23/12/2024

Cần có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hôm qua, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ VN” tại TP.HCM.

 

Cần có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hôm qua, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ VN” tại TP.HCM.




Thaco đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ
 /// Ảnh: Đình Mười

Thaco đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp hỗ trợẢNH: ĐÌNH MƯỜI

Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của VN chưa phát triển do đầu tư chưa thoả đáng, doanh nghiệp (DN) còn dựa nhiều vào khai thác khoáng sản, lao động giá rẻ hơn là đầu tư nghiên cứu chế tạo.
Cần có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Ô tô phải là ngành kinh doanh có điều kiện

Trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cách đây hơn 1 tuần, Chính phủ đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) – ngành CNHT của VN đang phát triển khá khiêm tốn. Chẳng hạn, với ngành sản xuất ô tô, mục tiêu đưa ra từ năm 2005 về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40%, đến năm 2010 nâng lên 60%.

Tuy nhiên, đến nay, nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi chỉ mới đạt khoảng 7 – 10%. Tương tự, trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may – da giày, nội địa hoá cũng chỉ đạt khoảng 20 – 25%, còn lại phải nhập khẩu. “Trong đó, mảng nghiên cứu thiết kế mẫu mã cho ngành còn rất yếu. Lý do dung lượng thị trường của ta còn nhỏ nên chưa được DN chú trọng đầu tư và nguồn lực đầu tư của nhà nước vào ngành CNHT còn hạn chế về chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ sản xuất. Thứ hai, các DN đầu tư nước ngoài (DN FDI) vào VN chủ yếu lắp ráp và chỉ chọn nhà cung cấp cùng quốc gia đi kèm khiến nền CNHT lâu nay không bật lên được”, đại diện Bộ Công thương nhận xét.
Đại diện một trong những DN đầu tàu của cả nước trong ngành ô tô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Group, cho rằng để giá ô tô VN cạnh tranh được với các nước trong khu vực thì tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 40%, mà điều này hiện tại rất khó. Đa số DN đang phải tự nỗ lực nội địa hóa bằng đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D), mở rộng sản xuất các chi tiết cơ khí từ đơn giản đến sản phẩm có chất lượng cao. “Hiện chúng tôi đang tự đầu tư phát triển CNHT cho DN bằng cách mở rộng nâng cấp nhà máy hiện hữu, nâng cao năng lực tự sản xuất các chi tiết đơn giản đến phức tạp”, ông Dương chia sẻ. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, cũng thừa nhận việc đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày còn rất yếu. “Hiện nguyên phụ liệu giày da mới đáp ứng 65 – 70%, giày thể thao 54 – 60%, túi xách 60 – 65%, thiết bị công cụ giày da chỉ khoảng 6 – 10%, giày thể thao 8 – 12%, túi xách 7 – 12%. Gia công phụ trợ thì giày da khoảng 1 – 3%, giày thể thao 3 – 5%…”, ông Thuấn trình bày.
Trong khi đó, theo TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN, những khó khăn về quy mô thị trường hay DN Việt tham gia vào CNHT còn yếu chưa phải là bản chất của vấn đề. Ông cho rằng CNHT đã được các bộ, ban ngành và DN “nỗ lực, khổ sở” bàn luận từ 15 năm nay nhưng vẫn chưa tìm được lối ra do thiếu tầm nhìn chiến lược.

Dẫn con số kế hoạch phát triển CNHT của VN đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT của cả nước chiếm 11%, ông Thiên nhận định đó là tỷ lệ gây “đau lòng” bởi chúng ta đang quan tâm CNHT theo chiều dọc, nhưng thực tế sản phẩm CNHT phát triển theo chiều ngang mới hiệu quả. “Ô tô Trường Hải không phải chỉ làm ốc vít để sản xuất ô tô, mà có thể làm ốc vít cung cấp cho sản xuất máy bay vẫn được cơ mà và thực tế đã chứng minh”, ông Thiên dẫn chứng. “Muốn phát triển CNHT, chúng ta phải có chiến lược. Phải có chính sách khuyến khích sản xuất nội địa. Cách tiếp cận nguồn đầu tư FDI cũng cần được xem xét trong chiến lược phát triển CNHT. Chúng ta cần thu hút DN FDI lớn để chuyển giao công nghệ hiện đại, chứ DN vừa và nhỏ nên dành cơ hội cho DN trong nước. Việc mở cửa thoải mái cho DN vừa và nhỏ của nước ngoài đã hạn chế cơ hội phát triển của DN VN”, ông Thiên nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta có quyền mơ về một VN trở thành công xưởng trong tương lai của nhiều ngành, không chỉ có ngành da giày và dệt may. Chúng ta cần thống nhất quan điểm phải phát triển CNHT, coi trọng thị trường trong nước song lấy thị trường toàn cầu làm mục tiêu để phát triển chiến lược”.

 

Hằng Nga