Để tìm hướng ra cho hạt gạo VN, mới đây tỉnh Sóc Trăng cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm. Tham gia đoàn còn có GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu VN.
Đi Campuchia học… trồng lúa
Để tìm hướng ra cho hạt gạo VN, mới đây tỉnh Sóc Trăng cử đoàn cán bộ sang Campuchia học tập kinh nghiệm. Tham gia đoàn còn có GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu VN.
Thị trường gạo thế giới từ đầu năm đến nay đang trong xu thế giảm. Tuy nhiên, báo chí Campuchia cho biết tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này vẫn tăng. Tính đến hết tháng 10, Campuchia đã xuất khẩu được 421.000 tấn gạo so với 408.000 tấn hồi cùng kỳ năm trước. Ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, Campuchia còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu như Pháp, Ba Lan… Thực tế này cho thấy Campuchia đang trở thành hiện tượng thú vị trên thị trường lúa gạo thế giới mấy năm gần đây.
Giá trị gạo tăng 65%
Bài học kinh nghiệm của Campuchia có lẽ đã được các chuyên gia nông nghiệp và báo chí nhắc đến khá nhiều. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên người Việt chính thức sang tận Campuchia để “mắt thấy tai nghe” những điều họ làm được.
Ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, “cha đẻ” giống lúa thơm đặc sản mang thương hiệu “ST”, cho biết: “Được sự đầu tư của chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngành nông nghiệp Campuchia đã có những bước đi rất bài bản để đạt được kết quả như hôm nay. Đầu tiên, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Campuchia tổ chức bình tuyển và chọn ra giống lúa Phka Roumdoul vào năm 2009. Họ đưa sản phẩm đi dự thi đấu xảo quốc tế 3 năm liền (2012 – 2014) và đều đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Sau khi bình tuyển xong, họ tiếp tục thanh lọc và mở rộng diện tích gieo trồng giống này. Hiện Campuchia gieo trồng các giống lúa thơm lên đến 40% diện tích. Ngoài giống lúa thơm ngon “số 1 thế giới”, họ còn tổ chức xây dựng mô hình sản xuất gạo hữu cơ. Có khoảng 100.000 hộ nông dân sản xuất lúa hữu cơ với quy mô lên đến 50.000 ha. Sản phẩm được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko – Garantie của Đức chứng nhận hữu cơ”.
Chìa khoá thành công của ngành lúa gạo phải là đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh của ngành nông nghiệp ngày mai
GS-TSBùi Chí Bửu,nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam
Theo ông Cua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Campuchia rất biết cách khai thác các thị trường cao cấp khi họ in logo gạo ngon nhất thế giới lên thương hiệu của mình. Hiện nay, gạo thơm của Campuchia được rất nhiều nước phát triển trên thế giới đặt mua, đặc biệt là châu Âu. Các doanh nghiệp của Malaysia trước giờ mua nhiều gạo thơm của VN cũng chuyển dần sang mua gạo của Campuchia. “Gạo của Campuchia đã xuất khẩu tới những thị trường khó tính nhất thế giới, có giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Campuchia đã thành công với thương hiệu gạo của mình; trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo ở VN vẫn còn trầy trật”, ông Cua nói.
Phải xác định được mục tiêu
Nguyên nhân trầy trật của hạt gạo VN được cho là chúng ta không xác định được mục tiêu chiến lược là gì, an ninh lương thực hay xuất khẩu và xuất khẩu thì bán cho ai? Còn Campuchia, nước này thành công vì mục tiêu sản xuất rất rõ ràng là nhắm đến các thị trường cao cấp. Đáng chú ý, mục tiêu đó phù hợp với xu thế và nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo trong giai đoạn 2015 – 2023, thương mại gạo toàn cầu tăng 1,5%/năm. Nhu cầu gạo chất lượng cao trên thế giới sẽ tăng với các loại gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo trắng hạt dài, gạo thảo dược… Ngay tình hình xuất khẩu gạo của VN đang diễn ra cũng trùng khớp dự báo của FAO: Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho hay dù xuất khẩu gặp nhiều bất lợi nhưng mặt hàng gạo thơm đã có sự bứt phá ngoạn mục khi vươn lên đứng đầu trong cơ cấu xuất khẩu gạo của VN. Trong tháng 4, gạo thơm xuất khẩu chiếm đến 40%, kế đến là nếp 28%, gạo cao cấp chiếm trên 19%, gạo trung bình 9%…
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, vấn đề của chúng ta là phải xác định rõ ràng mục tiêu sản xuất lúa gạo vì an ninh lương thực hay xuất khẩu. Câu hỏi đó đã được đặt ra cách đây nhiều năm nhưng chưa có câu trả lời, vì vậy đến giờ vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo. “Chìa khóa thành công của ngành lúa gạo phải là đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh của ngành nông nghiệp ngày mai. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta là kinh phí cho nghiên cứu khoa học rất thấp và chủ yếu chỉ đủ trả lương cho cán bộ. Bên cạnh đó, nhà nước cần thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nông nghiệp, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp theo hướng xây dựng những cánh đồng lớn để tiếp cận công nghiệp hoá và xa hơn là để tích tụ ruộng đất”, GS Bửu nói.
TS Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực – cây thực phẩm (FCRI), cho rằng có thể chia xu hướng chất lượng gạo trên thị trường thế giới thành 5 cấp. Cấp 1 là gạo thơm, hạt dài, gạo đặc sản địa phương; loại gạo này nên đăng ký bảo hộ thương hiệu với tên giống đặc sản. Cấp 2 là gạo thơm thường. Cấp 3 là gạo Japonica (gạo hạt tròn) và nếp. Cấp 4 là gạo trắng 5% tấm hạt dài chất lượng cao và thứ 5 là gạo trắng 10 – 25% tấm. “VN hoàn toàn có thể sản xuất đáp ứng được các loại chất lượng trên. Tuy nhiên, để tham gia được thị trường thế giới với chiến lược chất lượng cao thì phải điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng và nghiên cứu đáp ứng các loại gạo theo phẩm cấp này”, TS Anh phân tích.
Không thể chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc
VN xuất khẩu gạo đi hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng thị trường chủ lực là Trung Quốc, chiếm 35% thị phần. Đây là thị trường chứa đựng nhiều bất ổn. Lượng gạo dự trữ của Trung Quốc hiện lên đến khoảng 46,8 triệu tấn, đủ cho nhu cầu nội địa trong 117 ngày. Do dự trữ cao nên họ có thể ngưng mua bất cứ lúc nào để làm giá. Trong khi đó, Thái Lan, Myanmar và cả Campuchia đã ký được hợp đồng cấp chính phủ nên tiêu thụ dễ hơn, còn VN hầu hết giao thương tiểu ngạch. Gần đây, VN phát triển mạnh sang thị trường châu Phi (khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới) nhưng đang phải cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan về loại gạo 25% tấm và gạo 5% tấm của Thái Lan.