Mòn mỏi chờ tiền hoàn thuế
Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị “treo niêu” dịp cuối năm khi Quỹ hoàn thuế lại sắp hết tiền chi trả.
Mòn mỏi chờ tiền hoàn thuế
Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị “treo niêu” dịp cuối năm khi Quỹ hoàn thuế lại sắp hết tiền chi trả.
Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) dịp cuối năm được nhiều doanh nghiệp (DN) ví như “liều thuốc bổ” tiếp sức cho họ nhận thêm đơn hàng, hợp đồng, tăng doanh thu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng đến hẹn lại lên, năm nay nhiều DN lớn, nhỏ lại rơi vào cảnh mòn mỏi chờ đợi vì Quỹ hoàn thuế… hết tiền.
Cố gắng “cầm hơi” hết tháng 11
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 25.10 toàn ngành thuế đã duyệt chi 94.073 tỉ đồng tiền hoàn thuế, bằng 96% dự toán hoàn thuế năm 2016. Quỹ hoàn thuế năm 2016 được Quốc hội phê duyệt là 98.000 tỉ đồng. Trong đó, quỹ đã chi 14.336 tỉ đồng cho các quyết định hoàn năm 2015, chi 79.737 tỉ cho các quyết định hoàn năm 2016, số dư dự toán còn được sử dụng là 3.927 tỉ đồng.
|
Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho thấy Quỹ hoàn thuế đến 18.11 chỉ còn 2.000 tỉ đồng. Trong khi đó, càng cuối năm, diện hoàn thuế càng tăng lên. Vì vậy, tại cuộc họp mới đây, Tổng cục Thuế xác định với số tiền trên nếu cố gắng cũng chỉ cầm cự đến hết tháng 11.
Việc cạn quỹ dẫn đến nguy cơ tiền hoàn thuế cho DN sẽ chậm lại. Ông H., chủ một DN tại TP.HCM, cho biết công ty của ông phát sinh một bộ hồ sơ hoàn thuế hơn 2 tỉ đồng. Sau một thời gian cơ quan thuế giải quyết, vẫn còn lại khoảng 120 triệu đồng phát sinh từ tiền du lịch của người lao động bị loại ra. “Hồ sơ hoàn thuế cũ vẫn chưa nhận hết tiền hoàn, nay DN có thêm hồ sơ mới phát sinh được 3 tháng mà vẫn chưa có động tĩnh gì”, ông H. nói và kể cách đây 3 tháng, DN của ông tiếp tục nộp hồ sơ xin hoàn 1,5 tỉ đồng tiền thuế nhưng theo thông tin thì đến tháng 12.2016 cán bộ thuế mới xuống kiểm tra trước khi ra quyết định hoàn. “Chỉ mong rằng DN được sớm hoàn số thuế trên. Trước đây, DN được hoàn thuế trước kiểm tra sau nhưng nay không hiểu sao bị kiểm tra trước mới hoàn”, ông H. cho hay.
Trường hợp xin hoàn thuế GTGT của công ty bà L. còn trở nên mịt mù hơn. DN làm hồ sơ xin hoàn thuế 5,5 tỉ đồng, cơ quan thuế xuống kiểm tra và sau đó trả lời là không hoàn do DN kê khai tờ khai không đúng quy định. “Chúng tôi đang chờ phía cơ quan thuế hướng dẫn cụ thể hơn, vì chúng tôi thuộc diện được hoàn thuế. Nếu chỉ kê khai thuế không đúng mẫu tờ khai mà dẫn đến không được hoàn thì thiệt cho DN quá”, bà L. lo lắng.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, quỹ đang ngày càng teo tóp khiến mới đây Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng cục Thuế cần phải siết lại một số trường hợp, đặc biệt chuyển hồ sơ kiểm tra trước hoàn đối với các trường hợp rủi ro về thay đổi chính sách theo Công văn số 13804/BTC-TCT của Bộ Tài chính. Đây là một nguyên nhân khiến nhiều DN có khả năng phải khổ sở ngồi chờ tiền hoàn thuế.
