TP.HCM tập dượt thi trắc nghiệm
Những ngày này, các giáo viên bộ môn toán, sử, địa, giáo dục công dân (GDCD) bậc THPT ở TP.HCM đang ráo riết biên soạn đề thi, đề kiểm tra theo dạng trắc nghiệm, để xây dựng ngân hàng đề thi cho TP.
TP.HCM tập dượt thi trắc nghiệm
Những ngày này, các giáo viên bộ môn toán, sử, địa, giáo dục công dân (GDCD) bậc THPT ở TP.HCM đang ráo riết biên soạn đề thi, đề kiểm tra theo dạng trắc nghiệm, để xây dựng ngân hàng đề thi cho TP.
Giáo viên môn GDCD ở TP.HCM tham gia buổi tập huấn thiết kế câu hỏi trắc nghiệm cho đề thi, do Sở GD-ĐT TP tổ chức tại trường THPT Trưng Vương ngày 5-11 – Ảnh: H.HG. |
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến ngày 5-11, sở đã hoàn tất việc tập huấn cho giáo viên các trường THPT về việc thiết kế câu hỏi trắc nghiệm để làm đề thi môn GDCD, sử, địa, toán. Đây là những bộ môn lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Làm quen với trắc nghiệm thông qua kỳ kiểm tra
Tại buổi tập huấn làm đề thi trắc nghiệm môn GDCD, nhiều giáo viên đề nghị được hướng dẫn về cách lập ma trận đề, vì họ chưa quen với việc ra đề kiểm tra môn GDCD theo phương pháp trắc nghiệm.
Một giáo viên cho biết: “Lâu nay môn GDCD ít được nhà trường và học sinh quan tâm. Đùng một cái, GDCD được đưa vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT. Đã vậy, học sinh lại phải làm bài thi theo kiểu trắc nghiệm, trong khi lâu nay các em đã quen với bài làm tự luận.
Học sinh lo một thì chúng tôi lo mười. Làm sao để có những đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ theo kiểu trắc nghiệm, nhưng phải sát với đề thi của Bộ GD-ĐT cho học sinh tập dượt, làm quen. Đó là một thách thức lớn đối với giáo viên môn GDCD”.
Trong các buổi tập huấn xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm, Sở GD-ĐT TP đã đưa ra quy trình biên soạn đề: xác định mục tiêu kiểm tra, đánh giá (chú ý có kiểm tra kiến thức, kỹ năng, thái độ); lập ma trận đề; biên soạn đề; xây dựng đáp án; thử nghiệm và đưa vào ngân hàng đề để sử dụng.
Về nội dung câu hỏi trắc nghiệm: phải thể hiện được mục đích kiểm tra khả năng nhận biết, thông hiểu, khả năng vận dụng thấp và vận dụng cao kiến thức môn học của học sinh.
Từng bước làm quen
Trong khi đó, ở các trường THPT trên địa bàn TP: “Với những học sinh (khối 12) đăng ký thi môn khoa học xã hội, chúng tôi cho các em học tăng thêm 1 tiết/tuần môn GDCD. Riêng môn sử và địa thì dự kiến sang học kỳ 2 mới tăng tiết.
Năm nay là năm đầu tiên học sinh thi trắc nghiệm môn toán và sử, địa, GDCD – mới quá, gấp quá nên nhà trường bắt buộc phải cho học sinh tập dượt bằng những kỳ kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Từ nay đến cuối năm học, tất cả những môn kể trên đều kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm” – đại diện ban giám hiệu Trường THPT Trần Khai Nguyên thông tin.
Tuy nhiên, đại diện Trường Trần Khai Nguyên cũng khẳng định: “Hình thức kiểm tra trên chỉ áp dụng cho học sinh khối 12 để các em có điều kiện làm quen, rèn luyện hình thức thi mới. Riêng học sinh khối 10, 11 thì vẫn có những bài kiểm tra tự luận, nhằm khuyến khích các em rèn luyện khả năng diễn đạt, lập luận…”.
Tương tự, ông Thái Quang Cường, hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc, chia sẻ: “Năm đầu tiên thi trắc nghiệm hàng loạt môn, học sinh lo lắng lắm. Để ổn định tư tưởng học sinh và phụ huynh, trường chúng tôi cho học sinh khối 12 làm quen và rèn luyện cách làm bài trắc nghiệm, thông qua các kỳ kiểm tra thường xuyên.
