01/11/2024

Vay tiêu dùng như ‘chơi’ dao hai lưỡi

Các ngân hàng, công ty tài chính đang rầm rộ mời chào vay mua sắm cuối năm với lãi suất cao chót vót, rồi ráo riết truy đòi nợ khách hàng.

 

Vay tiêu dùng như ‘chơi’ dao hai lưỡi

Các ngân hàng, công ty tài chính đang rầm rộ mời chào vay mua sắm cuối năm với lãi suất cao chót vót, rồi ráo riết truy đòi nợ khách hàng.




 

Cần tìm hiểu kỹ khi vay tiêu dùng để tránh phải trả lãi “cắt cổ”ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đưa ra số giấy tờ có logo của công ty tài chính thuộc một ngân hàng (NH) thương mại cổ phần thông báo đòi nợ, bà N.T.N.Hoà, 70 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM sụt sùi kể: “Nhà có 2 mẹ con, không biết con đi vay tiền lúc nào mà gần đây NH cứ đến nhà đòi nợ tôi. Thoả thuận chẳng biết thế nào mà lãi suất vay lên đến 3,33%/tháng”. 



Vay tiêu dùng như 'chơi' dao hai lưỡi  - ảnh 1
Có người muốn trả trước cũng không trả được vì số tiền phải trả quá cao. Vì muốn trả nợ trước hạn họ phải trả trên số tiền tổng cộng này, chứ không phải món tiền đi vay. Đây là điều vô lý nhưng NH nói vi phạm hợp đồng là phải chịu
Vay tiêu dùng như 'chơi' dao hai lưỡi  - ảnh 2

Luật gia Phan Thị Việt Thu


Người con trai tên T.T.Q của bà vay Fe Credit hơn 60,5 triệu đồng trong vòng 36 tháng, kể từ tháng 10.2015. Số tiền mà T.T.Q phải trả hằng tháng là hơn 2,9 triệu đồng, trong đó nợ gốc tháng đầu tiên hơn 693.000 đồng, lãi phải trả hơn 2,2 triệu đồng. Ông T.T.Q trả được 10 kỳ thì không trả nổi vì nghỉ việc không có thu nhập. Bà Hoà kể con bà mới trả 10 kỳ, tương đương 29 triệu đồng, gần bằng một nửa số tiền vay nhưng do lãi suất cao quá, tính ra phần gốc chỉ mới trả được một ít. Theo lịch trả nợ đến tháng 10.2018, tổng số tiền phải trả lên đến 105 triệu đồng, gần gấp đôi số tiền đi vay. Bà lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi có nhiều người xưng là người của công ty tài chính đến nhà yêu cầu bà trả nợ, nhắn tin liên tục vào điện thoại. Bà cho xem tin nhắn có nội dung yêu cầu ông T.T.Q tiếp tục thanh toán 2,9 triệu đồng, và “Nếu tiếp tục trốn tránh, hồ sơ sẽ được gửi về T án nhân dân Q.Bình Thạnh, triệu tập tất cả những người có tên trong hợp đồng….”. “Tôi thấy con mình như đang chơi dao hai lưỡi, đứt tay chảy máu nguy hiểm vô cùng, mà không biết làm sao để thoát khỏi cảnh này”, bà than.
Ông Trần P., ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM cũng không tránh khỏi hoảng loạn khi nhớ lại cảnh gia đình bị khủng bố tinh thần vì món nợ vay ở công ty tài chính. Ông kể đã vay tổng cộng 22 triệu đồng tiêu dùng tín chấp, trả góp được 5 kỳ với hơn 7 triệu đồng thì gia đình gặp khó khăn khi con bệnh, ông lại bị tai nạn, nên trễ hạn trả nợ. Mấy tháng sau, một công ty đòi nợ tự xưng là đại diện công ty tài chính đến yêu cầu ông trả nợ 37,67 triệu đồng, nhưng ông túng quẫn chưa trả được. Sau đó, số tiền nợ tiếp tục tăng lên đến gần 62,6 triệu đồng. Công ty đòi nợ đã hăm doạ sẽ khởi tố hình sự, ông sẽ bị mất quyền công dân nếu bị khởi tố, bị ngăn xuất cảnh, không được chuyển dịch tài sản, phải tường trình các mối quan hệ và bị điều tra xác minh các thông tin đã tường trình. “Mặc dù tôi đã nhiều lần thương lượng để có thể trả nợ tốt nhất cho cả hai bên, nhưng nhân viên đòi nợ thoá mạ, uy hiếp tinh thần, khiến gia đình tôi rất hoang mang và lo sợ”, ông kể.
Lãi suất “cắt cổ”
Đến nay, bức xúc nhất của nhiều người vay tiêu dùng là lãi suất vay và cách thức đòi nợ. Với lãi suất cho vay tiêu dùng 3,33%/tháng, quy ra ông T.T.Q đang vay với mức lãi gần 40%/năm, là mức lãi suất rất cao trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động hiện nay khoảng 5 – 8%/năm.
Trong một hội thảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết có tới 80% phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính – NH liên quan đến tài chính tiêu dùng. Lãi suất trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng quá cao, từ 22 – 60%, thậm chí có nơi lên đến 80%, đặc biệt tại các công ty tài chính. Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, có nhiều trường hợp tư vấn một đàng, hợp đồng bị “cài cắm” một nẻo. Đa số người đi vay không biết được hệ lụy, cứ ký vào hợp đồng trong đó phần lãi suất còn để trống. Vài ngày sau, hợp đồng được gửi đến, và người tiêu dùng phải ngậm quả đắng vì “bút sa gà chết”, không thể khiếu nại vì đã ký xác nhận đồng ý. Hơn nữa, các NH và công ty tài chính khi tư vấn thường đưa mức lãi suất tính theo ngày, theo tháng, quy đổi ra số tiền trả thấp, nhưng chỉ khi vào cuộc trả nợ, người tiêu dùng mới tá hỏa phát hiện đã dính “bẫy” lãi suất tinh vi.
“Chẳng hạn, có người mua 1 chiếc xe máy với giá 36 triệu đồng, trả trước 10 triệu, lãi suất 2 – 4%/tháng nhưng công ty không ghi rõ lãi suất tính trên số tiền nào. Người vay trả tiền hằng tháng, tổng cộng số tiền phải trả lên đến hơn 50 triệu đồng. Như vậy, lãi suất được tính trên dư nợ ban đầu chứ không phải là dư nợ giảm dần. Thấy được thiệt hại, có người muốn trả trước cũng không trả được vì số tiền phải trả quá cao. Vì muốn trả nợ trước hạn họ phải trả trên số tiền tổng cộng này, chứ không phải món tiền đi vay. Đây là điều vô lý nhưng NH nói vi phạm hợp đồng là phải chịu. Người tiêu dùng “há miệng mắc quai” khó có thể kiện cáo, vì chính mình đã ký vào hợp đồng tín dụng”, luật gia Việt Thu phân tích.

 

Sơn An – Thanh Xuân