Công nghiệp Việt Nam thiếu “anh cả”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông VŨ THÀNH TỰ ANH, giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng tư duy công nghiệp của VN vẫn dừng lại ở mấy chục năm trước.
Công nghiệp Việt Nam thiếu “anh cả”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông VŨ THÀNH TỰ ANH, giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng tư duy công nghiệp của VN vẫn dừng lại ở mấy chục năm trước.
Dây chuyền lắp ráp ôtô du lịch tại Việt Nam – Ảnh: TTXVN |
Đó là việc chọn nhiều ngành công nghiệp ưu tiên một cách duy ý chí, sau đó chọn doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo trong những ngành ưu tiên này
Đến khi có những Vinashin, Vinalines… thua lỗ thì xử lý với chi phí lớn. Trong khi nếu nhìn vào cơ cấu sản xuất công nghiệp thì trên 50% là từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau đó là tư nhân và cuối cùng là Nhà nước.
Trên 85% giá trị sản xuất công nghiệp đến từ FDI và tư nhân, nhưng chính sách vẫn dựa vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Không thể tiếp tục với tư duy cũ
* Chúng ta đang nói câu chuyện phải thay đổi tư duy. Vậy ông đã thấy điều đó hay chưa khi ngành ôtô không đạt tỉ lệ nội địa hóa nhưng vẫn được xác định là ngành kinh tế chủ lực?
TS Vũ Thành Tự Anh – Ảnh: T.Thắng |
– Với những điều chỉnh chính sách gần đây, tôi tin Chính phủ đã nhận ra rằng không thể tiếp tục với tư duy và cách làm cũ. Tuy nhiên, tư duy và cách làm mới như thế nào vẫn đang dò dẫm.
Trong khi đó, một điều rất đáng lo ngại là ngày càng thấy bóng dáng của nhóm lợi ích bất chính trở nên đậm nét trong các chiến lược, quy hoạch công nghiệp.
Ví dụ như với công nghiệp thép, Việt Nam muốn có ngành thép cạnh tranh, tạo nền tảng cho công nghiệp trong nước, giảm giá thành đầu vào cho các ngành khác như luyện kim, chế tạo máy, xây dựng dân dụng và công nghiệp phụ trợ.
Mục tiêu này hoàn toàn hợp lý, song cách thức đạt được mục tiêu này thông qua những dự án như Formosa hay Cà Ná lại lợi bất cập hại.
Với những “khuyến khích ngược” về trợ cấp và môi trường như hiện nay, nhiều DN thép chỉ tồn tại được khi được trợ cấp toàn diện đầu vào như dự án thép Cà Ná, được bảo vệ đầu ra nhờ chính sách tự vệ thương mại và không phải trả đủ chi phí ô nhiễm môi trường như Formosa.
Tương tự là ngành lắp ráp ôtô với nhiều đặc quyền đặc lợi cho những DN lớn, loại bỏ DN nhỏ và vừa (DNNVV) ra khỏi thị trường. Thêm vào đó, việc đặt ra rất nhiều điều kiện kinh doanh đã cản trở việc gia nhập thị trường, vô hình trung tạo ra lợi thế độc quyền của các DN hiện hữu.
* Việt Nam có tới 97% DNNVV, theo ông, nên dựa vào đối tượng DN nào để không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?
– Về phía các DNNVV, thực trạng đáng buồn là quy mô trung bình của khu vực này đã và đang suy giảm đáng kể về cả lao động và vốn.
Điều họ cần nhất không phải là trợ cấp hay giảm thuế mà quan trọng hơn, trước tiên cần công nhận vai trò trụ cột của họ trong nền kinh tế. Tức là mối quan hệ giữa Nhà nước và DN cần phải được thay đổi căn bản để DN dân doanh không phải là “con ghẻ”, trong khi DNNN là con đẻ, FDI là con nuôi.
Từ nhận thức này mới có thể có sân chơi bình đẳng và minh bạch, DNNVV mới không bị trói chân trói tay khi cạnh tranh, nhờ đó phát triển năng lực để trở thành nhà cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Biện pháp “trợ cấp” thiết thực và hiệu quả nhất của Nhà nước là xây dựng một hệ thống GD-ĐT và dạy nghề tương thích với xu thế công nghiệp hiện đại, tức là tạo ra lực lượng lao động có khả năng tiếp thu công nghệ mới, có thể thích nghi linh hoạt với môi trường biến động và có năng lực áp dụng sáng tạo tri thức và công nghệ mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội cần hỗ trợ DN trong việc tiếp cận thông tin. Trong thế giới ngày nay, thiếu thông tin đồng nghĩa với mất cơ hội. Đơn cử như các DN xuất khẩu tôm cá ở đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối diện với rất nhiều rào cản kỹ thuật và hầu hết phải tự bơi.