Mặc dù vậy nhưng không phải tất cả đều kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, chúng tôi chủ trương sẽ xen kẽ một số kỳ kiểm tra theo hình thức tự luận”.
Ông Cường giải thích: “Nếu tất cả các kỳ kiểm tra đều ra theo hình thức trắc nghiệm thì học sinh sẽ chủ quan. Một số em lười biếng sẽ đánh “lụi” chứ không chịu học bài. Và rất có thể các em gặp may mắn trong một bài kiểm tra nào đó (tức là không học bài, đánh “lụi” nhưng vẫn đạt điểm tương đối cao – PV), như vậy sẽ tạo ra tâm lý không tốt cho học trò”.
Đầu tháng 4-2017 thi thử tốt nghiệp THPT
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP đều đang ráo riết xây dựng ngân hàng đề kiểm tra môn toán, sử, địa, GDCD theo hình thức trắc nghiệm.
Thầy Phan Đông Xuân, giáo viên môn sử Trường THPT Giồng Ông Tố, thông tin: “Trường chúng tôi cùng với các trường THPT khác ở quận 2, quận 9, quận Thủ Đức họp bàn rồi phân chia (giáo viên thực hiện ngân hàng đề thi theo cụm, mỗi cụm bao gồm nhiều trường THPT của 2 – 4 quận huyện – PV).
Mỗi giáo viên soạn câu hỏi của một số bài, sao cho bảo đảm cả cụm soạn đủ câu hỏi cả chương trình môn sử lớp 12. Sau đó, các giáo viên sẽ gửi tất cả câu hỏi về Sở GD-ĐT TP để thẩm định và xây dựng ngân hàng đề thi”.
“Quan điểm của Sở GD-ĐT TP là vừa dạy vừa củng cố, trước hết học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Sau mỗi chương, mỗi học kỳ, giáo viên sẽ hỗ trợ học sinh khối 12 làm đề cương ôn tập cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm. Dự kiến cuối tháng 11 này Sở GD-ĐT TP sẽ phối hợp với một số nhà xuất bản thực hiện và cho ra mắt tài liệu ôn tập luyện thi trắc nghiệm môn toán, sử, địa và GDCD” – ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.
Theo ông Hiếu: “Sau khi hội đồng bộ môn của sở thẩm định các câu hỏi trắc nghiệm do giáo viên TP thiết kế, đến cuối tháng 3-2017 sở sẽ công bố ngân hàng đề thi, đề kiểm tra trắc nghiệm môn toán, sử, địa, GDCD cho tất cả trường THPT trên địa bàn.
Lúc này, học sinh khối 12 gần như đã hoàn thành chương trình THPT, các em sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn tập và củng cố kiến thức. Dự kiến đầu tháng 4-2017, sở sẽ tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT để học sinh có dịp cọ xát, làm quen với hình thức thi mới và không bỡ ngỡ trong kỳ thi thật”.
Chọn một trong hai phương án để kiểm tra cuối học kỳ 1 Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có công văn hướng dẫn về việc kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2016-2017 (thực hiện vào giữa tháng 12-2016). Theo đó, đối với học sinh khối 12: nhà trường biên soạn mỗi môn một đề kiểm tra chung cho toàn khối (môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ). Với các môn còn lại về khoa học xã hội (sử, địa, GDCD) và khoa học tự nhiên (lý, hoá, sinh), nhà trường có thể chọn một trong hai phương án: mỗi môn biên soạn một đề chung cho toàn khối hoặc mỗi môn biên soạn thành hai đề A và B có phần cơ bản (chiếm 60%) giống nhau, phần phân hóa khác nhau (40%); trong đó đề A có mức độ phân hóa thấp, đề B có mức độ phân hóa cao. Nhà trường cho học sinh đăng ký và sắp xếp học sinh dự kiểm tra thành 2 nhóm: nhóm khoa học xã hội theo đề B thì khoa học tự nhiên sẽ theo đề A và ngược lại (cho phù hợp với nhu cầu thi THPT quốc gia vào cuối năm học của học sinh). Trong đó, môn ngữ văn sẽ ra theo hình thức tự luận (gồm hai phần đọc hiểu và làm văn); các môn ngoại ngữ, vật lý, hoá học, sinh học: đề ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Riêng môn toán, sử, địa, GDCD: tuỳ theo tình hình học sinh đã làm quen với hình thức kiểm tra trắc nghiệm của môn này hay chưa, nhà trường có thể chọn lựa một trong hai phương án: kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn, hoặc theo hình thức tự luận nhưng đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi ngắn. |