‘Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình’
Năm 1969, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, tôi đã may mắn được gặp trực tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi phiên dịch cho đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu thăm Cuba.
‘Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình’
Năm 1969, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, tôi đã may mắn được gặp trực tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi phiên dịch cho đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu thăm Cuba.
Sức hấp dẫn rất lớn
Trong cuộc gặp, ông Fidel có hỏi tôi đang làm ở bộ phận nào. Khi biết tôi là sinh viên, ông nói: “Nhìn đồng chí, tôi lại nhớ thời kỳ còn hoạt động sinh viên”. Fidel từng là lãnh tụ sinh viên và đã tham dự rất nhiều hội nghị quốc tế thanh niên, sinh viên ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là lần gặp ông trực tiếp đầu tiên của tôi.
Thời gian tôi học tập ở Cuba (1967 – 1971, PV) cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của VN đang diễn ra ác liệt. Thời kỳ đó, tin tức về VN xuất hiện thường xuyên trên đài, báo Cuba. Trong thời gian học đại học ở Cuba thì tất cả những lần Fidel nói chuyện, tôi cũng như các sinh viên VN khác đều đi nghe. Mỗi cuộc nói chuyện của ông đều kéo dài từ 3 – 5 tiếng nhưng chúng tôi đều nghe từ đầu đến cuối. Đồng chí phụ trách sinh viên VN lúc đó có nói Fidel nói chuyện thì dù trời mưa to cũng không có ai đi tránh mưa mà tất cả đều đứng yên lắng nghe.
Từ đó đến nay đã gần 50 năm, tôi hầu như không bỏ sót bài phát biểu nào của ông. Kể cả lúc không có ở Cuba thì đều tìm xem hoặc đọc lại. Trực tiếp dự các buổi diễn thuyết của Fidel thì có thể thấy ông có một sức hấp dẫn rất lớn với các đối tượng thành phần xã hội.
Năm 1966, Fidel phát biểu tại Hội nghị đoàn kết nhân dân Á, Phi, Mỹ Latin và ông đã có một câu nói được xem là biểu tượng cho tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa 2 nước. Cần nhớ là tổ chức hội nghị này có công lớn của Cuba nhằm kết nối phong trào đoàn kết châu Mỹ Latin với châu Phi và châu Á đã có trước đó. Thời điểm ấy, báo chí phương Tây nói Cuba thiếu thốn đủ mọi thứ vì gửi phương tiện sang giúp VN đánh Mỹ. Đáp lại, Fidel cho biết thông tin đó chỉ đúng một phần thôi. Cuba ủng hộ đường và thuốc men cho VN còn các loại hàng hoá khác thì không phải, nhưng ông khẳng định nếu điều đó là sự thật thì cũng không có gì sai cả. “Vì VN, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình”. Cũng nhờ tinh thần đoàn kết với VN của Cuba nói chung và Fidel nói riêng đã dấy lên phong trào đoàn kết ở Mỹ Latin với VN rất mạnh mẽ cho đến khi chúng ta thống nhất đất nước.
Sau này trực tiếp tham gia các đoàn cấp cao thăm Cuba, tôi càng thấy ấn tượng về tình cảm sâu đậm của Fidel cũng như người dân Cuba dành cho VN. Quan niệm của Fidel là VN kháng chiến chống Mỹ không chỉ vì riêng VN mà còn vì các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Vì thế, đoàn kết với VN là lương tâm, trách nhiệm của Cuba cũng như các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latin.
3 lần đến Việt Nam
Fidel từng đến thăm VN 3 lần. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra từ năm 1973. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tới Quảng Trị, vùng giải phóng Nam VN, sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1.1973). Trong chuyến thăm đó, Fidel đã nhắc lại câu nói trong thời chiến Cuba đã sẵn sàng vì VN mà hiến dâng cả máu của mình thì Cuba tin tưởng chắc chắn VN sẽ chiến thắng. Đến khi hoà bình, Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng lại VN đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp 10 lần như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Những câu nói như thế đã in đậm trong lòng nhân dân VN về tình đoàn kết giữa 2 nước. Cũng trong chuyến thăm, Fidel quyết định giúp VN làm đoạn đường nối Quảng Bình – Quảng Trị với suy nghĩ sau này, khi giải phóng miền Nam phải có đường để các phương tiện cơ giới như xe tăng, pháo di chuyển. Đoạn đường này hiện đã trở thành một phần của đường Hồ Chí Minh.