Hoàn thuế chậm vì… hết tiền
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay trong buổi gặp gỡ và đối thoại gần đây với ngành thuế, nhiều DN phản ánh hồ sơ hoàn thuế vẫn còn chậm do thủ tục còn kéo dài và cả do quỹ tại một số cục thuế địa phương không có tiền. Bên cạnh đó, vẫn theo ông Xoa, nhiều quy định hiện đã siết lại đối tượng hoàn thuế GTGT, trong đó có đối tượng vừa bị “siết” không được hoàn thuế là chưa hợp lý. “Cụ thể, ngày 30.9, Bộ Tài chính có Công văn 13804 gửi các cục thuế quán triệt về quản lý hoàn thuế GTGT các tháng cuối năm 2016. Công văn đề cập một số trường hợp không được hoàn thuế, trong đó nêu “không hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu”. Chiếu theo quy định này, giả sử DN B. (trong nước) nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ về chịu thuế GTGT 10%, sau đó bán cho DN C. (trong khu chế xuất với thuế suất 0%) để sản xuất hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu. Trước đây, DN B. được hoàn thuế nhưng nay không được hoàn là vô lý”, ông Xoa phân tích.
Cũng cần nói rằng, từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29.6.2016 hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT đã khắc phục tình trạng phân tán, không tập trung các quy định về hoàn thuế. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, cho biết quy định cũ phân bổ về các địa phương, nay kinh phí hoàn thuế được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm do Quốc hội quyết định. Dự toán hoàn thuế GTGT do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quản lý và điều hành chi, Cục trưởng Cục Thuế quản lý, sử dụng kinh phí hoàn thuế GTGT để chi hoàn cho người nộp thuế theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoàn thuế theo quy định của pháp luật. Điều này, khiến thủ tục được giải quyết nhanh chóng hơn.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cũng đánh giá Thông tư 99 đã khắc phục tình trạng phân tán, không tập trung các quy định về hoàn thuế. Thủ tục hoàn thuế áp dụng công nghệ hiện đại cũng khắc phục được tình trạng chậm trễ so với trước. “Thế nhưng tiền không có để hoàn thì còn nói chuyện thủ tục gì nữa”, ông Long nhận xét.
Theo chuyên gia này, lâu nay nhà nước nợ thuế các DN dường như trở thành thói quen. Trong khi DN nợ thì bị phạt, nhẹ thì phạt lãi suất, tiền chậm nộp; nặng hơn thì bị phong toả tài khoản, không chấp nhận hóa đơn trong thanh toán, giao dịch, thậm chí cưỡng chế ngay tại nhà máy, cửa hàng… “Để xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, công khai đối với DN, theo tôi điều đầu tiên phải xử lý ngay vấn đề nợ tiền thuế DN. Tiền đó là của họ nộp vào nay phải trả, chứ không phải tiền DN đi xin, được nhà nước hỗ trợ. Điều đó rất không công bằng cho các DN khi họ đang khó khăn, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, phải vay ngân hàng với lãi suất cao”, ông Long nói.
Vẫn còn hơn 73.000 tỉ đồng nợ thuế
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31.10.2016 là 73.161 tỉ đồng, giảm 733,9 tỉ đồng (-1%) so với thời điểm 31.12.2015. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 30.999 tỉ đồng, chiếm 42,4% tổng số tiền thuế nợ, giảm 5.177 tỉ đồng (-14,3%) so với thời điểm 31.12.2015. Các khoản phạt và tiền chậm nộp là 27.141 tỉ đồng, chiếm 37,1% tổng số tiền thuế nợ, tăng 4.232 tỉ đồng (+18,5%) so với thời điểm 31.12.2015. Tiền thuế nợ không có khả năng thu là 15.020 tỉ đồng, chiếm 20,5% tổng số tiền thuế nợ, tăng 210,6 tỉ đồng (+1,4%) so với thời điểm 31.12.2015.
|
Tiêu Phong – Thanh Xuân