tư vấn, các hình thức tư vấn và việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng trách nhiệm tổ chức thực hiện từ việc điều người đến kinh phí, dự thảo lại quy định các trường… chủ động lo! Đây là điều khiến nhiều nhà quản lý, giáo viên cho rằng sẽ không thay đổi được thực trạng gì khi các trường phải tự “bơi”. |