Sau đó, Cuba tặng VN 5 công trình kinh tế – xã hội gồm khách sạn Thắng Lợi ở Hà Nội, đoạn đường Sơn Tây – Xuân Mai mà hiện vẫn còn rất tốt, nông trường bò sữa Mộc Châu với 1.200 con bò thụ thai ở Cuba và đẻ ở VN, nông trường gà ở Lương Mỹ (Hoà Bình) sau thành nơi cung cấp giống gà cho cả miền Bắc và một bệnh viện 500 giường ở Đồng Hới (Quảng Bình). Có thể nói tình cảm của Fidel với VN trước sau như một, cùng chiến đấu, hỗ trợ nhau, ưu tiên, ưu đãi nhau phát triển đất nước xây dựng CNXH…
Sau này trong chuyến thăm Cuba của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2007, Fidel có nói: “Tình đoàn kết Cuba – VN là biểu tượng của thời đại”. Đó là nhận định có tính tổng kết cao về tình đoàn kết đặc biệt giữa 2 nước. Qua những lần dự các cuộc gặp của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nước ta và Fidel, tôi nhận thấy tình cảm sâu đậm thực sự, có lẽ xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cùng là thuộc địa đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên CNXH…
Cuba là nước nhỏ, chỉ có 11 triệu dân ở cạnh một nước lớn là Mỹ, bị bao vây cấm vận hơn nửa thế kỷ nhưng Cuba rất kiên cường, dũng cảm. Mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố chính sách bao vây, cấm vận là hết sức lỗi thời và đã bắt đầu tiến hành quá trình bình thường hóa quan hệ.
Chưa hết, đất nước Cuba do Fidel lãnh đạo mang tinh thần quốc tế vô sản rất cao. Cuba đã từng giúp rất nhiều dân tộc ở Mỹ Latin, châu Phi trong công cuộc giải phóng dân tộc của mình. Quan niệm của Fidel và cách mạng Cuba đó là “Tổ quốc là nhân loại”. Vì vậy, với các nước bị áp bức thì Cuba dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần quốc tế vô sản vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ. Điển hình có thể kể đến Nambia, Angola, Nam Phi…
Là một người có hàng chục năm công tác, học tập, làm việc với Cuba, với tôi, việc lãnh tụ Fidel Castro qua đời là mất mát to lớn với nhân dân Cuba cũng là phong trào giải phóng dân tộc thế giới, trong đó có nhân dân VN. Những di sản mà Fidel để lại là những tài sản quý báu cho Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba. Mong rằng các thế hệ tiếp theo của Cuba sẽ tiếp tục trung thành với đường lối con đường đã được ông lựa chọn, phấn đấu hơn nửa thế kỷ qua, tiếp tục đạt được thắng lợi ngày càng to lớn hơn. Đó là niềm tin của tôi.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, Rafael Carlos, đầu bếp quán ăn trong khu phố cổ tại Havana cho biết: “Lúc đó đã khuya, tôi chuẩn bị đi ngủ thì có người gọi báo tin. Ban đầu tôi không tin dù biết việc hệ trọng liên quan đến lãnh đạo đất nước như vậy thì không ai dám đùa. Hàng xóm nhiều người xem ti vi thấy đúng là có thông báo thật. Đây thật sự là mất mát lớn của Cuba”.
Ông Nguyễn Trọng Việt, bác sĩ nội trú chuyên khoa tim mạch ở tỉnh Villa Clara, cũng chia sẻ: “Tôi quá bất ngờ vì mới cách đây một tuần, Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn sang Cuba và đến thăm ông Fidel Castro. Lúc đó xem ti vi thấy ông vẫn còn mạnh khỏe lắm. Ai ngờ… ông ra đi quá đột ngột. Tối qua người dân hầu như không ngủ được vì tin dữ này”.
Nguyễn Tập
|
Phạm Tiến Tư (Phó chủ tịch Hội Hữu nghị VN – Cuba, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Cuba)
Trường Sơn (ghi)