Nếu họ được tiếp cận những thông tin này và các tiêu chuẩn mới được giám sát chặt chẽ thì đã tránh được nhiều trường hợp hàng bị trả lại, gây mất uy tín tại nhiều thị trường xuất khẩu.
Cải cách về năng lực thể chế
* Vậy sự thay đổi trong tư duy nếu có ở Việt Nam, theo ông, điều cần thiết nhất là gì?
– Đầu tiên cần hiểu rằng trong khi thế giới đang tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp giai đoạn 4 thì về cơ bản, Việt Nam vẫn chủ yếu ở giai đoạn 2 – tức là dây chuyền gia công, lắp ráp.
Mục tiêu của chiến lược và chính sách công nghiệp vì vậy là bắt kịp xu thế toàn cầu để không bị “lỡ tàu” một lần nữa.
Rõ ràng khi thế giới đang thay đổi liên tục bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta phải thay đổi tư duy và thực hiện để thích nghi với cuộc cách mạng này. Đó là cải cách về năng lực thể chế, cách ra chính sách, thực hiện quy hoạch và chiến lược.
Về mặt thể chế, cần phân định rõ rệt vai trò của thị trường và Nhà nước. Thông điệp Nhà nước chỉ làm những gì mà DN không muốn làm hoặc không thể làm cần được tuân thủ, để tạo điều kiện cho tư nhân được tham gia mọi hoạt động kinh tế.
Chẳng hạn như tại sao Nhà nước vẫn phải cố giữ các DNNN trong những ngành như dệt may, cao su hay sữa?
DN là lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp này, vì vậy muốn thành công thì phải có nhiều DN có năng lực cạnh tranh.
Nguyên lý là môi trường kinh doanh nào sẽ tạo ra DN có năng lực cạnh tranh ấy, vì vậy không thể cứ tiếp tục biệt đãi một số tập đoàn nhà nước và tư nhân, mà phải khuyến khích cạnh tranh bình đẳng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng sẽ tạo ra những loại hình kinh doanh mới mà chính sách chưa theo kịp để quản lý. Có cách nào dung hòa giữa quản lý và thúc đẩy khởi nghiệp?
Rõ ràng cần phải chấp nhận thực tế là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sẽ tạo ra nhiều loại hình kinh doanh mới như Uber, Facebook, Airbnb…
Thay vì để những DN đó tồn tại ngoài vòng pháp luật thì cần chấp nhận và đưa vào đối tượng điều tiết, từ đó có biện pháp thích hợp để thu thuế và đảm bảo lợi ích người lao động, khách hàng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) là một thuật ngữ với nội hàm bao gồm một loạt công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet của vạn vật và Internet của các dịch vụ tương tác với nhau và với con người. |
* PGS.TS Huỳnh Thành Đạt (phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM): Tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước Chính phủ đang xây dựng mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Điều cần thiết là cần xây dựng danh mục chi tiết những sản phẩm cho các lĩnh vực trên để thí điểm thực hiện chiến lược tái cấu trúc công nghiệp. Gắn với đó là tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước; thí điểm hỗ trợ vốn, đất đai, thông tin xúc tiến thương mại cho một số tập đoàn tư nhân phát triển; ưu đãi cho các nhà đầu tư sản xuất các mặt hàng công nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. * TS Nguyễn Thắng (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam): VN cần có các định chế và chính sách phù hợp Việt Nam đã tỏ ra yếu kém trên bảng xếp hạng về khả năng cạnh tranh, công nghệ và năng lực sáng tạo, nhưng không phải là không có cơ hội khi ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Điều này có thể giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới cho một số sản phẩm chế tạo công nghệ cao có chọn lọc. Để nắm bắt những cơ hội này hướng tới nâng cấp năng lực công nghệ và kỹ năng, tăng giá trị gia tăng nội tại, từ đó tránh được “bẫy lắp ráp”, Việt Nam cần có các định chế và chính sách phù hợp có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong việc khắc phục những hạn chế ràng buộc liên quan đến nguồn vốn, quản lý rủi ro và nguồn nhân lực chất lượng cao. * Ông Tô Hoài Nam (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa – SMEs): Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho các SMEs Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vô cùng quan trọng. Bởi hiện đa số SMEs Việt Nam đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó 52% đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% là thiết bị hiện đại. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học – công nghệ của doanh nghiệp bình quân chiếm 0,3% doanh thu. Bước vào cuộc cách mạng 4.0 thì nguồn nhân lực công nghệ cao là thách thức đầu tiên và rất lớn đối với SMEs, đặc biệt là khi nền tảng công nghệ cao còn hạn chế, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết… Do đó, vấn đề cần thiết nhất là hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho các SMEs để phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, trọng điểm. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, quản trị doanh nghiệp… |